Khủng hoảng năng lượng tàn phá nền công nghiệp Đức: "Nạn nhân" đầu tiên đã xuất hiện
Đức đang chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt khi giá năng lượng tăng cao, đe dọa để lại những "vết sẹo" vĩnh viễn cho lĩnh vực sản xuất.
Công ty Đức thua lỗ lớn
Theo hãng tin Reuters, vào ngày 3/11, tập đoàn năng lượng khổng lồ Uniper (Đức) đã công bố một trong những khoản thua lỗ lớn nhất trong lịch sử sau khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.
Theo báo cáo, Uniper lỗ ròng 40 tỷ euro (39 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm sau khi buộc phải mua khí đốt với giá cao hơn mức quy định trong các hợp đồng dài hạn với Nga.
Trong đó, có khoảng 10 tỷ euro (9,74 tỷ USD) được chi cho các hợp đồng khí đốt tự nhiên thay thế và khoảng 31 tỷ euro (hơn 30 tỷ USD) các khoản lỗ dự kiến trong tương lai.
Giá cổ phiếu của Uniper cũng đã giảm 93% trong năm nay.
Uniper là nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức. Kể từ giữa tháng 6, Uniper đã buộc phải mua khí đốt giá cao trên thị trường giao ngay do Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Thời gian qua, nhờ gói viện trợ khổng lồ của chính phủ Đức, công ty mới có thể tránh phá sản.
Giám đốc tài chính Uniper Tiina Tuomela cho biết trong một cuộc họp với các nhà phân tích: "Tháng trước, khoản lỗ cắt giảm khí đốt hàng ngày của chúng tôi đã chạm mức 0, so với mức lỗ hơn 100 triệu euro mỗi ngày khi giá tăng trong tháng 8, thì đây là điều tích cực, nhưng chúng tôi biết đó chỉ là tạm thời".
Uniper cho biết, họ dự kiến lỗ ròng đã điều chỉnh về âm đáng kể trong cả năm và không thể đưa ra triển vọng chi tiết hơn do sự thiếu chắc chắn về sản lượng khí được nhập cũng như giá mua liên quan.
Để giúp Uniper vượt qua khó khăn, chính phủ Đức đã phát động nỗ lực giải cứu đầu tiên vào tháng 7 năm nay, nhưng vẫn chưa đủ, vì vậy Berlin ngay lập tức gia tăng các nỗ lực hỗ trợ và chính thức tuyên bố quốc hữu hóa Uniper vào tháng 9.
Như vậy, Uniper sẽ có thể nhận được khoảng 30 tỷ euro từ gói hỗ trợ 200 tỷ euro của chính phủ Đức.
Chính phủ Đức tin rằng sự tồn tại của Uniper là rất quan trọng đối với hệ thống năng lượng của nước này bởi nếu công ty phá sản, có thể sẽ xảy ra hiệu ứng domino trong ngành năng lượng và thậm chí cả nền kinh tế Đức.
Chi phí năng lượng tăng cao "tàn phá" công nghiệp Đức
Theo dữ liệu sơ bộ do Văn phòng thống kê Đức, sản xuất công nghiệp nước này giảm 0,8% trong tháng 8. Đặc biệt, các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm hóa chất, thủy tinh và kim loại, thậm chí còn tệ hơn, giảm hơn 2%.
Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng tại ING Germany, nói rằng sa sút kinh tế là "không thể tránh khỏi" khi giá năng lượng vẫn ở mức cao như vậy.
“Chúng ta không cần một quả cầu pha lê để chứng kiến sự suy yếu hơn nữa của ngành công nghiệp Đức trong những tháng tới. Tác động đầy đủ của giá năng lượng cao hơn sẽ chỉ được cảm nhận trong những tháng cuối năm", ông nói.
Ngành công nghiệp sản xuất của Đức - chiếm hơn 1/5 sản lượng kinh tế của đất nước - đang lo lắng một số công ty của họ sẽ không vượt qua được cuộc khủng hoảng. Nhiều công ty đang cắt giảm sản lượng, trong khi một số thì sa thải nhân viên hay chuyển các bộ phận hoạt động ra nước ngoài.
Frederick Persson, Giám đốc điều hành khu vực Trung và Đông Âu tại Prysmian Group, một nhà sản xuất dây cáp, nói với CNN rằng, chi phí năng lượng tại Đức đang “ở một quy mô mà ông ấy chưa từng thấy trước đây”.
“[Năng lượng] đã biến từ… một chi phí trong sản xuất trở thành một thứ có khả năng khiến các công ty phải đóng cửa hoạt động kinh doanh", ông nói.