Kiến nghị vẫn giữ Lịch sử là môn học bắt buộc
Bộ GDĐT cần tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử và các ĐBQH quyết định môn Lịch sử cấp THPT trong Chương trình GDPT 2018 là môn học bắt buộc.
Đây là kiến nghị được đưa ra tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội diễn ra sáng nay (22/5).
Trong Báo cáo chuyên đề "Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp THPT" của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa Lịch sử thành môn lựa chọn. Vì Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị tư tưởng với thế hệ trẻ.
Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh trung học phổ thông là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện khơi dậy truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Xét về tâm sinh lý lứa tuổi học sinh trung học phổ thông có sự trưởng thành về nhận thức khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Và trên thế giới, Lịch sử trong Chương trình THPT luôn là môn học bắt buộc.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình GDPT 2018 nói chung, chương trình môn Lịch sử nói riêng để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.
Nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần tiếp tục thay đổi cách tiếp cận môn Lịch sử, giảm tải nội dung trong SGK Lịch sử sao cho phù hợp, đổi mới cách thức dạy và thi Lịch sử, để học sinh được chủ động sáng tạo hơn, từ đó hào hứng và yêu thích môn học này.
Cũng trong phiên họp sáng nay, Ủy ban đã nghe báo cáo một số nội dung về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Báo cáo kết quả giám sát việc quản lý cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin truyền thông khác trên mạng internet.