Khuyến cáo không chọc máu tai, đầu ngón tay để chữa tai biến mạch máu não

Chia sẻ Facebook
08/07/2023 17:38:09

Một người đàn ông 66 tuổi vừa được can thiệp y tế thành công sau khi người nhà cố gắng cứu chữa bằng cách lấy kim đâm vào các đầu ngón tay và tai để bóp bỏ “máu độc” nhưng bất thành.

Bác sĩ Tây y cho rằng việc chọc máu tai, đầu ngón tay không có tác dụng chữa tai biến mạch máu não. (Ảnh minh họa: Brendan Delany/Shutterstock) `

Ngày 8/7, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho hay các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện đa khoa Hùng Vương can thiệp cấp cứu lấy huyết khối gây tắc mạch não thành công cho một nam bệnh nhân 66 tuổi.

Theo gia đình bệnh nhân, khoảng 13h cùng ngày vào viện, người đàn ông được người nhà phát hiện nằm trên giường, vật vã, đau đầu, nói ngọng, 1/2 người bên trái yếu. Người nhà bôi nước gừng, chọc các đầu ngón tay, chọc máu tai. Thấy tình trạng không cải thiện, gia đình gọi xe cấp cứu 115 đưa đến Phòng khám đa khoa Hùng Vương – Sơn Dương.

Tại Phòng khám, bệnh nhân được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc mạch não giữa M1, M2. BN. Bệnh viện được chuyển ngay về Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, các bác sĩ tiến hành hội chẩn trực tuyến cùng chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai và thống nhất phương án thực hiện Can thiệp lấy huyết khối với mục tiêu tái thông mạch não.

Ca cấp cứu đã thành công. Bệnh nhân được lấy huyết khối cơ học tái thông hoàn toàn đoạn M1. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi và tiếp tục điều trị. Hiện tại, bệnh nhân đã cải thiện cơ lực tay và chân trái.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Văn Kiên – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện đa khoa Hùng Vương – người trực tiếp can thiệp cho bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân bị nhồi máu não cấp thùy đảo, được đưa đến bệnh viện khá muộn, sau 5 tiếng xuất hiện triệu chứng yếu ½ người bên trái, nói ngọng, đau đầu. Rất may mắn là bệnh nhân đã được can thiệp thành công.

Tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện người thân có những biểu hiện như trên cần đưa đến bệnh viện để điều trị ngay, không nên tự ý điều trị bằng các phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng tại nhà. Việc tự ý điều trị tại nhà có nguy cơ làm lỡ thời gian vàng của bệnh nhân.


Nguyễn Sơn

Đột quỵ: Điều tuyệt đối tránh và cách phòng ngừa Dưới đây xin khái quát ba nhóm yếu tố trong đột quỵ, cảnh báo khi bị đột quỵ, và cách thức phòng ngừa đối với triệu chứng này.

Chia sẻ Facebook