Kiểm tra miệng đầu giờ liệu còn phù hợp?

Chia sẻ Facebook
27/09/2023 04:15:45

Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 ở quận 3 TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM đề nghị giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" vì sẽ khiến học sinh căng thẳng, áp lực. Đề xuất này hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh.

Trên thực tế, đã nhiều năm nay trong những giờ học truyền thống ở các trường phổ thông đã được khởi động bằng màn kiểm tra bài cũ đầy áp lực. Chị Thanh Mai (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhớ lại: “Sau gần 20 năm, tôi vẫn nhớ cảm giác tim đập, chân run, nín thở khi cô giáo lật danh sách lớp, gọi tên học sinh trả bài đầu giờ. Cảm giác căng thẳng đến cực điểm rồi thở phào nhẹ nhõm vì người được xướng tên không phải mình, đến giờ tôi vẫn nhớ như in”. Chính vì vậy, khi đã làm phụ huynh, chị Mai luôn quan tâm nhắc nhở và rèn thói quen cho con chuẩn bị bài chu đáo ở nhà để giảm bớt sự lo lắng khi đến trường vì không thuộc bài khi bị gọi tên.

Dẫu vậy, trên thực tế do tâm lý hồi hộp, căng thẳng nên không ít học sinh cho biết dù đã học thuộc bài hôm trước nhưng khi bất chợt được cô điểm danh lên bảng vẫn lúng túng. Những tiết học được khởi động trong sự sợ sệt của phần đông học trò có lẽ không phải là kỷ niệm đẹp với nhiều học sinh, cũng khó là một phương pháp dạy học mang lại hiệu quả tốt nhất.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn, đồng thời là tác giả viết sách giáo khoa cho biết, tiến trình lên lớp mỗi tiết học gồm nhiều bước, trong mỗi bước có 1 hoặc nhiều hoạt động. Trong đó, bước đầu tiên là khởi động. Có nhiều cách mở đầu khác nhau, giáo viên tùy nội dung bài học, tùy mục tiêu đặt ra lựa chọn cách khởi động phù hợp với học sinh tùy lớp. Vấn đề lưu ý hiện nay đó là chương trình mới hướng đến dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh nên mỗi giờ dạy của giáo viên không còn nặng về trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh mà hướng đến mục tiêu dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất.

Từ kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam) cho rằng, việc kiểm tra miệng đầu giờ là một trong những hình thức đánh giá thường xuyên học sinh đã được duy trì nhiều năm không phải là câu chuyện mới. Song làm sao để việc này không tạo thành áp lực tâm lý cho học sinh, thậm chí là nỗi ám ảnh với một số học sinh thì mỗi giáo viên sẽ có những cách vận dụng khác nhau.

“Kiểm tra bài cũ hay xem học sinh có chuẩn bị trước bài mới ở nhà hay không có nhiều cách, không chỉ mỗi phương pháp gọi trả bài đầu giờ” - cô Nhàn nói và cho rằng hoạt động khởi động dù chỉ là một khâu nhỏ, nhưng nó có tác dụng tạo tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng, hứng thú cho học sinh vào đầu giờ học. Vì vậy, để giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách vui vẻ, chủ động, cô Nhàn thường tổ chức tốt hoạt động khởi động một cách đa dạng, linh hoạt như tổ chức trò chơi, các hình thức thư giãn, giải trí hoặc tạo tình huống học tập gắn với nội dung bài học.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra học sinh ngày nay chủ động hơn, có tư tưởng muốn tự khám phá chứ không thích bị áp đặt. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định không phải vấn đề là bãi bỏ hoàn toàn kiểm tra bài cũ mà giáo viên có thể linh động, tìm thêm nhiều phương pháp phù hợp để kiểm tra kiến thức học sinh, sao cho phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học. Trong đó, ngoài hình thức kiểm tra miệng có thể kết hợp với các hình thức như: Thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập… giúp tăng khả năng lĩnh hội, thể hiện kiến thức, kỹ năng của học sinh trong quá trình dạy và học.

Chia sẻ Facebook