Kiến trúc bền vững của những ngôi nhà Gassho-Zukuri ở Nhật Bản
Không có đinh hay bất kỳ vật liệu kim loại nào khác, mái nhà Nhật Bản đồ sộ — dày khoảng 91cm — được xây dựng chỉ bằng rơm và gỗ thu hoạch tại địa…
Ở Nhật Bản, có những ngôi nhà truyền thống nằm ẩn mình trong các ngọn núi có thể truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai về kiến trúc bền vững cho những khu vực có tuyết rơi dày. Những ngôi nhà Gassho-zukuri có mái dày và dốc, đòi hỏi ít hoặc không cần kim loại trong quá trình xây dựng; được xây dựng dựa vào rơm và gỗ thu hoạch tại địa phương cùng với sự khéo léo của con người để phù hợp tối đa với điều kiện khí hậu của xứ sở tuyết trắng.
Nhà Gassho-zukuri là một điển hình về kỹ thuật thích ứng với đặc điểm khí hậu cụ thể. Kiến trúc cổ xưa này giúp những ngôi nhà có thể chịu được lượng tuyết cực dày, vốn là đặc trưng của khu vực này.
Gassho-zukuri, có nghĩa là ‘bàn tay đang cầu nguyện’, đề cập đến hình dáng mái tranh dày của ngôi nhà nhô lên giống như bàn tay của một nhà sư chắp lại khi cầu nguyện. Là một nhánh kiến trúc theo phong cách Minka, có nghĩa là ‘nhà ở cho người dân’, gassho-zukuri được những người nông dân, nghệ nhân và thương nhân rất ưa chuộng.
Vào mùa đông, những mái nhà cồng kềnh ẩn dưới lớp tuyết dày, trông giống như những ngôi nhà bánh gừng với lớp đường phủ bên trên. Những mái nhà dày – được thiết kế để bảo vệ ngôi nhà khỏi sức nặng của tuyết – vừa có chức năng hoàn hảo vừa mang lại nét duyên dáng mộc mạc cho ngôi nhà.
Mái nhà sau mỗi 30-40 năm mới cần phải lợp lại một lần, những ngôi nhà có thể tồn tại hàng thế kỷ. Không có đinh hay bất kỳ vật liệu kim loại nào khác, mái nhà gassho-zukuri đồ sộ — dày khoảng 91cm — được xây dựng chỉ bằng rơm và gỗ thu hoạch tại địa phương.
Những ngôi làng như vậy có thể được tìm thấy ở Shirakawa-go, một địa điểm du lịch nổi tiếng với bộ sưu tập các ngôi nhà gassho-zukuri, đã mang lại cho ngôi làng danh hiệu “Di sản Thế giới của UNESCO” vào năm 1995. Với lượng tuyết rơi trung bình hàng năm lên tới 10,9m, Shirakawa-go là một ứng cử viên hàng đầu cho kiến trúc sáng tạo này từ nhiều thế kỷ trước.
“Dấu vết lâu đời nhất của cuộc sống con người ở Shirakawa-go là những đồ tạo tác có niên đại từ 7.000 năm trước Công nguyên và 2.300 năm trước Công nguyên,”
“Cái tên ‘Shirakawa-go’ lần đầu tiên xuất hiện rõ ràng vào khoảng năm 1176. Cái tên này được cho là đã được sử dụng rộng rãi vào thời điểm đó vì nó xuất hiện trong nhật ký của một quý tộc sống ở Kyoto.”
Độ dày của mái nhà gassho-zukuri không chỉ làm giảm nguy cơ sụp đổ mà còn giúp giữ ấm bên trong nhà trong mùa đông lạnh giá ở Shirakawa-go. Độ dốc của khung chữ A cũng cho phép tuyết trượt xuống dễ dàng.
Kiểu xây dựng mái nhà này mang lại những gác xép cao, cung cấp không gian rộng rãi và điều kiện thích hợp để nuôi tằm – một nguồn sinh kế chính của cộng đồng này. Cây dâu tằm được trồng để cung cấp thức ăn (lá) cho ấu trùng tằm, chúng có thể lớn lên trong suốt mùa đông nhờ lớp cách nhiệt dày bảo vệ chúng khỏi nhiệt độ lạnh.
Ngoài ra, các ngôi nhà đều được quay mặt về hướng bắc hoặc nam, không chỉ giúp giảm sức cản của gió mà còn được sưởi ấm nhờ ánh nắng chiếu vào cửa sổ trong mùa đông và được che nắng khỏi ánh nắng gay gắt của mùa hè.
Ngày nay vẫn có những người sống trong những công trình kiến trúc cổ kính này, mặc dù nhiều công trình được dùng làm chỗ ở mộc mạc cho những du khách muốn trải nghiệm hương vị truyền thống. Ngoài ra, khách du lịch cũng có thể vừa tận hưởng kiến trúc đầy cảm hứng này vừa tham gia hoạt động trượt tuyết ở những ngọn núi gần đó.
Những ngôi nhà gassho-zukuri của Nhật Bản là một trong những ví dụ điển hình về trí tuệ người xưa. Việc mọi người vẫn có thể sống thoải mái trong những ngôi nhà đơn giản này chứng tỏ lối sống gắn kết, phù hợp với tự nhiên mang đến sự bền vững lâu dài.
Ngọc Chi, Vision Times
Kiến trúc bền vững của những ngôi nhà Gassho-Zukuri ở Nhật Bản