Kinh cầu cho người mẹ
Phá thai luôn là một trong những chủ đề tối kỵ nhất. Thế nhưng, thập niên 1990 - một thập niên sổ lồng của âm nhạc - đã chứng kiến làn sóng những ca khúc lấy cảm hứng từ đề tài này.
1. Năm 1992, Leonard Cohen, khi tiên tri về một tương lai ảm đạm nơi mọi thứ đều trượt đi theo muôn hướng, đã viết thế này trong ca khúc The Future : "Giờ đây hãy hủy diệt thêm một phôi thai nữa, chúng ta không còn thích trẻ con, em ơi tôi đã nhìn thấy tương lai, một vụ giết người".
Dù nhạc sĩ từ chối làm rõ quan điểm của mình, nhưng rất nhiều người tin rằng bài hát ám chỉ việc phá thai như một triệu chứng cho sự hấp hối của thế giới, và Leonard Cohen luôn được coi như một người chống phá thai.
Từ "người già" vĩnh cửu như Leonard Cohen đến những người mang mùi hương của "tinh thần tuổi thiếu niên" như ban nhạc Nirvana, họ đều nói về phá thai.
Được ghi âm không lâu trước khi Kurt Cobain tự sát, ca khúc Pennyroyal Tea mô tả một người đang lặng lẽ uống một loại trà thảo mộc để trút bỏ sự sống bên trong cơ thể và mơ về "một thế giới bên kia kiểu Leonard Cohen", nơi người đó có thể vĩnh viễn thở dài. Loại trà thảo mộc này theo y học dân gian có thể giúp phá thai, và vì được viết rất gần thời điểm Cobain kết liễu cuộc đời mình, chủ đề phá thai và chủ đề tự hủy gần như nhập làm một.
Khác với Leonard Cohen, Kurt Cobain không lên án phá thai. Ca khúc chỉ như một lời tự oán thán và tự đày đọa, nhưng tông điệu tự hoại của nó vô tình nhấn mạnh thành kiến về phá thai như một điều đáng hổ thẹn, một vết nhơ.
2. Tháng 6 vừa qua, án lệ Roe v. Wade bị lật ngược ở Mỹ, đồng nghĩa với việc phá thai không còn là quyền hợp hiến của phụ nữ đất nước này. Một mâu thuẫn âm ỉ lại bùng lên, và có lẽ chẳng có chủ đề nào gây chia rẽ một cách chính đáng như phá thai. Dù bạn ủng hộ quyền được sống của bào thai hay ủng hộ quyền được lựa chọn của phụ nữ, bạn cũng có thể vin vào những lý do hợp lý.
Thật khó để những nghệ sĩ âm nhạc hát một ca khúc về phá thai mà không gây tranh cãi. Madonna đâu chỉ bị một bộ phận khán giả căm ghét vì báng bổ Chúa, cô còn bị căm ghét vì khuyến khích không phá thai dù người mẹ ở độ tuổi vị thành niên. Trong Papa Don't Preach, một trong những bản hit lớn trong sự nghiệp của nữ hoàng nhạc pop, cô nói lên tâm tư một bà mẹ tuổi teen quyết không bỏ đi bào thai trong bụng.
Ngược lại, những người ủng hộ quyền được sống lại giận dữ khi Steve Taylor, một nghệ sĩ alternative rock nổi tiếng thập niên 80, viết ca khúc I Blew Up The Clinic Real Good chế giễu một người bán kem cho nổ tung cơ sở phá thai chỉ vì nó cướp đi những khách hàng tiềm năng của gã.
Bài hát là một ẩn dụ về thói đạo đức giả của những người muốn tước đi quyền lựa chọn của các bà mẹ, những người nhân danh đứng về phía cuộc đời còn chưa thành hình của bào thai nhưng lại chẳng mảy may quan tâm đến cuộc đời của người phụ nữ.
3. Vậy phá thai là đúng hay sai? Câu hỏi này quá khó với cả những triết gia kiệt xuất. Và thay vì tìm một kết luận, hãy thử nghe một người phụ nữ từng phá thai kể lại ký ức đó.
Năm 16 tuổi, Nicki Minaj mang thai. Chẳng có lựa chọn nào, cô phải phá bỏ cái thai ấy. Câu chuyện được nữ rapper nổi tiếng tự thú trong phần cuối bản Autobiography được viết tựa kinh cầu cho đứa trẻ chưa được sinh ra, trong đó có câu "mẹ mắc kẹt trong lương tâm của chính mình".
Đúng thế, chẳng cần xã hội phải dằn vặt cô, tự cô đã dằn vặt bản thân. Sau rốt, phá thai tự nó là một giằng xé đạo đức, một nỗi đau đủ ám ảnh hết một đời, một gánh nặng quá đỗi riêng tư của những ai đã từng trải qua, đến mức mọi quan điểm dù ủng hộ hay phản đối từ bên ngoài đều có thể trở thành bất nhẫn.
Ngày 8-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm mở rộng khả năng tiếp cận các loại thuốc phá thai cho phụ nữ, sau khi Tòa án tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết công nhận quyền này hồi tháng trước.