Kiểm định chất lượng giáo dục: Cần độc lập để khách quan
Luật quy định các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học phải độc lập về tổ chức với cơ quan nhà nước, đại học.
Thế nhưng, đến nay phần lớn trung tâm này lại thuộc các đại học, trường đại học hoặc hiệp hội liên quan tới giáo dục đại học.
Điều 52 Luật giáo dục đại học 2018 quy định tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học, có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Khi chưa tự chủ tài chính thì khó có độc lập trong việc đánh giá, công nhận. Đó là chưa kể kiểm định viên chương trình đào tạo phải là chuyên gia am hiểu lĩnh vực mới có thể phản biện, góp ý chứ không chỉ đánh giá trên bảng hỏi. Thực tế nhiều người học lấy chứng chỉ kiểm định viên sau đó tham gia các đoàn kiểm định, đôi khi không đúng chuyên môn thì làm sao việc kiểm định chính xác và chất lượng được.
TS Hoàng Ngọc Vinh
Độc lập trên... luật
Tính đến năm 2022, cả nước có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trong số này có hai trung tâm kiểm định tư thục được thành lập năm 2021, một trung tâm thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và bốn trung tâm còn lại thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Vinh.
Như vậy, phần lớn trung tâm kiểm định nằm trong cơ sở giáo dục đại học. Đây là các trung tâm thành lập, hoạt động theo Luật giáo dục đại học 2012, khi đó chưa có quy định về việc độc lập về tổ chức với cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, Luật giáo dục đại học 2018 đã có hiệu lực gần ba năm nhưng tính độc lập của các trung tâm kiểm định vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn hồi giữa tháng 4-2022, Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT ủng hộ chủ trương và đầu tư nâng cấp Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của đại học này thành Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục TP.HCM, hướng đến tầm khu vực và quốc tế.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết rất ủng hộ việc phát triển trung tâm này. Sắp tới, bộ sẽ ký ban hành ba thông tư về kiểm định chất lượng, trong đó có cơ chế kiểm định các trung tâm kiểm định.
"Khi đầu tư và phát triển, riêng hoạt động kiểm định không chỉ kiểm định tại chỗ... Trong khi chưa giải được bài toán độc lập thì tại thời điểm này cần cùng nhau đầu tư để trung tâm kiểm định lớn mạnh, phát triển và uy tín. Đây là vấn đề chúng ta có thể làm được" - Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho rằng xét theo luật thì các trung tâm này hoạt động chưa đúng vì chưa độc lập về tổ chức với các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, theo ông Vinh, độc lập về các quyết định quan trọng hơn là độc lập về tổ chức.
"Nhiều nước giám sát rất chặt khung chất lượng, các trung tâm độc lập về kinh tế và các quyết định công nhận kiểm định chất lượng. Trong khi đó, tôi có cảm giác các quyết định vẫn còn bị chi phối ít nhiều từ vấn đề tài chính nên chưa hoàn toàn độc lập trong các quyết định của mình" - ông Vinh nói.
Ràng buộc kinh tế, khó độc lập khoa học
Trong vai trò người tham gia thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng đầu tiên, ông Phạm Xuân Thanh - nguyên phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng) - cho rằng khi thành lập năm 2014, 2015, một số trung tâm cam kết trong đề án sau hai năm sẽ tách ra thành đơn vị độc lập.
Đó là giải pháp tạm thời của thời kỳ đầu từ năm 2014, nhưng thật thất vọng, bây giờ các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục này lại tự xem mình như một bộ phận không thể tách rời của một đại học.
"Đại học, trường đại học phải là đối tượng chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của một trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập. Chúng ta đang làm một điều ngược khoa học: đó là một tổ chức trực thuộc đại học, trường đại học đi kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học khác.
Cần có cơ chế để đảm bảo sự độc lập, chứ như hiện nay khó có sự độc lập. Ở các nước, các trường đóng phí hội viên mặc định, các trung tâm không thu phí kiểm định. Các trung tâm kiểm định Việt Nam thu phí kiểm định nên có thể tác động đến quá trình cũng như quyết định công nhận kiểm định" - ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết, trên thế giới, đa số trung tâm kiểm định do Nhà nước thành lập, giao cho một tổ chức độc lập quản lý, không nằm trong trường đại học. Ở Mỹ, các trung tâm này nằm trong các hiệp hội.
Do đó, hiểu khái niệm độc lập thế nào cũng là một vấn đề. Ở khía cạnh nào đó có thể hiểu đó là độc lập học thuật, trong các quyết định. Chẳng hạn như Trung tâm Kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia TP.HCM chỉ được đại học này hỗ trợ thành lập, người trung tâm không nhận lương từ Đại học Quốc gia TP.HCM và không chịu tác động khi ra các quyết định.
"Điều quan trọng nhất của trung tâm kiểm định là sự khách quan trong đánh giá, độc lập trong quyết định. Kiểm định viên là thành phần rất quan trọng. Hiện nay, kiểm định viên của các trung tâm phần lớn là người từ các trường đại học.
Trong khi đó, đa số đại học là trường công lập, như vậy là số kiểm định viên là người của trường công. Độc lập về tổ chức như thế nào cần phải xem xét rõ và có điều chỉnh phù hợp" - ông Chính nói thêm.
Những hạn chế
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, công tác kiểm định chất lượng đã và đang tồn tại nhiều hạn chế: quy trình kiểm định còn chưa thực sự bảo đảm tính độc lập, khách quan và minh bạch.
Nguyên tắc độc lập của các tổ chức kiểm định chất lượng chưa được giải thích tường minh về mặt pháp lý và chưa bảo đảm trên thực tế.
Việc giám sát trách nhiệm giải trình và thực hiện chức năng nhiệm vụ của các trung tâm kiểm định chất lượng chưa được thực hiện bởi cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo.
Trung tâm kiểm định chất lượng hầu như thiếu việc theo dõi, giám sát và chịu trách nhiệm với những kết luận, khuyến cáo cải tiến chất lượng của cơ sở giáo dục đại học được cấp chứng nhận kiểm định...
Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Công ty Sài Gòn Academy (VETAC) vừa được Bộ LĐTB&XH cấp phép thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.