Kích hoạt thị trường Trung Quốc cho xuất khẩu tổ yến Việt Nam
Cục Thú y hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đăng ký xuất khẩu, khai báo trên Hệ thống trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Lên "kịch bản" sẵn sàng cho xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc
Thông tin trên TTXVN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện có 35 doanh nghiệp với khoảng gần 3.000 cơ sở nuôi chim yến đang tích cực chuẩn bị để sớm xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc.
Theo đó, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký và có hiệu lực từ ngày 9/11/2022. Đây là cơ hội và động lực quan trọng để ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế rất cao, tạo nhiều việc làm cho người dân các địa phương.
Triển khai Nghị định thư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các hội nghị, văn bản tổ chức thực hiện, lấy ý kiến góp ý ở địa phương. Cùng với đó, Cục Thú y đã đàm phán, thống nhất nội dung và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể các nội dung về kỹ thuật; giám sát, chứng minh các sản phẩm tổ yến bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến toàn quốc tăng rõ rệt trong những năm qua. Năm 2017 với tổng số trên 8.300 nhà yến, đến năm 2022 tăng lên 23.665 nhà yến. Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh như Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư (trên 90%), nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân. Một số tỉnh người dân đầu tư xây dựng nhà yến rất kiên cố ngay trong khu vực đông dân cư, chi phí đầu tư từ 1 - 6 tỷ đồng/nhà yến như ở Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh. Do đó, việc quản lý nuôi chim yến, giám sát, đánh giá, bảo đảm các yêu cầu xuất khẩu còn gặp khó khăn.
Trong khi đó, thực hiện Luật Chăn nuôi, UBND tỉnh xin ý kiến của HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến. Nhưng đến nay, đại đa số các tỉnh chưa có quy định này, người nuôi yến khó khăn trong việc xây mới nhà nuôi chim yến. Bên cạnh đó, việc thống kê nhà yến, sản lượng tổ yến nhiều tỉnh thành chưa cập nhật, các cơ sở nuôi yến còn chưa kê khai thực về diện tích nhà yến, sản lượng tổ yến, nên khó khăn cho các cơ quan quản lý các cấp.
Xuất khẩu yến góp phần tăng giá trị nông sản qua xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Giới doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến đánh giá: Tổng doanh thu tổ yến trên thế giới trong năm 2022 đạt trên 10 tỷ USD. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm trên 80% (trên 8 tỷ USD). Tổ yến Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng qua đường tiểu ngạch và chiếm thị phần rất khiêm tốn trên thị trường này.
Vì vậy, việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp cho ngành yến Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp ngành yến mong muốn có thể xuất khẩu chính ngạch những lô hàng tổ yến sang Trung Quốc ngay trong năm nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới. Việc Trung Quốc chính thức nhập khẩu tổ yến chính ngạch của Việt Nam được kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Ở nước ta hiện có khoảng 23.800 nhà yến, các địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất hiện nay là: Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Với sản lượng từ 150 - 200 tấn mỗi năm, tổ yến Việt Nam thời gian qua được xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc thu về mỗi năm khoảng 200 - 300 triệu USD. Đặc biệt, ngành sản xuất yến có vai trò quan trọng và giúp cho hàng trăm nghìn lao động địa phương có việc làm.
Trao đổi với VOV, ông Đỗ Văn Hoan, Phó trưởng Phòng Giống vật nuôi, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các nhà nuôi yến xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam và được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc thông qua hồ sơ. Mỗi một nhà yến sẽ được cấp 1 mã số, đây là một trong các điều kiện để xuất khẩu yến vào Trung Quốc. Vì vậy cơ sở nuôi yến và doanh nghiệp cần liên hệ cơ quan chức năng để được hỗ trợ hoàn tất thủ tục xuất khẩu.
“Chủ cơ sở nuôi chim yến điền đầy đủ thông tin vào bản kê khai hoạt động nuôi chim yến và gửi đến UBND cấp xã, nơi xây dựng cơ sở nuôi chim yến hoặc nơi có hang yến. Đồng thời truy cập Hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Chăn nuôi để khai báo thông tin theo yêu cầu.
Trường hợp chủ cơ sở nuôi chim yến có nhu cầu cung ứng tổ yến phục vụ xuất khẩu phải đăng ký trên hệ thống và Chi cục Quản lý thú y và chăn nuôi ở địa phương sẽ đi xác minh thông tin cơ sở nuôi chim yến và đưa thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi. Hệ thống tự động sẽ cấp mã số cơ sở nuôi chim yến, đồng thời báo mã số trên tài khoản và gửi vào email của chủ cơ sở và gửi thông tin và mã số cơ sở cho các cơ quan chức năng để đăng ký phía bên Trung Quốc” - ông Đỗ Văn Hoan nói.
Yến sào Việt Nam “rộng đường” sang Trung Quốc
Hiện định mức yến xuất khẩu sang Trung Quốc còn hạn chế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy nhanh tiến độ để sớm có lô yến đầu tiên xuất khẩu chính ngạch, từ đó rút kinh nghiệm và hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục nhanh nhất.
Đặc biệt, cần lưu ý về sản phẩm xuất khẩu khi không đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư sẽ bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc tạm giữ, xử lý, trả lại hoặc tiêu hủy. Ngay khi Nghị định thư có hiệu lực, đã có nhiều giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Cụ thể, mỗi một nhà yến sẽ được cấp 1 mã số. Đây là một trong các điều kiện để yến sào Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, cơ quan thú y cũng sẽ cấp 1 chứng thư để đảm bảo hoàn tất thủ tục giúp yến sào có thể xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Vì vậy doanh nghiệp cần liên hệ cơ quan chức năng để được hỗ trợ hoàn tất thủ tục xuất khẩu.
Trước đó, Hội nghị tập huấn chuyên về kỹ thuật để hướng dẫn chi tiết các tiêu chuẩn, quy chuẩn phía Trung Quốc đưa ra buộc các doanh nghiệp phải thực hiện để được xuất khẩu chính ngạch đã được tổ chức. Tập huấn kỹ thuật ngay khi nghị định thư có hiệu lực giúp doanh nghiệp chuẩn bị nhanh nhất hồ sơ pháp lý.
"Những chủ nhà yến hoặc chi hội như yến làng của chúng tôi, việc đọc Nghị định thư sẽ không kỹ bằng các cơ quan ban ngành. Trong buổi hôm nay, các slide đã đưa ra chi tiết, cụ thể nội dung trong Nghị định thư để có thể thực hiện", bà Lý Đàm Mai Loan, Chủ tịch Chi hội Yến sào Tây Ninh, cho biết.
"Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành sớm công nhận các cơ sở nhà yến hiện hữu đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với công năng của nhà yến", ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, đề xuất.
Cục Thú Y sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Với kinh nghiệm xử lý vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu, những đợt khảo sát sẽ giúp doanh nghiệp được gỡ khó trong quá trình hoàn thiện thủ tục xuất khẩu.
"Hướng dẫn, giới thiệu những yêu cầu về giám sát, đồng thời đi vào chi tiết từng nội dung giám sát, vì đó là những vấn đề kỹ thuật, mất nhiều thời gian, nên đầu tiên sẽ là giám sát về dịch bệnh. Yêu cầu thứ hai là giám sát về chỉ tiêu an toàn thực phẩm, hướng dẫn vào hệ thống đăng ký hải quan của phía Trung Quốc để tìm hiểu, nghiên cứu xem phải nộp những thông tin gì, đăng tải những thông tin gì... ", ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.
6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,59 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thuỷ sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%; đầu vào sản xuất 940 triệu USD, giảm 28,9%; muối 2,4 triệu USD, giảm 14,2%.
Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ). Trong đó, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng về cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: Gạo tăng 22,2% về khối lượng, tăng 34,7% giá trị xuất khẩu; hạt điều tăng 10,5% khối lượng, tăng 7,7% giá trị xuất khẩu. Riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%.
Về thị trường xuất khẩu: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.
Trúc Chi (t/h)