Khủng hoảng ngân hàng thời mạng xã hội khác xưa ra sao?

Chia sẻ Facebook
28/03/2023 10:10:54

Tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng đã làm gợi lại bóng ma của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngành ngân hàng hiện nay rất khác với cách đây 15 năm.

Khủng hoảng ngân hàng thời mạng xã hội khác xưa ra sao?

Tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng đã làm gợi lại bóng ma của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngành ngân hàng hiện nay rất khác với cách đây 15 năm.

Sự khác biệt đó nằm ở mạng xã hội, dịch vụ ngân hàng trực tuyến và những thay đổi lớn trong hệ thống quy định.

Đây là "cuộc khủng hoảng ngân hàng đầu tiên của thế hệ Twitter", ông Paul Donovan – Chuyên gia kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management – nhận định về sự sụp đổ của Credit Suisse.

Cổ phiếu Credit Suisse đã lao dốc không phanh vào ngày 14/03 sau khi cho biết đã phát hiện lỗ hổng trong báo cáo tài chính. Đó là thông tin khởi đầu cho 5 ngày khủng hoảng của nhà băng này và cuối cùng dẫn tới một vụ sáp nhập giữa Credit Suisse và UBS.

“Mạng xã hội giúp nâng cao tầm quan trọng của danh tiếng, có lẽ theo cấp số nhân, và tôi nghĩ đó là một phần của vấn đề này”, Donavan nói thêm.

Trong khi đó, ông Jon Danielsson - Giám đốc Trung tâm Rủi ro Hệ thống tại Trường Kinh tế London - cho rằng các mạng xã hội khiến tin dữ lan truyền nhanh hơn, xa hơn và gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn hồi năm 2008.

"Việc sử dụng Internet và mạng xã hội nhiều hơn, cùng với ngân hàng số và các dịch vụ tương tự, khiến hệ thống tài chính trở nên mong manh hơn so với trước đây", ông Danielsson nhận định.


Mạng xã hội không chỉ cho phép tin đồn lan truyền một cách dễ hơn mà còn nhanh hơn. “Đây chắc chắn là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi hoàn toàn”, CEO Citi Jane Fraser cho biết trong một sự kiện tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington, D.C. vào cuối tuần trước.

“Chỉ một vài dòng tweet và rồi sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với quá khứ”, bà Fraser cho biết.

Các cơ quan điều hành đã đóng cửa SVB vào ngày 10/03 và đây là đợt sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Thông tin được lan truyền chỉ trong vài giây, trong khi tiền có thể được rút khỏi các ngân hàng một cách nhanh chóng. Dịch vụ ngân hàng trực tuyến đã thay đổi hành vi của người dùng, cũng như cái nhìn về một vụ sụp đổ trong ngành tài chính.

"Không còn cảnh người người đứng xếp hàng dài bên ngoài ngân hàng như những gì đã xảy ra với Northern Rock ở Anh trong cuộc khủng hoảng tài chính. Giờ đây, các khách hàng chỉ cần lên mạng, thực hiện một vài thao tác rồi rời đi", ông Paul Donavan nhận định với CNBC.

Ông Stefan Legge, Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Tài chính IFF của Đại học St. Gallen, cho biết khi thông tin được truyền đi nhanh chóng, còn các khách hàng dễ dàng tiếp cận tài khoản tiền gửi, hệ thống ngân hàng dễ bị tổn thương hơn rất nhiều.

"Trước đây, dòng người xếp hàng dài trước các chi nhánh ngân hàng khiến nhiều người hoang mang. Nhưng giờ đây, chúng ta có mạng xã hội. Và làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng sẽ xảy ra nhanh hơn nhiều", ông lập luận.


Bảng cân đối đã mạnh hơn

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực củng cố hệ thống thông qua việc thành lập các tổ chức giám sát tài chính mới, tăng cường kiểm tra khả năng chống chịu nhằm dự đoán mọi kịch bản có thể xảy ra và ngăn chặn sự sụp đổ.

Ông Danielsson cho biết các ngân hàng châu Âu khó rơi vào tình cảnh nghiêm trọng như hồi năm 2008. "Nguồn vốn ngân hàng đã ổn định hơn, cơ quan quản lý cũng chú ý hơn tới những mối nguy tiềm tàng và mức vốn cũng cao hơn", ông Danielsson đánh giá.

Ngày nay, các ngân hàng được kỳ vọng nắm tỷ lệ vốn an toàn cao hơn và tỷ lệ đòn bẩy là một thước đo tốt để đo lường sự khác biệt giữa tình hình tài chính năm 2008 và nay, Bob Parker, Cố vấn kinh tế cấp cao tại Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế, cho biết trong chương trình “Squawk Box Europe” tuần trước.

“Nếu xem xét top 30 hoặc 40 ngân hàng toàn cầu, mức đòn bẩy hiện đang thấp và thanh khoản dồi dào. Rủi ro trong hệ thống ngân hàng hiện nay thấp hơn đáng kể so với 20-30 năm trước”, ông Parker cho biết.


Cơ quan điều hành Ngân hàng châu Âu ( EBA ) được thành lập trong năm 2011 để ngăn chặn những rủi ro xảy ra khủng hoảng tài chính. Cơ quan này nhấn mạnh “lĩnh vực ngân hàng châu Âu vẫn vững chắc với mức vốn cao và thanh khoản dồi dào”.


Vẫn còn quá nhiều vấn đề

Những ngân hàng riêng lẻ có thể lâm vào cảnh rắc rối cho dù toàn lĩnh vực trông có vẻ vững chắc. Ông Parker cho rằng vẫn còn đó nhiều vấn đề “rất nghiêm trọng” nhưng không phải là vấn đề có thể tác động tới cả hệ thống.

“Tôi thực sự không tin vào lập luận cho rằng chúng ta đang có một rủi ro hệ thống lớn trong lĩnh vực ngân hàng”, ông nói.

Bà Fraser cũng đưa ra nhận định tương tự khi so sánh giữa bối cảnh hiện nay với năm 2008. “Hiện tại không giống như lần trước (năm 2008), đây không phải là khủng hoảng tín dụng”, bà Fraser cho biết. “Đây là tình huống mà một vài ngân hàng gặp rắc rối và tốt hơn là hãy xử lý khi vấn đề chưa trở nên nghiêm trọng”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

Chia sẻ Facebook