Khủng hoảng năng lượng, Cuba xoay sang 'đồng minh cũ' Nga để nhận trợ giúp
Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng tại Cuba xảy ra sau những năm bất ổn lương thực, lạm phát và thiếu điện
Chụp lại hình ảnh, Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng tại Cuba xảy ra sau những năm bất ổn lương thực, lạm phát và thiếu điện
Tác giả, Will Grant Vai trò, Phóng viên Trung Mỹ của BBC 5 tháng 7 2023
Jorge Lloro, một tài xế taxi người Cuba nhớ về mối gắn kết lịch sử giữa quốc gia của ông với Nga cứ mỗi lần lái chiếc xe ô tô màu xanh Lada, được sản xuất từ thời Xô Viết.
Chiếc xe hình chiếc hộp của ông ấy, do Nga chế tạo, nằm trong số khoảng 100.000 ô tô được nhập khẩu vào đảo quốc Caribe này trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong những năm qua, lô xe Lada đã được chuyển đến Cuba trong bối cảnh Mỹ áp lệnh cấm vận kinh tế lên đảo quốc này trong hàng thập kỷ.
Hiện nay, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và nền kinh tế Cuba vẫn u ám, giới lãnh đạo của đảo quốc này lại một lần nữa, xoay sang đồng minh cũ là nước Nga để nhận được sự trợ giúp.
Đối với ông Jorge, bản thân ông phải chật vật để chiếc xe của mình có thể lăn bánh trên đường, khi các phụ tùng đều khan hiếm và đắt đỏ. Hiện nay, để đổ đầy bình xăng đã thành một trải nghiệm tồi tệ kéo dài nhiều ngày.
Vào cao điểm của cuộc khủng hoảng, hàng dài những xe ô tô nối đuôi nhau tại các trạm xăng, tại một số khu vực trong thành phố.
Cuối cùng thì nhà nước Cuba phải sắp xếp hàng dài các tài xế chờ đổ xăng vào các nhóm trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp.
Một nhân viên nhà nước sẽ ghi lại chi tiết liên lạc của người muốn đổ xăng và cấp số cho họ. Khi đến lượt được đổ xăng, họ sẽ được liên lạc để đến một garage.
"Số của tôi là 426," Jorge giải thích khi ông ấy chở chúng tôi đến một trạm xăng ở thủ đô Havana, khi nhận được thông báo.
Chụp lại hình ảnh,
Tài xế taxi Jorge Lloro đang chật vật kiếm sống khi chuyện đổ được xăng trở nên quá khó khăn
Mặc dù vậy, tại một garage, không có giọt xăng nào khi xe bồn không đến. "Tôi không hiểu tại sao họ kêu chúng tôi tới đây," ông Jorge tức giận.
"Hệ thống này không hiệu quả và vô tác dụng," một tài xế khác bày tỏ sự đồng tình, Joel Hernandez, người thể hiện sự chán chường của những người đang xếp hàng.
"Chúng tôi không được phép đổ đầy bình, có người bị nhỡ số thứ tự của họ hoặc không được thông báo khi đến lượt. Vấn đề này là do thiếu sự tổ chức và sắp xếp hợp lý."
Trong hàng tuần qua, cuộc khủng hoảng năng lượng đã đẩy người dân Cuba vốn đã phải chịu tình cảnh khó khăn, đến bờ vực tuyệt vọng.
Đây là cuộc khủng hoảng mới nhất trong một loạt các thách thức lớn mà họ phải đối mặt gần đây: mất an ninh lương thực, lạm phát và mất điện.
Những vấn đề kéo dài của Cuba bắt nguồn từ các quản lý sai lầm của chính phủ và lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ, nhưng tình hình trở nên tồi tệ hơn khi ngành công nghiệp du lịch bị suy sụp trong suốt thời kỳ đại dịch Covid.
Mặc dù vậy, đối với một số công ty Nga, cuộc khủng hoảng tại Cuba đã mang đến một cơ hội 'có một không hai'.
Tại một diễn đàn thương mại mới đây ở thủ đô Havana, Cuba đã ký một loạt các hợp đồng với những công ty Nga, trên mọi lĩnh vực, từ du lịch đến nông nghiệp, năng lượng.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Nhiều tài xế tại Cuba phải chờ nhiều ngày để đổ xăng và bị hạn chế về lượng xăng được đổ
Trong số các thỏa thuận đạt được là những sự nhượng bộ đối với các công ty Nga để cải tiến cơ sở hạ tầng du lịch bị xuống cấp tại Cuba, bao gồm khu resort Tarara ven biển đã trở nên hoang tàn.
Sẽ có một dự án chung để tân trang một nhà máy sản xuất đường cũ kỹ tại tỉnh Sancti Spiritus, cũng như đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất thép và rượu từ mía.
Tuy nhiên, mối quan tâm chính của tài xế Jorge và những tài xế khác đang chờ đổ xăng là một thỏa thuận để Nga cung cấp khoảng 30.000 thùng dầu thô một ngày cho Cuba.
Điều này giúp bù đắp sự thiếu hụt trong nhu cầu tiêu thụ xăng trong nước của Cuba, sau khi quốc gia đồng minh theo chủ nghĩa xã hội giàu dầu mỏ là Venezuela đã giảm sản lượng dầu thô xuất khẩu sang Cuba từ mức 80.000 thùng một ngày vào năm 2020 xuống còn khoảng 55.000 thùng.
Động thái này đã được truyền thông nhà nước Cuba tán dương là minh chứng cho thấy mối gắn kết lâu dài giữa hai quốc gia Cuba và Nga. Thế nhưng chuyên gia kinh tế độc lập hàng đầu của đảo quốc Cuba, ông Omar Everleny bày tỏ quan ngại là quyết định siết chặt thêm mối quan hệ giữa Havana với Moscow chỉ là cách giải quyết mang tính tình thế.
"Khi lửa đang bùng cháy tứ phía, thì thật hấp dẫn khi Nga xuất hiện để dập tắt tình trạng bất ổn. Thế nhưng vấn đề nằm trong trung hạn," ông nói.
Các công ty Nga dự kiến sẽ nhận được các khoản thanh toán đúng hạn và đầy đủ để Cuba có thể đổi lấy những khoản vốn mà quốc gia này đang rất cần có hiện nay, ông Everleny nói thêm.
"Không phải những công ty Liên Xô đang cho chính phủ [Cuba] vay tiền. Đây là những công ty tư nhân của Nga, và họ muốn có hiệu suất đầu tư hợp lý."
1962: Ngày Liên Xô và Mỹ cận kề cuộc chiến hạt nhân
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Các thỏa thuận mới với Cuba giúp nền du lịch của Cuba có thể sống dậy sau khi bị suy sụp từ đại dịch Covid
"Liệu điều này sẽ khiến các gia đình Cuba phải hy sinh nhiều hơn bởi vì chúng tôi phải trả lại phần tín dụng đó hoặc sẽ có một ngày, một Putin khác sẽ xóa nợ?", ông nói, đề cập đến quyết định năm 2014 của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi xóa khoản nợ khoảng 32 tỷ USD của Cuba.
Chắc chắn là các quan hệ kinh tế mới đã xuất hiện vào một thời khắc cực kỳ phức tạp.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái, Cuba đã là một trong số ít ỏi quốc gia ủng hộ Moscow tại khu vực Mỹ Latin, điều rõ ràng đã khiến Điện Kremlin cảm kích.
Trong chuyến thăm mới đây của một phái đoàn cấp cao từ Cuba đến Moscow, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu được truyền thông nhà nước trích dẫn tuyên bố: "Nếu không có nợ, Cuba đã và tiếp tục là một đồng minh quan trọng của Nga trong khu vực."
Có lẽ như vậy, nhưng nhà kinh tế Omar Everleny nói Cuba không thể lặp lại sai lầm chỉ có một nhà bảo trợ duy nhất đưa đảo quốc này ra khỏi tình trạng kinh tế khó khăn.
"Chuyện này xảy ra trước tiên với Tây Ban Nha, sau đó đến Mỹ, và rồi đến Liên Xô, và sau đó là Venezuela. Không thể nào phụ thuộc vào một thị trường duy nhất," ông nhận định.
"Tôi nghĩ Cuba cần có một chiến lược sản xuất cho chính mình - một chiến lược mà theo đó các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ của Cuba có thể đóng vai trò chính yếu."
Cuối một ngày 'nóng chảy mỡ' tại một trạm xăng, ông Jorge Lloro cuối cùng đã có thể đổ đầy chiếc xe Lada của mình.
Nhưng giống như chính cuộc Cách mạng Cuba, cần phải đến mức túng quẫn không còn gì để mất để có thể duy trì động lực với sự trợ giúp của Nga, và cần có một cuộc đại cải tổ vào những năm trước đó nữa.