Kiểm tra kẹo trứng Kinder Surprise: Chưa phát hiện nhiễm khuẩn, khó hậu kiểm vì thiếu kinh phí
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, kết quả kiểm tra ban đầu các sản phẩm kẹo trứng Kinder nhập khẩu chưa phát hiện trường hợp nhiễm khuẩn.
Một đại diện của Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương) cho Tuổi Trẻ Online biết, đến nay đã có một số đơn vị báo cáo về quá trình kiểm tra nhà nước với các sản phẩm của Công ty Ferrero sản xuất tại Bỉ có khả năng bị nhiễm khuẩn Samonella spp.
Tuy nhiên, kết quả ban đầu cho thấy đến thời điểm này chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm khuẩn nào tại Việt Nam.
Trước đó, thực hiện kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm nhập khẩu bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm, Bộ Công thương đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan yêu cầu báo cáo kết quả kiểm tra nhà nước đối với các sản phẩm có liên quan.
Việc kiểm tra bao gồm các thông tin về đơn vị nhập khẩu, thông tin lô hàng, ngày kiểm tra, số lượng hàng, hạn sử dụng, thông báo đạt yêu cầu nhập khẩu/thông báo không đạt yêu cầu nhập khẩu.
Danh mục các sản phẩm được yêu cầu kiểm tra và phải báo cáo các thông tin trên bao gồm: Kinder Surprise (gói 20g và 20gx3) có hạn sử dụng từ 11-7 đến 7-10-2022; Kinder Surprise Maxi, Kinder Surprise Eggs; Schoko Bons có hạn sử dụng từ ngày 8-10 đến 9-10-2022.
Bộ Công thương cũng yêu cầu các cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm thông báo tới các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký kiểm tra nhà nước đối với các sản phẩm nói trên để thực hiện các biện pháp phù hợp theo quy định.
Khảo sát của Tuổi Trẻ Online tại Hà Nội, sản phẩm kẹo trứng mang nhãn hiệu Kinder được bày bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng.
Phần nhiều các sản phẩm này được mang nhãn hiệu Kinder Joy, có hạn sử dụng từ tháng 11-2021 đến tháng 9-2022. Trong khi đó, loại kẹo trứng Kinder Surprise được nhiều nước châu Âu thu hồi không được bán nhiều trên thị trường.
Cũng theo đại diện Bộ Công thương, theo quy định hiện nay thì cơ chế hậu kiểm đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu được lồng ghép vào các đợt kiểm tra liên ngành hằng năm.
Ngoài ra, để kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, các cơ quan quản lý sẽ áp dụng cơ chế giám sát chủ động trên cơ sở phân tích, đánh giá từng sản phẩm cho từng thời kỳ, lấy mẫu kiểm nghiệm để làm cơ sở đánh giá các nguy cơ.
Theo phân công hiện nay, các cơ quan kiểm tra nhà nước với thực phẩm nhập khẩu bao gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương. Các bộ này đã được phân công theo từng nhóm sản phẩm nên trong quá trình quản lý sẽ phối hợp kiểm tra, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, đại diện này cho hay do kinh phí hạn chế nên không lấy được nhiều mẫu để giám sát chủ động. Thực tế này dẫn tới việc có những trường hợp cơ quan quản lý của nước ngoài thông báo thu hồi thì cơ quan trong nước mới thực hiện kiểm tra, giám sát và hậu kiểm.
Theo quy định của nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, đối với các sản phẩm bánh, mứt, kẹo (không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý), thuộc quyền quản lý của Bộ Công thương.
Đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, cơ quan quản lý có quyền quyết định áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra từ thông thường sang phương thức kiểm tra giảm, hoặc sau 3 lần kiểm tra chặt sẽ áp dụng kiểm tra thông thường.
Tăng kinh phí cho việc hậu kiểm sản phẩm thực phẩm nhập khẩu
Đại diện Bộ Công thương kiến nghị để việc kiểm tra, hậu kiểm với sản phẩm nhập khẩu hiệu quả hơn, cần bố trí thêm kinh phí để lấy được nhiều mẫu thường xuyên. Bởi hiện nay kinh phí chưa cho phép làm việc này thường xuyên và trên diện rộng.
Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông từ trung ương đến địa phương về an toàn thực phẩm để việc quản lý, kiểm tra sản phẩm thực phẩm nói chung và sản phẩm nhập khẩu hiệu quả hơn.
Theo ghi nhận tại thị trường TP.HCM, loại kẹo trứng Kinder Surprise mà nhiều nước châu Âu đang thu hồi, không có nhiều. Thay vào đó là loại Kinder Joy được bán phổ biến hơn.