Kiến nghị chế tài riêng với trường hợp “bùng nợ” vay tiêu dùng

Chia sẻ Facebook
25/04/2023 17:47:39

Theo chuyên gia, về lâu dài có thể hướng đến đạo luật hay quy định riêng cho lĩnh vực đòi nợ, song sẽ cần thời gian để làm rõ sự cần thiết đến xét tính khả thi.


Những năm gần đây, bên cạnh dịch vụ cầm đồ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhiều công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng, cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng cho hàng triệu khách hàng trên cả nước.

Tuy nhiên, song hành với sự tăng trưởng "nóng", thị trường này cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn. Nhiều doanh nghiệp không được cấp phép, nhưng vẫn tiến hành hoạt động cho vay, không ít doanh nghiệp tự áp đặt lãi suất và phí vay cao trái quy định.


Thị trường cho vay tiêu dùng là điều tất yếu


Tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam ” sáng 25/4, ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) cho biết, hiện Việt Nam mới có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông Ninh, gần đây nhiều công ty không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã lợi dụng tên công ty tài chính mở rộng mạng lưới vào các địa bàn khó khăn tiếp cận người dân cho vay vốn lãi suất rất cao dưới nhiều hình thức… Không những thế, khi đòi nợ đã dùng mọi hành vi thủ đoạn manh động để ép người dân trả tiền.

Ông Lê Quốc Ninh - Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit).

Đồng tình với việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, song Tổng Giám đốc Mcredit cho rằng gần đây xảy ra hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính.

Nêu quan điểm, PGS.TS Hoàng Xuân Quế - Viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam rất tiềm năng và đây là điều tất yếu.


Theo ông Quế, 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng chỉ chiếm tỉ lệ 1,87% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Điều này cho thấy hoạt động của các công ty này còn khiêm tốn.

“Nguyên nhân không phải là vấn đề lãi suất mà ở điều kiện vay vốn, tiếp cận vốn. Những tổ chức không được cấp phép thỏa mãn nhu cầu của người yếu thế khi họ không tiếp cận được nguồn vốn đó tại công ty tài chính được cấp phép”, PGS.TS Hoàng Xuân Quế nói và đề xuất cơ quan quản lý cần xem xét về hình thức tổ chức để đáp ứng nhu cầu của người dân khi họ cần tiền để xử lý vấn đề cấp thiết.


Hướng đến đạo luật riêng cho lĩnh vực đòi nợ

PGS.TS Hoàng Xuân Quế nhấn mạnh, pháp luật không cấm đòi nợ, chỉ cấm hình thức đòi nợ không hợp pháp như khủng bố, xã hội đen. Do vậy, cần thiết phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước, hệ thống pháp luật phải đồng bộ từ việc xử lý nợ, có chế tài rõ ràng việc thi hành án các trường hợp “bùng nợ”.

PGS.TS Hoàng Xuân Quế - Viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế quốc dân.

Đồng tình với việc phải có giải pháp để ngăn chặn thu nợ trái pháp luật, song ông Nguyễn Đình Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính HD SAISON cho rằng, cần hành lang pháp lý để người đi vay phải có trách nhiệm với khoản nợ của mình.

Ngoài khởi kiện thì nên có các có chế tài khác như không được đi du lịch, có thông tin tích hợp với chứng minh thư hay thẻ căn cước để giảm điểm uy tín của công dân với hành vi vay mà không trả nợ.

Luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng Văn phòng Luật An Phát Phạm đồng quan điểm phải xử nghiêm thì mới có tác dụng răn đe tốt để những người đi vay có điều kiện phải trả nợ.

Song ông cũng cho rằng việc đưa vụ kiện ra tòa án là không khả thi và không bõ công để họ theo đuổi. Đề cập giải pháp, ông Phất lưu ý công cụ như khởi kiện có thủ tục rút gọn. Ở nước ngoài, trong 1 ngày có thể xử lý 4-5 vụ.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, không phải Chính phủ chưa nhận thức được mà đã nhận thức rất sâu sắc khi thiết kế Chiến lược phát triển tài chính toàn diện tầm nhìn đến 2025 và định hướng đến 2030 với nhiệm vụ chính là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và cho vay. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thi hành như thế nào?

Có 3 vấn đề nổi lên: Một là thiếu khung pháp lý; hai là thực thi vì nếu thực thi có hiệu quả quy định hiện hành đã giải quyết được phần lớn hiện trạng; ba là sự công bằng - một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, hiệu quả cho các chủ thể khác nhau (tổ chức tín dụng - công ty tài chính và các tổ chức khác).

Cho rằng về lâu dài có thể hướng đến đạo luật hoặc quy định riêng cho lĩnh vực đòi nợ, song theo ông Phan Đức Hiếu, để hoàn thành một đạo luật riêng cần nhiều thời gian từ làm rõ sự cần thiết đến xét tính khả thi.


“Tôi chỉ mong muốn rằng trong thời gian tới, trong giải pháp ngắn hạn chúng ta đang rà soát, sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng”, ông Hiếu nói và cho biết trong dự thảo luật đang trình Quốc hội có 2 quy định liên quan về công ty tài chính và xử lý nợ xấu .

Chia sẻ Facebook