Khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka lan sang thể thao

Chia sẻ Facebook
19/07/2022 00:36:31

Khủng hoảng kinh tế bao trùm nơi từng được mệnh danh “Hòn ngọc Ấn Độ Dương”, khiến người dân Sri Lanka xuống đường biểu tình làm gián đoạn cả hoạt động thể thao.


Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, giải cricket Asian Cup 2022 sắp tới, vốn là do Sri Lanka đăng cai, giờ có khả năng sẽ được chuyển sang Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).

Theo nguồn tin của hãng thông tấn ANI (Ấn Độ) trong Hội đồng Cricket Sri Lanka, trong bối cảnh đảo quốc Nam Á đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ, Hội đồng cuối cùng đã quyết định chuyển giải đấu sang một quốc gia khác.

“Đúng vậy, chúng tôi đang có kế hoạch chuyển giải đấu sang UAE. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với các quan chức trong Hội đồng và chúng tôi sẽ sớm thông báo chính thức về điều này”, một nguồn tin nói với ANI.


Khủng hoảng chưa từng có tiền lệ

Sri Lanka đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng nhiên liệu và các nguồn cung cấp thiết yếu khác, và đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất với lạm phát tăng cao. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu đã buộc các trường học và văn phòng chính phủ phải đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

Sản xuất nông nghiệp trong nước giảm, thiếu dự trữ ngoại hối và đồng nội tệ mất giá đã thúc đẩy tình trạng thiếu hụt thêm trầm trọng.

Đông đảo người dân Sri Lanka tới Sân vận động Cricket Quốc tế Galle, nhưng không phải để xem cricket. Họ đến để phản đối chính phủ đã khiến đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế. Ảnh: ESPN Cricinfo


Các cuộc khủng hoảng mà Sri Lanka phải đối mặt đã trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch Covid-19 , chứng kiến sự sụp đổ của ngành du lịch – ngành mũi nhọn cung cấp ngoại tệ cho nhập khẩu nhiên liệu và vật tư y tế.

Và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng do xung đột Nga-Ukraine gây ra như cú đấm bồi cho nền kinh tế của đảo quốc Nam Á.

Cuộc khủng hoảng kinh tế này cũng đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị, với việc người dân thất vọng và đứng lên chống lại chính phủ, khiến Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải tháo chạy ra nước ngoài và từ chức.

Trong lá đơn từ chức của mình, ông Rajapaksa cho biết, ông đã thực hiện "tất cả các bước có thể" để ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế đang nhấn chìm đảo quốc này.

Đơn từ chức của ông Rajapaksa đã được quốc hội Sri Lanka chấp nhận hôm 15/7. Ông đã bay đến Maldives và sau đó là Singapore sau khi cuộc biểu tình chống chính phủ với sự tham gia của hàng trăm nghìn người lên đến cao trào, với việc người biểu tình xông vào dinh thự và văn phòng chính thức của ông Rajapaksa.


Tình trạng khẩn cấp

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời của Sri Lanka hôm 15/7. Các nhà lập pháp Sri Lanka đã nhóm họp hôm 16/7 để khởi động quy trình lựa chọn Tổng thống mới, trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu chính thức vào ngày 20/7.


Với tư cách quyền Tổng thống Sri Lanka, ông Wickremesinghe một lần nữa đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn đảo quốc, Reuters cho biết, dẫn nguồn một thông báo của chính phủ Sri Lanka công bố vào cuối ngày 17/7, khi chính quyền của ông tìm cách dập tắt bất ổn xã hội và giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang bao trùm đất nước – nơi từng được mệnh danh “Hòn ngọc Ấn Độ Dương”.

Quyền Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe. Ảnh: ABBO News

“Việc bảo vệ trật tự công cộng và duy trì các nguồn cung cấp và dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống của cộng đồng là rất cần thiết, vì lợi ích của công chúng”, thông báo nêu rõ.

Ông Wickremesinghe, một đồng minh của ông Rajapaksa, là một trong những ứng cử viên hàng đầu để đảm nhận chức vụ Tổng thống chính thức của Sri Lanka.

Tuy nhiên, người biểu tình cũng muốn ông Wickremesinghe ra đi. Điều này cho thấy viễn cảnh bất ổn vẫn sẽ tiếp tục ở Sri Lanka nếu ông trúng cử.

Theo Reuters, một chuyến hàng nhiên liệu đã đến để cung cấp một số cứu trợ cho quốc gia Nam Á đang chìm trong khủng hoảng.

Người biểu tình bên trong khuôn viên văn phòng thư ký Tổng thống sau khi ông Gotabaya Rajapaksa bỏ trốn, trong bối cảnh Sri Lanka chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế và chính trị. Ảnh: Hindustan Times

Nhân viên an ninh đứng gác bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Colombo, Sri Lanka, ngày 16/7/2022, trong bối cảnh đảo quốc Nam Á đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ. Ảnh: Tribune India

Các binh sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Colombo cuối tuần qua. Tổng thống lâm thời Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp, ngày 17/7/2022. Ảnh: The Guardian


Minh Đức (Theo Khaleej Times, Reuters)

Chia sẻ Facebook