Kịch bản nào đang chờ đợi ngân hàng First Republic?

Chia sẻ Facebook
30/04/2023 18:59:00

Dư âm cuộc khủng hoảng gây ra bởi sự sụp đổ của ngân hàng Thung lũng Silicon và ngân hàng Signature vẫn chưa kết thúc với First Republic.


First Republic hiện tại vẫn là một ngân hàng độc lập, nhưng không biết điều này sẽ tiếp tục trong bao lâu nữa.


Cổ phiếu của First Republic đã giảm từ 122,50 USD hôm 1/3 xuống còn khoảng 3 USD/cổ phiếu hôm 28/3 do nhà đầu tư lo ngại rằng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) sẽ can thiệp và kiểm soát toàn bộ tiền gửi và tài sản của ngân hàng này.

Nhằm cứu First Republic khỏi bờ vực phá sản, FDIC đã quyết định sẽ đưa ngân hàng này ra đấu giá, với sự tham gia của một số ngân hàng lớn như JPMorgan, PNC, US Bancorp Bank of America và Citizens.

Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào tối 30/4, trước khi thị trường châu Á mở cửa. Nếu không có ngân hàng nào thành công mua lại First Republic, FDIC sẽ là đơn vị tiếp quản ngân hàng này và cung cấp một khoản hỗ trợ của chính phủ cho tất cả các khoản tiền gửi.


Khủng hoảng niềm tin


Ngân hàng First Republic được thành lập vào năm 1985 bởi James Jim Herbert, con trai của một chủ ngân hàng cộng đồng ở Ohio, Mỹ. Ngân hàng này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản và cho vay bất động sản nhà ở.

Từ một chi nhánh duy nhất ở San Francisco, ngân hàng này đã mở rộng ra 82 chi nhánh trên 8 tiểu bang, phục vụ nhiều cộng đồng có thu nhập cao ở Beverly Hills, San Francisco, Los Angeles thung lũng Silicon, Palm Beach, Greenwich, v.v.

Trong nhiều năm, First Republic đã thu hút những khách hàng giàu có bằng lãi suất ưu đãi đối với các khoản thế chấp và khoản vay. First Republic dễ bị tổn thương hơn so với những ngân hàng khác trong khu vực bởi 68% số tiền gửi tại đều lớn hơn 250,000 USD, do đó không được bảo hộ bở FDIC.

Trụ sở của ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) tại Santa Clara, California, Mỹ. Sự sụp đổ của ngân hàng này đã gây ra cuộc khủng hoảng niềm tin không chỉ ở Mỹ mà còn lan sang các khu vực khác trên thế giới. Ảnh: NPR

First Republic đã một lần đứng trước nguy cơ sụp đổ hồi tháng 3 sau khi cổ phiếu ngân hàng này giảm tới 74% theo sau vụ phá sản của SVB và Signature.

Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười khi 11 “ông lớn” Phố Wall, bao gồm JPMorgan, Bank of America, Wells Fargo, Citigroup, đã kịp thời dang tay, tung ra một khoản cứu trợ trị giá 30 tỷ USD nhằm củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ.

Báo cáo thu nhập mới nhất của First Republic cho thấy ngân hàng này vẫn có lãi trong quý I/2023 với thu nhập ròng của nó là 269 triệu USD.

Tuy nhiên, điều đáng sợ đã xảy ra sau khi ngân hàng có trụ sở tại San Francisco tiết lộ rằng khách hàng đã rút khoản tiền gửi trị giá 102 tỷ USD (khoảng 41% số tiền gửi của ngân hàng này), trong 3 tháng đầu năm, chủ yếu trong tháng 3. Hầu hết các khoản rút tiền đều từ các tài khoản có hơn 250.000 USD.

Các ngân hàng thường nhận tiền gửi và sử dụng tiền mặt để cho vay hoặc đầu tư. Vì vậy, khi khách hàng mất niềm tin và ồ ạt rút tiền, họ có thể nhanh chóng đặt một ngân hàng vào nguy cơ phá sản.


Tương lai mờ mịt

First Republic đã hy vọng có thể tự cứu lấy mình trước khi bị FDIC tiếp quản, bởi điều này đồng nghĩa với việc tài sản của ngân hàng này sẽ bị thanh lý để trả nợ. Việc tiếp quản này có thể khiến các cổ đông và một số trái chủ của ngân hàng này mất tất cả hoặc phần lớn khoản đầu tư của họ, đồng thời ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của quốc gia.

Cho đến tối 27/4, ngân hàng này và các cố vấn vẫn thảo luận với chính phủ, một số ngân hàng và công ty tư nhân về một thỏa thuận tiềm năng, nhưng không được ai quan tâm.

Sáng 28/4, tất cả các bên liên quan đều thấy rõ rằng First Republic không có lựa chọn nào khác ngoài việc bị tiếp quản bởi chính phủ Mỹ.

Việc bán cho một ngân hàng lớn hơn có nghĩa là tất cả các khoản tiền gửi của ngân hàng này sẽ được bảo vệ, vì chúng sẽ trở thành tài khoản tại ngân hàng mua lại. Số tiền gửi này bao gồm cả các khoản tiền gửi không được bảo hiệm, vào khoảng 50 tỷ USD vào cuối tháng 3, bao gồm cả 30 tỷ USD của 11 ngân hàng lớn nói trên.

68% các khoản tiền gửi tại First Republic không thuộc diện bảo lãnh của Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) bởi chúng có giá trị trên 250.000 USD.  Ảnh: aarp.org

Bằng cách tìm cách sắp xếp người mua First Republic trước khi chính thức đưa ngân hàng vào quyền tiếp quản, các nhà quản lý Mỹ dường như đang hy vọng tránh được sự hỗn loạn tương tự sau sự sụp đổ của ngân hàng Thung lũng Silicon.

Bên cạnh đó, tiếp quản ngân hàng này cũng không phải là kịch bản mà FDIC mong muốn, một phần vì khả năng nó sẽ gây thiệt hại hàng tỷ USD cho quỹ bảo hiểm tiền gửi của công ty này.

PNC, một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ có trụ sở tại Pittsburgh, trước đây đã cân nhắc việc mua First Republic. Tuy nhiên, ngân hàng này không thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng vì lo ngại những khoản lỗ lớn từ các khoản thế chấp nhà ở khổng lồ và các khoản vay ưu đãi của ngân hàng này trong bối cảnh lãi suất ngày càng tăng lên.

Trong khi đó, ngân hàng JPMorgan hiện đang nắm giữ hơn 10% tổng số tiền gửi ngân hàng tại Mỹ, do đó không đủ điều kiện để mua thêm một ngân hàng khác. Để ngân hàng lớn nhất nước Mỹ mở rộng thêm, các nhà chức trách nước này sẽ phải tạo ra một ngoại lệ.


Những thách thức trong việc hạch toán các khoản vay của First Republic cũng khiến những các ngân hàng tiềm năng khác phải “đau đầu” .


Nguyễn Tuyết (Theo CNN, WA Today, Bloomberg)

Chia sẻ Facebook