Khủng hoảng người di cư buộc EU hành động sớm

Chia sẻ Facebook
18/11/2022 14:22:38

Vấn đề người di cư đến các quốc gia châu Âu đã gây chia rẽ giữa các nước thành viên EU và bản thân người tị nạn cũng đối mặt với số phận bất định.

Các Bộ trưởng Nội vụ EU sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư, các quan chức thông báo hôm 17/11, sau khi tranh cãi gay gắt nổ ra giữa Pháp và Italy về việc tiếp nhận con tàu chở người di cư được cứu trên biển.

Các nhà ngoại giao tại Brussels cho biết, một cuộc họp bất thường của Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU sẽ diễn ra vào ngày 25/11 tới nhằm nỗ lực giải quyết vấn đề.

Trong một cuộc phỏng vấn với Politico được đăng hôm 11/11, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas nói, “Chúng tôi không thể cho phép hai quốc gia thành viên đấu khẩu công khai với nhau và tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị lớn khác về vấn đề người di cư. Do đó, EC đề xuất tổ chức một cuộc họp cấp Bộ trưởng của Ủy ban Tư pháp và Nội vụ sớm hơn so với lịch dự kiến vào tháng 12”.

Hôm 17/11, đại diện của Cộng hòa Séc – nước đang giữ chức Chủ tịch EU – xác nhận cuộc họp bất thường này sẽ “giải quyết tình hình hiện tại ở tất cả các tuyến đường di cư”.

Căng thẳng giữa Pháp và Italy leo thang kể từ khi chính phủ mới của Italy cấm tàu cứu hộ Ocean Viking với 234 người tị nạn cập cảng nước này. Ảnh: Getty Images


Vấn đề đã “ sôi sục” từ lâu

Chính phủ cực hữu mới ở Italy do Thủ tướng Giorgia Meloni dẫn dắt, với quan điểm cứng rắn về di cư, đã một lần nữa hướng sự chú ý vào vấn đề vốn đã “sôi sục” từ lâu ở EU.

Bà Meloni muốn các quốc gia EU khác tiếp nhận nhiều người di cư trái phép hơn và dường như sẵn sàng đưa vấn đề này lên hàng đầu trong chương trình nghị sự châu Âu.

Đất nước của bà – cùng với Síp, Hy Lạp và Malta – bày tỏ không hài lòng khi hệ thống quản lý dòng người di cư trên tinh thần tự nguyện giữa các nước thành viên EU không đủ để giảm bớt áp lực cho họ.

Trong tháng này, Italy đã từ chối tiếp nhận một con tàu cứu hộ của tổ chức từ thiện phi chính phủ Ocean Viking chở 234 người di cư được cứu từ biển Địa Trung Hải.

Pháp cho phép tàu cập cảng tại thành phố Toulon (thuộc tỉnh Var) của họ, nhưng đình chỉ kế hoạch tiếp nhận 3.500 người tị nạn từ Italy theo “cơ chế đoàn kết” hình thành hồi tháng 6 trên cơ sở tự nguyện để san sẻ gánh nặng trong vấn đề di cư qua biển Địa Trung Hải với các quốc gia trên tuyến đầu như Italy.

Bà Meloni đã đáp trả động thái trên của Pháp, gọi phản ứng của Paris là “hung hăng” và “không chính đáng”.

Cho đến nay, Pháp cũng đã từ chối đơn xin tị nạn của 44 trong số 234 người di cư đang tạm trú tại Toulon và cho biết rằng họ sẽ được trả về nước xuất xứ.

Trong số những người được phép ở lại, Pháp và Đức sẽ tiếp nhận khoảng 1/3, phần còn lại sẽ đến các quốc gia EU khác tình nguyện tiếp nhận.

Người di cư ở cặp cửa khẩu Tompa-Kelebija, khu vực biên giới Hungary-Serbia, ngày 6/2/2022. Ảnh: Hungary Today

Vấn đề di cư vào EU thông qua các tuyến đường khác, đặc biệt là phía tây Balkan, cũng gây quan ngại cho các quốc gia thành viên EU.

Sau những lời chỉ trích từ Brussels rằng Serbia, một quốc gia không thuộc EU nhưng có biên giới với khối, là bàn đạp cho những người di cư bất hợp pháp tìm cách vào EU, Belgrade cho biết họ sẽ thắt chặt chính sách thị thực.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 16/11 cho biết, người Tunisia và Burundi giờ đây sẽ cần thị thực để vào nước ông.

Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành EU – hồi tháng trước đã cảnh báo rằng họ không loại trừ khả năng loại bỏ quyền miễn thị thực đối với người Serbia nếu Belgrade không hành động đối với tình trạng gia tăng đáng kể số lượng người di cư di chuyển dọc theo “tuyến đường Balkan”.

Hôm 16/11, các nhà lãnh đạo của Áo, Hungary và Serbia đã ký biên bản ghi nhớ giữa ba nước nhằm tăng cường hợp tác ba bên trong lĩnh vực đấu tranh hiệu quả chống di cư bất hợp pháp, sau cuộc họp ba bên ở thủ đô Belgrade của Serbia.

Áo và Hungary cũng cam kết giúp Serbia tổ chức những chuyến bay trục xuất những người đến từ các quốc gia được gọi là “an toàn” và không đủ điều kiện xin tị nạn tại các quốc gia thành viên EU hoặc ở Serbia.


Số phận bất định

Trong một diễn biến khác, hơn một nửa trong số 44 trẻ vị thành niên trên tàu cứu hộ người tị nạn Ocean Viking đã chạy trốn khỏi các cơ quan dịch vụ xã hội của Pháp đang chăm sóc các em, nhà chức trách cho biết hôm 17/11.

Hôm 17/11, tỉnh Var cho biết, 26 trong số 44 trẻ vị thành niên trên tàu đã trốn khỏi khách sạn Toulon, nơi các em đang ở.

Chính quyền tỉnh cho biết, những đứa trẻ rời đi chủ yếu là người Eritrea vì các em muốn đoàn tụ với người thân ở các nước châu Âu khác, bao gồm Hà Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ và Đức.

Người di cư tập trung trên boong tàu cứu hộ Ocean Viking. Trong cuộc họp bất thường vào ngày 25/11/2022, các Bộ trưởng EU cũng sẽ giải quyết tranh chấp giữa Pháp và Italy về việc tiếp nhận người di cư từ các con tàu do các tổ chức phi chính phủ điều hành như tàu Ocean Viking. Ảnh: Euronews

Trẻ em không bị hạn chế đi lại và có thể đến bất cứ nơi các em muốn. Trong khi đó, những người trưởng thành trên con tàu do Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) vận hành, được yêu cầu ở yên tại một trung tâm xã hội và không được phép rời đi.


Tỉnh Var cho biết, các cơ quan dịch vụ xã hội sẽ tiếp tục cung cấp nơi ở tạm thời, chăm sóc y tế và trường học cho những trẻ vị thành niên còn lại trên tàu Ocean Viking mà họ đã tiếp nhận.

Tuần trước, người đứng đầu chính quyền tỉnh Var cho biết, những người di cư sẽ được gửi đến một địa điểm nơi họ sẽ được chăm sóc y tế và đơn xin tị nạn của họ được xử lý.


Những người không được coi là đủ điều kiện ở lại sẽ được trả về nước của họ .


Minh Đức (Theo The National News, Politico.eu)

Chia sẻ Facebook