Kiếm hiệp Kim Dung: Hai trận đánh kinh điển nhất Thiên long bát bộ

Chia sẻ Facebook
08/12/2023 03:48:18

Với những giá trị nội dung sâu sắc, hai trận chiến Nhạn Môn quan và Tụ Hiền Trang đã trở thành những màn đấu kinh điển trong Thiên long bát bộ.


Trong diễn biến tiểu thuyết Thiên long bát bộ có hai trận đại chiến vô cùng ác liệt và đẫm máu, khiến nhiều người không thể quên được đó là trận ở Nhạn Môn quan giữa Tiêu Viễn Sơn với các cao thủ Trung Nguyên và tại Tụ Hiền Trang giữa Tiêu Phong và quần hùng võ lâm.


Cả hai trận đại chiến đều có ảnh hưởng sâu sắc đến diễn biến của tác phẩm Thiên long bát bộ của cố nhà văn Kim Dung. Nó đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả, làm cho Thiên long bát bộ không chỉ là một tác phẩm giả tưởng mà còn là bức tranh sống động về thế giới võ thuật huyền bí, nơi mà lòng can đảm và ý chí phi thường của những nhân vật chính đã làm nên huyền thoại.

Đại chiến ở Nhạn Môn quan giữa Tiêu Viễn Sơn với các cao thủ Trung Nguyên

Khi Tiêu Viễn Sơn người Khiết Ðan (nước Liêu) cùng vợ và con nhỏ vào Trung Nguyên để thăm ân sư (có bản dịch là về thăm bố vợ), nhưng lại bị Mộ Dung Bác phao một tin đồn rằng đó là một đoàn "các cao thủ Khiết Đan sang tấn công chùa Thiếu Lâm, nhằm cướp các bảo điển kinh thư về Đại Liêu". Thực chất, đoàn người ấy chỉ là gia đình Tiêu Viễn Sơn từ nước Liêu qua cửa ải Nhạn Môn Quan vào nước Tống.

Và từ tin đồn đó, đã gây hiểu nhầm, khiến cho chùa Thiếu Lâm đã tập hợp một nhóm gồm những cao thủ hàng đầu các bang phái của Trung Nguyên lúc đó do Huyền Từ người được gọi là “Đại ca đứng đầu” chỉ huy. Cả nhóm của Huyền Từ quyết định ra ải Nhạn Môn quan mai phục chặn đánh, không cho đoàn người Khiết Đan đặt chân vào Đại Tông.

Tại trận đánh ở Nhạn Môn quan diễn ra vô cùng ác liệt, Tiêu Viễn Sơn đã đánh chết gần hết các cao thủ Trung Nguyên. Ngay cả “Đại ca đứng đầu” của nhóm cao thủ cũng bị đánh trọng thương.

Tuy nhiên, trước thảm cảnh người chết và bị thương la liệt, ngay cả vợ và thuộc hạ của Tiêu Viễn Sơn cũng bị giết sạch. Quá bi thương, Tiêu Viễn Sơn đã dùng dao khắc vào vách đá những dòng tuyệt bút trăn trối của mình, rồi ôm vợ con nhảy xuống vực tại Nhạn Môn Quan tự vẫn. Khi đang nhảy xuống, thấy đứa con thơ nay đã tròn một tuổi hóa ra vẫn sống, chưa bị các cao thủ giết hại, Tiêu Viễn Sơn đã quăng con lên trở lại. Đứa con này được Huyền Từ tha cho không giết, đem giao cho một cặp vợ chồng tiều phu tên là Kiều Tam Hòe nuôi dưỡng và đặt tên là Kiều Phong.

Trận đại chiến tại Tụ Hiền Trang giữa Tiêu Phong và quần hùng

Tại đại hội anh hùng diễn ra ở Tụ Hiền Trang, tất cả các nhân sĩ võ lâm và các môn phái tập trung lại để bàn ra kế hoạch đối phó với Tiêu Phong, người được cho là chịu trách nhiệm cho một loạt các cái chết của nhân sĩ võ lâm lúc bấy giờ. Nhưng biết rằng Tiết Thần Y - người duy nhất có khả năng cứu A Châu cũng đang tại đại hội này, Tiêu Phong liều mình dẫn A Châu vào đại hội anh hùng để A Châu được cứu, dù biết nguy hiểm.

Chính cuộc gặp gỡ này, khiến tình hình leo thang thành một cuộc chiến đẫm máu sau khi Tiêu Phong và các nhân sĩ võ lâm uống rượu tuyệt giao. Dù chỉ có một mình Tiêu Phong với Hàng long thập bát chưởng vẫn áp đảo quần hùng.

Mới đầu Tiêu Phong còn giữ lòng nhân nghĩa, không ra tay tuyệt tình, nhưng về sau, dưới áp lực to lớn, Tiêu Phong mất tự chủ, giết hết phân nửa người tham gia đại hội.

Sau khi giết quá nhiều nhân sĩ võ lâm, Tiêu Phong cảm thấy hối hận và xót thương, không muốn giết thêm người vô tội, lại kiệt lực thiếu sức, định tự vẫn để tạ tội. Trong lúc đó có một người mặc áo đen nhảy ra cứu Tiêu Phong, kết thúc trận đại chiến.


Quốc Tiệp

Chia sẻ Facebook