“Khủng hoảng vĩnh cửu” và điều chờ đợi thế giới ở phía trước

Chia sẻ Facebook
29/11/2022 15:14:58

Một năm khó khăn đang qua đi. Thế giới lại sẽ đón một năm tiếp theo với nhiều ẩn số. Nhưng mọi cuộc khủng hoảng đều tạo ra những khả năng mới.


Thế giới đang quay cuồng với những cú sốc về địa chính trị, năng lượng và kinh tế. Để mô tả năm 2022, các biên tập viên của Từ điển tiếng Anh Collins đã chọn từ “permacrisis”, tạm dịch là “khủng hoảng vĩnh cửu”.


Được Collins định nghĩa là “một giai đoạn bất ổn và mất an ninh kéo dài”, đây là một từ ghép không hay ho nhưng bao hàm chính xác những gì đang diễn ra trong thế giới ngày nay.

Trong năm qua, địa chính trị đã có sự trở lại ngoạn mục. Trật tự thế giới thời hậu chiến do Mỹ lãnh đạo đang bị thách thức, nhưng nó sẽ không mất đi mà chỉ được chuyển đổi.

Cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga về Ukraine đã làm cuộc khủng hoảng năng lượng thêm trầm trọng, đồng thời khiến giá lương thực tăng vọt.

Xung đột Nga-Ukraine đã dẫn đến cú sốc hàng hóa lớn nhất kể từ những năm 1970 và sự định hình lại với tốc độ chóng mặt của hệ thống năng lượng toàn cầu. Tiếp đó, việc giá năng lượng tăng vọt đã làm trầm trọng thêm cú sốc thứ ba, đó là sự mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Khái niệm bình thường hóa thời hậu đại dịch đã trở nên xa vời khi thương mại quốc tế được tổ chức lại theo các liên minh chính trị, đánh dấu buổi bình minh của một thế giới đa cực.

Một thành viên của các lực lượng vũ trang Ukraine tại Kharkiv, tháng 3/2022. Từ điển Collins (Anh) cho biết cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm tăng thêm cảm giác “khủng hoảng vĩnh cửu” toàn cầu. Ảnh: Washington Post

“Điều này đã dẫn đến một thực tế kinh tế mới, với lạm phát tăng cao hơn và chế độ chính sách tiền tệ ưu tiên ổn định lạm phát hơn tăng trưởng kinh tế. Kết quả là, lãi suất đang ở mức cao nhất trong nhiều năm và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại”, Tiến sĩ Nannette Hechler-Fayd’herbe, trưởng bộ phận kinh tế và nghiên cứu toàn cầu tại Credit Suisse, cho biết, đồng thời dự đoán rằng lạm phát sẽ vẫn là một vấn đề vào năm 2023, mặc dù nó có khả năng đạt đỉnh và bắt đầu giảm.

Theo bà Hechler-Fayd’herbe, nhìn xa hơn, sự gián đoạn liên quan đến đại dịch Covid-19 tại các trung tâm sản xuất như Trung Quốc, thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu, đầu tư kinh doanh suy yếu do hậu quả của các rạn nứt địa chính trị, tất cả đều cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trung bình đang chậm hơn nhiều so với giai đoạn 2010-2019.


Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Câu trả lời cho câu hỏi trên phụ thuộc vào việc 3 cú sốc - địa chính trị, năng lượng và kinh tế - phát triển như thế nào và chúng ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào. Trong ngắn hạn, phần lớn thế giới sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2023 và ở một số nơi, sự yếu kém về kinh tế có thể làm trầm trọng thêm rủi ro địa chính trị, bà Zanny Minton Beddoes, Tổng biên tập tờ Economist, nhận định.

Sự kết hợp tai hại này sẽ được thể hiện rõ nhất ở châu Âu. Bất chấp mùa thu ôn hòa và giá năng lượng giảm, “lục địa già” vẫn phải đối mặt với những mùa đông khó khăn trong các năm 2022-2023 và 2023-2024. Nhiều nền kinh tế châu Âu đã ở bên bờ vực suy thoái. Lãi suất cao hơn cần thiết để giảm lạm phát sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và tăng tỉ lệ thất nghiệp.

Trong khu vực đồng Euro (Eurozone), cuộc khủng hoảng năng lượng đang chiếm ưu thế. Một cuộc suy thoái bắt đầu vào quý IV/2022 sẽ kéo dài cho đến cuối quý I/2023.

Nước Anh đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất, do cả thiệt hại lâu dài từ Brexit và thiệt hại tự gây ra bởi kế hoạch cắt giảm thuế khổng lồ mà cựu Thủ tướng Anh Liz Truss khởi xướng. Để xây dựng lại niềm tin của thị trường, Anh sẽ trở thành nước đầu tiên trong G7 phải mạnh tay thực hiện chính sách thắt chặt tài chính, ngay cả khi “xứ sở sương mù” đang trải qua cuộc suy thoái sâu sắc nhất.

Đối với Trung Quốc, tăng trưởng phụ thuộc vào việc chính phủ nước này thay đổi chính sách zero-Covid như thế nào để chuyển đổi khỏi những gián đoạn.

Các tháp giải nhiệt tại nhà máy nhiệt điện than ở Neurath, Đức, tháng 4/2022. Chi phí năng lượng tăng cao khiến ngay cả các chính trị gia thân thiện với môi trường nhất ở châu Âu cũng phải đồng ý khởi động lại các nhà máy điện than, đánh dấu sự đánh đổi rõ ràng giữa việc đảm bảo nguồn cung năng lượng có giá cả phải chăng cho người dân và doanh nghiệp, và sự an toàn và bền vững của môi trường. Ảnh: NY Times

Mỹ, một nhà sản xuất năng lượng lớn, được hưởng lợi từ những cú sốc hàng hóa trong năm nay. Bất chấp lạm phát leo thang và ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Mỹ có thể tự tin bước vào năm 2023. Mặc dù việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mạnh tay nâng lãi suất sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nhưng với thị trường lao động mạnh mẽ và tiết kiệm hộ gia đình dồi dào, đó sẽ là một giai đoạn nhẹ nhàng.

Tựu chung lại, có rất nhiều lý do giải thích tại sao năm 2023 sẽ là một năm khó khăn. Nhưng bởi vì mọi cuộc khủng hoảng đều tạo ra những khả năng mới, nên đâu đó trên thế giới vẫn có một số tin tốt lành giữa tình trạng hỗn loạn ngày nay.

Trong bối cảnh hậu đại dịch và môi trường địa chính trị đã thay đổi, một số quốc gia vẫn sẽ trở nên thịnh vượng hơn. Ví dụ, các nền kinh tế của vùng Vịnh đang bùng nổ, không chỉ nhờ giá năng lượng cao mà còn nhờ vai trò ngày càng tăng của họ với tư cách là các trung tâm tài chính.


Ấn Độ , quốc gia sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023, sẽ là một điểm sáng khác, nhờ giá dầu Nga giảm, đầu tư trong nước ngày càng tăng và sự quan tâm ngày càng tăng từ các đối tác nước ngoài muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc.


Nhìn chung, lần này các nền kinh tế mới nổi sẽ tương đối “dễ thở” hơn so với các đợt nâng lãi suất và suy thoái toàn cầu trước đây .


Minh Đức (Theo Economist, The National News)

Chia sẻ Facebook