Khủng hoảng tại Sri Lanka qua ảnh

Chia sẻ Facebook
28/06/2022 00:28:11

Sri Lanka đang phải trải qua đợt khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử của mình với sự thiếu hụt về năng lượng, bạo loạn và mức sống không được đảm bảo của người dân.

Ngày 31-3, trước tình thế khủng hoảng ngoại hối khiến Sri Lanka không thể nhập khẩu dầu, nước này đã thông báo cắt điện trên toàn quốc với thời gian 13 tiếng mỗi ngày - Ảnh: THE HINDU

Ngày 31-3, súng hơi cay đã được cảnh sát sử dụng nhằm trấn áp đám đông biểu tình gần tư dinh của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. Đây là cuộc biểu tình nhằm phản đối tình trạng không có điện trong vòng 13 tiếng 1 ngày - Ảnh: REUTERS

Hôm 9-4, bạo lực liên tiếp xảy ra tại Sri Lanka bên ngoài Văn phòng tổng thống. Điều này đã khiến lực lượng cảnh sát phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để trấn áp đám đông biểu tình - Ảnh: AP

Ngày 12-4, Bộ Tài chính Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ, cơ quan này đồng thời cho biết cho các chủ nợ có thể chọn vốn hóa các khoản thanh toán lãi suất trước chiều ngày 12-4 hoặc hoàn vốn bằng đồng rupee của Sri Lanka. Bên cạnh đó, thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, ông P. Nandalal Weerasinghe thông báo rằng Sri Lanka sẽ tạm ngừng thanh toán nợ nước ngoài và tiền lãi, đồng thời tránh vỡ nợ cứng (tức không còn khả năng chi trả) - Ảnh: DAILY FT

Ngày 24-4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết việc đàm phán cho vay giải cứu với Sri Lanka đang diễn ra thuận lợi. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới đã sẵn sàng giải ngân 10 triệu USD ngay lập tức, nhằm giải cứu Sri Lanka - Ảnh: THE FINANCIAL EXPRESS

Ngày 29-4, các số liệu thống kê cho biết tỉ lệ lạm phát tại Sri Lanka đã tăng lên gần 30% trong tháng 4 năm nay - Ảnh: BUSINESS STANDARD

Ngày 9-5, Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đã quyết định từ chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực giữa những người ủng hộ ông và nhóm phản đối chính phủ khiến ít nhất 78 người bị thương - Ảnh: AP

Ngày 16-5, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết kho dự trữ xăng của nước này sắp cạn kiệt và chỉ còn đủ dùng trong một ngày. Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka, ông Kanchana Wijesekera đề nghị người dân không xếp hàng để mua xăng trong 3 ngày tới - Ảnh: AFP

Ngày 10-6, Liên Hiệp Quốc cho biết Sri Lanka có nguy cơ xảy ra tình trạng khẩn cấp nhân đạo toàn diện, khi 22 triệu người dân Sri Lanka phải trải qua tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhiên liệu, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác trong bối cảnh lạm phát kỷ lục và đồng nội tệ mất giá - Ảnh: NEW YORK TIMES

Ngày 22-6, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết nền kinh tế của nước này đã đến mức "sụp đổ hoàn toàn". Ông đồng thời kêu gọi mọi người hãy tiết kiệm nhiên liệu - Ảnh: GROUNDVIEWS

Ngày 26-6, Bộ trưởng Năng lượng, ông Kanchana Wijesekera cho biết Sri Lanka hiện đang trong tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng. Chính vì vậy, Chính phủ nước này đã yêu cầu công chức làm việc ở nhà để tiết kiệm nhiên liệu - Ảnh: MENAFN

Ngày 23-6, các quan chức Chính phủ Sri Lanka cho biết Quốc hội nước này đã hủy các cuộc họp còn lại trong tuần để tiết kiệm nhiên liệu.

Chia sẻ Facebook