Kiểm toán Nhà nước chỉ ra 'tồn tại' ở một số ngân hàng, công ty bảo hiểm
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội mới đây đã chỉ ra một vài tồn tại trong hoạt động đầu tư, phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng của một số ngân hàng, công ty bảo hiểm có vốn nhà nước trong năm 2020.
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021.
Theo đó, kết quả kiểm toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 9 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Kiểm toán Nhà nước cho thấy:
Năm 2020, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,23%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất. Các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2% (trừ PGB 2,49%).
Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, mức giảm lãi suất cho vay bình quân chậm hơn mức giảm lãi suất tiền gửi bình quân khiến chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi duy trì ở mức cao.
Một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp như:
PVI: Công ty mẹ trích lập dự phòng 37,08 tỷ đồng/37,08 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đông Á; 37,33 tỷ đồng/43,5 tỷ đồng khoản đầu tư góp vốn vào Công ty CP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp dầu khí; 140,17 tỷ đồng/344,12 tỷ đồng đầu tư bất động sản tại Dự án The Costa Nha Trang.
Tổng công ty Bảo hiểm PVI đầu tư 200 tỷ đồng trái phiếu Công ty CP Sông Đà Thăng Long từ năm 2010 chưa thu được lãi (đã thu gốc 32,03 tỷ đồng), dự phòng rủi ro đã trích 167,97 tỷ đồng; còn 2 khoản đầu tư góp vốn 20,9 tỷ đồng vào Tổng công ty Bảo dưỡng, sửa chữa công trình dầu khí và Công ty CP Điện Việt Lào không có lợi nhuận hay cổ tức được chia từ khi nhận bàn giao (năm 2011) của PVI.
PJICO: Đầu tư 23,8 tỷ đồng cổ phiếu Tổng công ty Dầu Việt Nam, trích lập dự phòng 58,1%; đầu tư 7,97 tỷ đồng cổ phiếu Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, trích lập dự phòng 46,2%; đầu tư 3,34 tỷ đồng vào Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu FOODINCO, trích lập dự phòng 31,3%.
Một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp như: PGB không điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 622,46 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 2 là 132,43 tỷ đồng, nhóm 3 là 275,02 tỷ đồng, nhóm 4 là 13,18 tỷ đồng, nhóm 5 là 201,83 tỷ đồng; Vietinbank không điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 7.197,01 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 2 là 2.735,56 tỷ đồng, nhóm 3 là 3.677,05 tỷ đồng, nhóm 4 là 384,51 tỷ đồng, nhóm 5 là 399,89 tỷ đồng; Ngân hàng HTX không điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 245,8 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 2 là 0,46 tỷ đồng, nhóm 3 là 16,02 tỷ đồng, nhóm 4 là 26,96 tỷ đồng, nhóm 5 là 202,36 tỷ đồng).
Kết quả kiểm toán điều chỉnh nhóm nợ tại: PGB giảm dư nợ nhóm 1 là 45,49 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 2 là 34,07 tỷ đồng, nhóm 3 là 9,62 tỷ đồng, nhóm 4 là 0,35 tỷ đồng, nhóm 5 là 1,45 tỷ đồng; Vietinbank: Giảm dư nợ nhóm 1 là 243,94 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 2 là 166,10 tỷ đồng, nhóm 3 là 34,72 tỷ đồng, nhóm 4 là 15,93 tỷ đồng, nhóm 5 là 27,19 tỷ đồng.
Một số ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác như: PGB 114,46 tỷ đồng, Vietinbank 769,48 tỷ đồng, ngân hàng HTX 240,99 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán điều chỉnh tăng chi phí dự phòng tại PGB 4,21 tỷ đồng, VietinBank 20,97 tỷ đồng, Ngân hàng HTX 6,34 tỷ đồng; giảm chi phí dự phòng tại NHCSXH 5,14 tỷ đồng.