Kiên định chính sách quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Sáng 14-4, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng giai đoạn 2016 - 2021, phương hướng nhiệm vụ đến năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 22 điểm cầu.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, quán triệt và triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại quốc phòng được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt và hiệu quả trên cả các mặt hoạt động, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Quan hệ hợp tác quốc phòng song phương với các nước tiếp tục được củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, duy trì quan hệ hữu nghị với các nước, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng.
Đến nay Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với hơn 100 quốc gia, bao gồm 5 nước là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các cường quốc trên thế giới; tập trung vào các lĩnh vực như trao đổi đoàn, các cơ chế tham vấn, đối thoại, đào tạo, hợp tác quân binh chủng, công nghiệp quốc phòng, quân y, cứu hộ - cứu nạn, tuần tra chung biên giới trên bộ, trên biển, giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới.
Đối ngoại quốc phòng đa phương có sự chuyển biến mạnh về tư duy từ "tham dự" sang "chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung". Việt Nam đã tích cực tham gia có trách nhiệm, đề xuất nhiều sáng kiến có giá trị tại các cơ chế hợp tác về quốc phòng, an ninh của khu vực và quốc tế.
Tại hội nghị, để thực hiện tốt nhiệm vụ từ nay đến năm 2025, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu.
Trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; kiên định, nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Kiên định chính sách quốc phòng nhằm mục đích hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ trong thời bình, nỗ lực ngăn ngừa không để xảy ra xung đột, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, diễn biến tình hình thế giới, khu vực và các thách thức an ninh phi truyền thống, dịch COVID-19... cần được nắm chắc, theo dõi sát để làm tốt công tác tham mưu chiến lược về đối ngoại quốc phòng; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp với các cơ quan trong và ngoài quân đội trong công tác nắm, dự báo tình hình, tham mưu điều chỉnh chiến lược, chính sách đối ngoại của đất nước.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng quan hệ, lĩnh vực hợp tác quốc phòng phù hợp; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại biên giới, phối hợp thực thi pháp luật trên biển, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Nhiều cán bộ trẻ đã chọn dấn thân, cống hiến trong công việc như một lẽ sống để từng ngày thầm lặng góp sức vào thành quả chung của TP.HCM.