‘Kiến nghị giải quyết 100%, sao nhiều người vẫn căng biểu ngữ trước các trụ sở’

Chia sẻ Facebook
11/05/2022 22:47:15

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn băn khoăn khi các kiến nghị của người dân gửi đến Quốc hội được giải quyết 100% nhưng hàng ngày nhiều người vẫn kêu la, căng biểu ngữ trước các trụ sở cơ quan nhà nước.

‘Kiến nghị giải quyết 100%, sao nhiều người vẫn căng biểu ngữ trước các trụ sở’

Chiều 11.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV; cũng như báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4.2022.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Gia Hân

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 3.393 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

“Đến nay, 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời”, ông Bình nói và thông tin, các cơ quan Quốc hội trả lời 110/110 kiến nghị; Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư đã giải quyết, trả lời 3.217/3.217 kiến nghị; TAND tối cao, VKSND tối cao giải quyết 41/41 kiến nghị.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn băn khoăn: “Vì sao 3.393/3.393 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời mà hàng ngày còn nhiều người kêu la, căng biểu ngữ trước trụ sở Quốc hội, Chính phủ hay ở một số địa phương?”.

“Những trường hợp này nó nằm ở đâu, ở chỗ nào? Điều này đặt ra trách nhiệm giải quyết của chính quyền địa phương đến đâu”, ông Mẫn nói và đề nghị cần phân tích số liệu về đơn thư vượt cấp cũng như trách nhiệm của T.Ư, địa phương trong vấn đề này.

Ông Mẫn cũng đề nghị bổ sung vào báo cáo công tác dân nguyện kiến nghị đối với Chính phủ về vấn đề “cử tri lâu nay như tranh chấp đất đai, đền bù”.

“Khai mạc Hội nghị T.Ư 5 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là 70% số đơn, thư tố cáo hiện nay thuộc về lĩnh vực đất đai, mà trong báo cáo này chúng ta không nói tới vấn đề đất đai. Như vậy có thỏa đáng chưa?”, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu.

Chia sẻ với ông Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tình hình dân khiếu nại, tố cáo liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn rất nhiều, thậm chí một số dự án cơ bản đã làm xong nhưng dân vẫn khiếu nại từ trước đến giờ.

“Chúng ta xử lý, dân không hài lòng vẫn tiếp tục khiếu kiện, không phải là dự án xong là chấm dứt khiếu nại. Có nhiều dự án đã xong, đã đi vào hoạt động nhưng khiếu nại vẫn còn”, ông Cường cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết cả người dân lẫn cán bộ đều mong mỏi sớm sửa luật Đất đai. Gia Hân

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng cho biết, người dân và cả cán bộ từ cơ sở tới cấp tỉnh cũng mong muốn Quốc hội sớm điều chỉnh, sửa luật Đất đai 2013.

“Bây giờ ở đó còn vướng rất nhiều đến giá đất, đến các thủ tục đền bù, đến thu hồi đất, đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… cho nên chính quyền ở địa phương rất mong mỏi”, ông Cường nêu và phản ánh, tại một số địa phương, mặc dù các dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng người dân vẫn còn khiếu nại, thậm chí một số hộ dân không nhận tiền ở kho bạc, hàng chục năm mà người dân vẫn để tiền ở đó không nhận.

Lê Hiệp


Thanh niên

Chia sẻ Facebook