"Khuôn khổ" nào cho sự thăng hoa của người nghệ sĩ?
Phải có cảm xúc mới là người nghệ sĩ, nhưng cảm xúc đó cần dựa trên việc tôn trọng khán giả và tôn trọng những quy định chung, ví như là pháp luật.
Nước mắt là một loại phản ứng phức tạp của cơ thể con người. Con người có thể khóc khi bản thân thấy buồn - khóc khi sẻ chia, đồng cảm sâu sắc với người khác, hoặc đôi khi cũng là vì … cười chảy cả nước mắt. Nói về từ khoá "khóc" trong những sự kiện văn hoá - giải trí tuần qua, khán giả có thể nhớ tới câu chuyện một nam nghệ sĩ khóc trong một gameshow truyền hình. Nghệ sĩ này từng được khán giả nhận xét là mau nước mắt vì nhiều lần không kiềm được cảm xúc trước công chúng.
Nhiều ý kiến cho rằng nam nghệ sĩ này đã khóc quá nhiều và thiếu chuyên nghiệp trong việc kiểm soát cảm xúc, thậm chí còn coi đó là "nghệ thuật rỗng". Trước những luồng ý kiến trái chiều từ khán giả, nam nghệ sĩ đã có những bộc bạch trên trang cá nhân của mình. Anh coi việc dễ xúc động là món quà đáng quý từ thượng đế, nó giúp anh thăng hoa trong nghệ thuật và giữ cho trái tim của một người nghệ sĩ luôn đủ ấm để lan tỏa tình yêu thương.
Nhiều câu hỏi được đặt ra trước câu chuyện của nam nghệ sĩ. Đâu là lằn ranh giữa cảm xúc và "nghệ thuật rỗng"? Liệu có "khuôn khổ" nào cho sự thăng hoa của người nghệ sĩ? Và liệu khán giả có đang quá khắt khe với sự thăng hoa của người nghệ sỹ hay không?
Ở góc độ khán giả, trước màn ảnh nhỏ xíu của tivi và những thiết bị thông minh khác, khán giả sẽ khó có thể cảm nhận hết cảm xúc như tại hiện trường. Thế nên, nhiều người vẫn mong muốn có vé tham dự một liveshow thay vì ở nhà bật loa nghe nhạc, vẫn muốn đến sân xem đá bóng thay vì ngồi ghế sofa ở phòng. Và vì vậy, việc đánh giá cảm xúc của ai đó tại nơi mà mình chưa có mặt để cảm nhận là vội vàng.
Về phía người nghệ sĩ, có thể khán giả chưa thích những giọt nước mắt vì chưa tìm được điểm chung trong tần số cảm xúc, nhưng để giọt nước mắt ấy xuất hiện là cả một quá trình cảm nhận, không phải tự nhiên mà có được. Theo diễn viên Minh Huyền, muốn khóc phải có quá trình dẫn tới cảm xúc thật của người diễn viên. Đã là cảm xúc thật thì rất đáng được tôn trọng. Tất nhên cũng có những cách "không cảm xúc" khác mà nữ diễn viên gọi là "khóc kỹ thuật".
Một điều chắc chắn rằng cảm xúc là thứ nguyên liệu đầu vào quá quan trọng với người nghệ sĩ. Quá ít hoặc quá nhiều đều có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn. Trong tuần qua, có 2 câu chuyện như là ví dụ dễ thấy cho việc quá ít hoặc quá nhiều cảm xúc này.
Đầu tiên là chuyện trong một chương trình nghệ thuật được truyền hình trực tiếp, một nữ ca sĩ đã khiến người xem ngán ngẩm khi liên tục hát chênh, phô, để lộ nhiều khuyết điểm về kỹ thuật thanh nhạc. Kể cũng khó, làm sao có thể giữ được kỹ thuật và cảm xúc lúc biểu diễn khi liên tục phải nhìn xuống bàn tay có chép sẵn lời để nhớ lại giai điệu, thậm chí là bỏ qua phần hát vì quên hẳn lời.
Câu chuyện thứ 2 về cảm xúc của người nghệ sĩ cũng được nhắc tới nhiều trong tuần qua là sân khấu "Góc ban công" của nam ca sĩ Tuấn Hưng. Vẫn biết anh là một người nghệ sĩ luôn cháy hết mình với khán giả và mong muốn có một điểm hẹn âm nhạc mỗi cuối tuần ở phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội, nhưng để cảm xúc say mê đó dắt lối mà lơ là đi sự chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh - an toàn cho lượng lớn người đến tham gia thì quả là thiếu sót. Chính nam ca sỹ cũng nhận thấy điều này và chia sẻ trên trang cá nhân sau đêm nhạc "Góc ban công" mới đây.
Dàn nghệ sĩ dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Lễ kỷ niệm có sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội cùng đông đảo các nghệ sỹ.