Khủng hoảng ngân hàng là hệ lụy khủng hoảng kinh tế
Giải Nobel kinh tế 2022 được trao cho Ben Bernanke, Douglas Diamond, và Philip Dybvig, vì những đóng góp của họ trong lĩnh vực nghiên cứu về hệ thống ngân hàng (NH) và khủng hoảng tài chính. Thật trùng hợp, lúc này thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn và có nhiều lo sợ hệ thống kinh tế sẽ bị khủng hoảng khi hệ thống NH bị đổ vỡ.
Khủng hoảng ngân hàng là hệ lụy khủng hoảng kinh tế
Từ khung lý thuyết đến kiểm chứng
Chúng ta đều biết vai trò chính của NH là trung gian giữa bên gửi tiền và bên đi vay. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao cần phải có NH? Diamond-Dybvig đã giải thích thông qua mô hình của họ, rằng có sự xung đột lợi ích giữa bên gửi tiền và bên cho vay: bên gửi tiền muốn được rút tiền bất cứ khi nào mình cần, nhưng bên đi vay không muốn bị đòi lại trước thời hạn. Khi đó có một nơi được gọi là NH xuất hiện và thực hiện vai trò giải quyết xung đột lợi ích này.
Sở dĩ điều này có thể thực hiện được vì bên gửi tiền xem việc rút tiền trước thời hạn tương tự như việc rút vốn đầu tư trước thời hạn, tức không giữ được cam kết và phải chịu thiệt một phần. Nhưng so sánh giữa 2 hình thức, gửi NH vẫn có lợi hơn vì được bù đắp bởi những người ban đầu có ý định tiết kiệm lâu dài nhưng lại rút ra sớm.
Ở vị trí trung gian, NH có vai trò quan trọng hơn là chuyển đổi kỳ hạn. Theo đó tiền gửi của khách hàng là nợ có kỳ hạn ngắn của NH được chuyển đổi thành tài sản có kỳ hạn dài là các khoản cho vay. Và đây cũng là lý do người ta gọi NH tạo ra tiền.
Nhưng cũng chính vì chức năng chuyển đổi kỳ hạn nên NH lại rất mong manh trước những tin đồn phá sản. Đó là khi có nhiều người gửi tiền muốn rút cùng một lúc, đến mức độ nào đó NH không còn đủ nguồn lực có sẵn để chi trả, phải bắt buộc thu hồi các khoản cho vay hay đầu tư trước thời hạn. Khi đó tài sản bị bán tháo và NH có khả năng bị sụp đổ. Minh chứng là cuộc khủng hoảng tài chính 1929-1933 với sự sụp đổ của hệ thống NH Mỹ.
Trong khi Diamond- Dybvig dừng ở mô hình lý thuyết vì sao cần phải có NH, vì sao NH rất nhạy cảm với tin đồn phá sản, và vì sao NH cần giám sát bên đi vay chứ bên đi gửi không cần giám sát NH. Bernanke cho thấy nếu hệ thống NH bị sụp đổ hệ lụy của nó sẽ rất nghiêm trọng.
Trước khi có công trình nghiên cứu của Bernanke, nhiều người tin rằng khủng hoảng đã có thể giải quyết nếu NHTW in thêm nhiều tiền. Bernanke cũng đồng ý một phần với nhận định này, nhưng cho rằng sự sụp đổ của hệ thống NH kéo theo hệ thống NH không thể thực hiện được việc chuyển đổi các khoản tiết kiệm sang đầu tư có hiệu quả, kinh tế sẽ suy sụp.
Nhìn lại cuộc đại khủng hoảng 1929-1933, lúc đầu chỉ là đợt suy thoái kinh tế vào năm 1929, nhưng qua năm 1930 là cuộc khủng hoảng NH. Trong vòng 3 năm, số lượng NH chỉ còn một nửa và phần lớn không đáp ứng được yêu cầu rút tiền của người gửi.
Vòng xoáy tử thần được tạo ra: nhiều người lo sợ rút tiền cũng đồng thời với việc gửi tiền vào NH giảm, còn NH không dám cho vay mới. Có nghĩa, tiền được đầu tư vào những tài sản khác có tính thanh khoản cao, không đi vào sản xuất kinh doanh. Hệ quả, thế giới đã chứng kiến cuộc suy thoái kinh tế dữ dội nhất trong lịch sử.
Ở khía cạnh khác, nhiều người cho rằng khủng hoảng NH là hệ lụy của khủng hoảng kinh tế chứ không phải là nguyên nhân. Nhưng Bernanke qua phân tích các dữ liệu đã cho thấy khủng hoảng NH dẫn đến khủng hoảng kinh tế và làm cho nó trầm trọng hơn.
Điều mấu chốt ở đây là khi NH bị phá sản, nguồn vốn quý của NH là mối quan hệ với những người đi vay bị cắt đứt. Hơn ai hết, NH nắm thông tin và hiểu bên đi vay như thế nào, từ lịch sử vay cho đến đảm bảo an toàn vốn vay. Và để có được nguồn vốn này cần thời gian, cũng như không chỉ là đơn giản chuyển giao cho một bên cho vay khác.
Để sửa chữa và phục hồi lại hệ thống NH bị sụp đổ mất rất nhiều thời gian và trong giai đoạn đó, kinh tế sẽ khó vận hành được hết công suất của mình. Bernanke đã cho thấy nền kinh tế sẽ không thể hồi phục hoàn toàn khi những hoảng loạn trong ngành NH chưa kết thúc.
Và áp dụng ngày nay
Diamond- Dybvig đã phát triển một mô hình lý thuyết về khủng hoảng NH, trong đó giải thích lý do cơ bản vì sao NH tồn tại và vì sao nó lại rất nhạy cảm với các tin đồn về khả năng bị phá sản. Và mô hình này đã trở thành nền tảng cho việc giám sát NH hiện đại trong các nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 là giai đoạn Ben Bernanke làm Chủ tịch đời thứ 14 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Hơn ai hết ông hiểu hậu quả của việc sụp đổ hệ thống NH, do đó đã áp dụng nghiên cứu của mình trong việc giải cứu hệ thống NH Mỹ. Kết quả cho thấy hành động của ông cùng Fed, cũng như một số NHTW khác là đúng đắn.
Cuộc khủng hoảng 1933 khiến thu nhập bình quân đầu người của Mỹ giảm 28%, quay lại mốc năm 1929 sau 1 thập niên. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng 2009 chỉ làm giảm thu nhập bình quân đầu người 5% và trở lại mốc trước khủng hoảng trong vòng 6 năm. Hơn thế nữa, khủng hoảng 2009 khiến 0,6% NH Mỹ phá sản so với 50% vào năm 1933. Sau cuộc khủng hoảng tài chính này, sức khỏe của hệ thống NH các nước được chú trọng và củng cố rất nhiều, với các quy tắc chặt chẽ về an toàn vốn cũng như quản trị rủi ro hệ thống NH, theo các quy định mới như Dodd-Frank Act và Basel II, Basel III.
Tháng 7 vừa qua ở tỉnh Hà Nam Trung Quốc, hiện tượng người dân đổ xô rút tiền đã tạo ra dư chấn không nhỏ. Chính quyền đã phải thu xếp ổn thỏa vì họ biết rằng hệ lụy của sự sụp đổ NH rất lớn và khủng khiếp. Bằng mọi giá phải giữ vững sự ổn định của hệ thống NH.
Điều tương tự cũng vừa xảy ra ở Việt Nam, khi áp lực rút tiền của người dân từ NHTMCP Sài Gòn (SCB) rất lớn. NHNN đã phải lên tiếng đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, bảo đảm an toàn của hệ thống là mục tiêu hàng đầu.
Hệ thống NH luôn là phần huyết mạch quan trọng nhất của nền kinh tế, khi nó có vấn đề phải được xử lý nhanh, bởi tốc độ của tin đồn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và cái giá phải trả sẽ rất đắt. |
TS. Võ Đình Trí, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global