"Kiếp nạn" của tân sinh viên khi ứng tuyển thành viên câu lạc bộ ở ĐH

Chia sẻ Facebook
11/07/2023 15:11:37

Tuyển thành viên tại câu lạc bộ dường như đã trở thành cú sốc đầu đời với hầu hết tân sinh viên, mặc dù giúp thành viên trang bị nhiều kỹ năng khác nhau nhưng việc tham gia vào “ngôi nhà thứ 2” tại trường đại học không phải dễ bởi một vài tiêu chí khắt khe.


"Trường có đến 20 câu lạc bộ, thế mà em ứng tuyển mãi chưa đỗ vào chỗ nào, có phải em kém cỏi quá không?". Đó là lời tâm sự từ một thành viên của nhóm Cột sống Gen Z mà tôi đã đọc được. Băn khoăn của bạn có lẽ cũng là nỗi lòng của nhiều tân sinh viên khi lần đầu bước chân vào cổng trường đại học. Nhiều bạn trẻ hồi hộp, lo lắng khi tham gia ứng tuyển vào câu lạc bộ, có bạn thậm chí sốc vì bị đánh trượt. Vốn là nơi để giao lưu giữa các thế hệ sinh viên, tại sao lại khó khăn, cam go đến thế? Trượt "kỳ thi" này liệu có phải bạn vô dụng hay không?

Để trúng tuyển vào 1 câu lạc bộ ở trường đại học cũng không dễ dàng.


Tự ti vì trượt câu lạc bộ

Cứ mỗi mùa câu lạc bộ tại các trường đại học tuyển thành viên lại rầm rộ, thu hút nhiều sự chú ý, cũng nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười" từ đây mà ra. Tân sinh viên ai cũng háo hức khi nhìn thấy các anh chị khóa trên chuyên nghiệp, tự tin trong các sự kiện, ai cũng năng động, đa tài khiến cho các em ngưỡng mộ, cũng tự đặt mục tiêu phải trở thành "lính mới" của ít nhất một câu lạc bộ trong trường.

Các câu lạc bộ là cầu nối sinh viên toàn trường với nhau. (Ảnh: Pinterest)

Có nhiều lợi ích khiến cho sinh viên muốn tham gia các câu lạc bộ. (Ảnh minh họa: Câu lạc bộ Anh ngữ)

Thế nhưng, mọi thứ lại chẳng dễ dàng đến thế. Háo hức điền đơn, tham gia phỏng vấn, trải qua đủ các thử thách được đưa ra nhưng kết quả cuối cùng nhận được lại là bạn không phù hợp với câu lạc bộ này. Lần đầu "tạch" như bị dội một gáo nước lạnh, nhiều tân sinh viên hoang mang vì không thể tin được việc xét tuyển vào các câu lạc bộ lại khó khăn đến thế.


Nguyễn Lan Hương, một độc giả quen thuộc của YAN 3 lần bị đánh trượt khi thi tuyển vào các câu lạc bộ đã chia sẻ rằng: "Kiếp nạn thứ 82 của cuộc đời mình khi liên tục bị đánh trượt. Mình đã suy nghĩ rất nhiều và chọn ra 3 câu lạc bộ để đăng ký và đều dừng lại ở vòng thử thách cuối cùng. Trong khi đó, gần như cả lớp đều đã được nhận. Lúc đó, mình hoang mang lắm, cảm giác tự ti, thậm chí còn nghĩ bản thân kém cỏi, ứng tuyển vào câu lạc bộ trường mà còn 'tạch' thì sau này đi xin việc biết làm sao."

Nhiều tân sinh viên khát khao được là một phần trong câu lạc bộ của trường. (Ảnh minh họa: Zing News)

Giống như Lan Hương, không ít bạn hụt hẫng, buồn suốt thời gian dài. Trúng tuyển một trường top đầu, số đông các tân sinh viên đều từng có thành tích học tập, hoạt động rất khá khi còn học phổ thông thế nhưng vẫn không qua được các thử thách của những anh chị đi trước. Nhiều bạn trẻ còn cảm thấy những câu hỏi phỏng vấn khi ứng tuyển vào câu lạc bộ cũng hóc búa không kém.


"Đi xin việc còn dễ hơn"


Bạn Tùng Dương sau khi tham gia phỏng vấn vào câu lạc bộ đã so sánh việc ứng tuyển vào đây giống như đi xin việc tại các công ty, tập đoàn lớn khi những câu hỏi phỏng vấn được cho là khó nhằn: "Em đã có kinh nghiệm gì trong công việc này chưa?", "Em có những khả năng đặc biệt gì để phát triển câu lạc bộ mình đi xa hơn, vững mạnh hơn?", "Em có gắn bó với câu lạc bộ cho đến khi ra trường",...


Tùng Dương cho rằng không chỉ câu hỏi vĩ mô, mà không khí của những vòng phỏng vấn cũng vô cùng căng thẳng khi các anh chị khóa trên ngồi rất đông xung quanh, sắc mặt ai cũng nghiêm túc căng như dây đàn: "Một người nói mười mấy người nhìn, mình cảm giác hồi hộp, lo lắng, ngột ngạt thật sự. Mình nghĩ chắc đi xin việc cũng không căng thẳng tới mức ấy".

Có ý kiến cho rằng các câu lạc bộ phỏng vấn quá căng thẳng khiến ứng viên hoang mang. (Ảnh: R.B)

Thậm chí khó khăn hơn cả đi xin việc. (Ảnh: R.B)

Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi mỗi mùa câu lạc bộ tuyển dụng thành viên mới. Một bên cho rằng, cách thức làm việc của các câu lạc bộ có phần quá cầu kỳ, rườm rà khi tổ chức hết vòng này tới vòng khác: Nộp đơn, tham gia thử thách, phỏng vấn; một số câu lạc bộ năng khiếu còn có các vòng như casting, thử giọng, thực hiện dự án,... Quá nhiều thử thách khó khăn dành cho sinh viên năm nhất, các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm.

Ngược lại, một bên cho rằng các câu lạc bộ chỉ đang cố gắng thực hiện quy trình một cách chuyên nghiệp, tìm ra được người phù hợp nhất, có thể gắn bó lâu dài với cả đội.


Trượt câu lạc bộ không có nghĩa bạn kém cỏi

Trượt câu lạc bộ được ví như cú sốc đầu tiên của sinh viên năm nhất. Thế nhưng, dù có bị loại 1 - 2 lần, thậm chí 3 - 4 lần cũng đừng nghĩ mình kém cỏi vì vẫn còn rất nhiều cơ hội khác chờ bạn trải nghiệm. Tham gia câu lạc bộ chỉ là một phần rất nhỏ trong quảng đời sinh viên, bạn không thành công ở "sân chơi" này nhưng lại phát huy được thế mạnh ở những vị trí khác.

Câu lạc bộ phỏng vấn tuyển thành viên. (Ảnh minh họa: Thương hiệu và Pháp luật)

Không thể phủ nhận các câu lạc bộ ở trường đại học là nơi giao lưu, kết nối lý tưởng dành cho các thế hệ sinh viên. Tại đây, mọi người sẽ cùng nhau trao đổi sở thích, nguyện vọng, giúp đỡ nhau trong nhiều hoạt động. Do đó, mỗi câu lạc bộ sẽ có tiêu chí riêng để tuyển chọn thành viên, nếu bạn chưa có may mắn trúng tuyển cũng đừng buồn, thất vọng hay trách móc. Khoan hãy bàn đến chuyện đúng, sai, đổ lỗi cho bản thân kém cỏi hay câu lạc bộ làm quá, tuyển chọn gắt gao,... hãy vui vẻ đón nhận kết quả. Tham gia câu lạc bộ chỉ là một trải nghiệm rất nhỏ trong cuộc đời mà thôi, không thể đánh giá thành công hay thất bại.

CLB ở trường đại học không chỉ tạo điều kiện giúp tân sinh viên giao lưu, kết bạn mà nơi đây còn hỗ trợ đào tạo các kỹ năng mềm cho từng thành viên. Tuy nhiên do chỉ nhận số lượng ít nên không tránh khỏi trường hợp một vài bạn phải chấp nhận ra về sau khi không vượt qua vòng phỏng vấn. Dù cho có trượt, bạn cũng đừng thất vọng, vẫn còn rất nhiều cơ hội ngoài kia đang chờ bạn khám phá.


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook