Kiểm soát livestream trên mạng xã hội

Chia sẻ Facebook
29/06/2022 20:59:31

Thổi phồng sự thật, thuê diễn viên để quảng cáo hay dùng chiêu trò để câu view - livestream vẫn chưa thể được kiểm soát trên mạng xã hội.


Không khó để bắt gặp những video livestream đánh giá, quảng cáo sản phẩm trên MXH nhưng chất lượng có đúng như vậy không, có lẽ ít ai biết được. Như gần đây, sản phẩm peel da của 1 người nổi tiếng đã bị tố vì không đúng như lời quảng cáo trước đó trên livestream và hậu quả thì chỉ có người mua phải gánh chịu.


Anh Nguyễn Doãn Kỷ - Giám đốc Công ty TNHH DC Ba Độ Agency - cho biết: "Những người được thuê để livestream hoặc nói về phạm trù chuyên môn, bản thân họ không biết điều đó đúng hay sai. Chỉ có người thuê họ mới biết thông tin cung cấp ra đúng hay sai mà thôi. Cả người xem đến người nói đều không biết mình nói đúng hay sai. Chính cái điều này sẽ dẫn đến chúng ta đang nghe thông tin rất đúng đắn".

Từ livestream cờ bạc, cá độ, các sàn giao dịch tiền ảo chưa được cấp phép, cho tới mặc đồ hở hang để xin tiền donate - ủng hộ của CĐM, rất nhiều chiêu trò được vẽ ra với tham vọng kiếm tiền từ MXH.

Như vụ việc mới đây, một nữ chủ salon tóc đã bị xử lý vì mặc trang phục công an nhân dân để gây sự chú ý khi livestream trên TikTok.

Công an làm việc với người phụ nữ mặc quần áo công an (Ảnh: Dân trí).

Theo Luật sư Hà Thị Kim Liên - Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam: "Hiện nay theo Chương III của Luật An ninh mạng, rất nhiều thông tin bị cấm và nếu người thực hiện hành vi livestream thông tin bị cấm thì hoàn toàn có thể bị xử lý. Liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, vi phạm thuần phong mỹ tục, thổi phồng sự thật cho một sản phẩm nào đó. Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi livestream thực hiện hành vi chủ đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự lừa đảo tài sản".

Theo bà Hoàng Thị Anh Thư - Tổ trưởng Tổ công tác xử lý tin giả trên không gian mạng, Cục PTTH và TT Điện tử: "Hiện tại việc livestream bị biến tấu rất nhiều, diễn nhiều hơn chứ sự thật trong đó không nhiều. Trong thời gian tới, Bộ TTTT có biện pháp mạnh mẽ hơn. Về việc livestream, nếu theo dõi thường xuyên trong 6 tháng, mỗi tháng có 100k người theo dõi trở lên thì những tài khoản đó, đối tượng đấy phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ TTTT từ số điện thoại, tên, CMND, đăng ký kinh doanh, mã số thuế. Thì chúng ta đã biết những người ấy là ai và chúng ta phải xuất hiện một cách chính danh. Thứ nhất để bảo vệ người tiêu dùng, thứ 2 để đảm bảo an toàn xã hội".

Mới đây, Trung Quốc đã ban hành quy định cấm 31 hành vi đối với người livestream trên mạng xã hội, như cấm thổi phồng các chủ đề nóng và các vấn đề nhạy cảm, không được khuyến khích người dùng tương tác theo những cách thô tục.

Tại Việt Nam, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp cụ thể các hoạt động bị cấm livestream. Tuy nhiên, những nội dung bị cấm đưa lên mạng đã có trong Luật An ninh mạng hay luật quảng cáo. Thế nên nếu người dùng livestream một cách tùy tiện, không đúng sự thật thì đều có chế tài xử lý.

Chia sẻ Facebook