Khủng hoảng đang lan đến ngân hàng Đức?

Chia sẻ Facebook
25/03/2023 10:45:50

Thị trường tài chính vẫn tiếp tục rung lắc bởi tình trạng hỗn loạn dai dẳng kể từ sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ SVB và việc Credit Suisse của Thụy Sĩ bị thâu tóm.


Các ngân hàng trên toàn khu vực đồng Euro (Eurozone) kiên cường, ổn định và mạnh mẽ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh hôm 24/3 khi kết thúc một hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại trụ sở ở Brussels, Bỉ.

Lời trấn an của các quan chức EU được đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu của Deutsche Bank, ngân hàng thương mại lớn nhất nước Đức, đang rớt giá nghiêm trọng trong khi chỉ số CDS (hoán vị rủi ro tín dụng - phản ánh chi phí bảo hiểm để bảo vệ cho trường hợp vỡ nợ) tăng đột biến.

Cổ phiếu của ngân hàng Đức, niêm yết tại Frankfurt, có thời điểm giảm 14% trong phiên nhưng đã giảm đà rơi, đóng cửa ở mức giảm 8,6% vào chiều hôm 24/3.

Đáng chú ý, ngày 24/3 là ngày thứ 3 liên tiếp cổ phiếu của Deutsche Bank giảm giá, và đã mất hơn 20% thị giá trong tháng qua. Trong khi đó, chỉ số CDS tăng lên mức 200 điểm - mức cao nhất kể từ khi ngân hàng này gặp khó khăn vào năm 2019.

Ngoài ra, cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu khác, như UBS, Commerzbank, Société Générale và BNP Paribas, cũng giảm giá nhưng ở mức nhẹ hơn.


Tác động lây lan

Bất chấp những đảm bảo lặp đi lặp lại từ các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục cho thấy những dấu hiệu lo lắng và bất an rõ ràng, đẩy cổ phiếu vào những thăng trầm khó lường.

Mối lo ngại càng lây lan giữa các nhà đầu tư khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa ra tay thắt chặt chính sách tiền tệ hôm 22/3.

Biểu đồ cho thấy biến động chỉ số CDS - thước đo rủi ro vỡ nợ - trong 5 năm (2018-2023). Nguồn: Bloomberg

Deutsche Bank đã báo lãi 10 quý liên tiếp, sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu trị giá hàng tỷ Euro bắt đầu vào năm 2019, với mục đích giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lời. Ngân hàng Đức ghi nhận thu nhập ròng hàng năm là 5 tỷ Euro (5,4 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 159% so với năm 2021.

Tỉ lệ vốn cổ phần cấp 1 (CET1) của Deutsche Bank - thước đo khả năng thanh toán của ngân hàng - ở mức 13,4% vào cuối năm 2022, trong khi tỉ lệ dự trữ thanh khoản là 142% và tỉ lệ quỹ bình ổn ròng là 119%. Những số liệu này cho thấy sẽ không có bất kỳ lo ngại nào về khả năng thanh toán hoặc vị thế thanh khoản của ngân hàng Đức.


Thủ tướng Đức Olaf Scholz, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels hôm 24/3, cho biết Deutsche Bank đã “tái cơ cấu và hiện đại hóa mô hình kinh doanh của mình một cách triệt để, và là một ngân hàng có lợi nhuận cao”, đồng thời nói thêm rằng không có cơ sở để nghi ngờ về tương lai của nó.

Lời nhắc nhở

Các thị trường đã giảm nhẹ mức thua lỗ sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói với các nhà lãnh đạo EU rằng ngành ngân hàng Eurozone có khả năng phục hồi nhờ nguồn vốn mạnh, vị thế thanh khoản và các cuộc cải cách sau năm 2008. Bà cũng cho biết, ECB được trang bị bộ công cụ để cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính nếu cần.


Tuy nhiên, Moody’s cho biết trong một lưu ý hôm 22/3 rằng, trong một môi trường kinh tế không chắc chắn và niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn mong manh, có nguy cơ các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn hiện tại mà không gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài hơn trong và ngoài lĩnh vực ngân hàng.

Một chi nhánh của Deutsche Bank ở Berlin, Đức. Ảnh: Getty Images

“Ngay cả trước khi căng thẳng ngành ngân hàng trở nên rõ ràng, chúng tôi đã dự đoán các điều kiện tín dụng toàn cầu sẽ tiếp tục suy yếu vào năm 2023 do lãi suất cao hơn đáng kể và tăng trưởng thấp hơn, bao gồm cả suy thoái kinh tế ở một số quốc gia”, tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cho biết.

Moody’s gợi ý rằng, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát, các điều kiện tài chính còn thắt chặt càng lâu thì nguy cơ “căng thẳng lan rộng ra ngoài lĩnh vực ngân hàng, gây ra thiệt hại kinh tế và tài chính sẽ càng lớn”.


Còn theo JPMorgan, khi nói về trường hợp của Deutsche Bank, nhà tư vấn tài chính Phố Wall cho rằng đây chưa phải là một cuộc khủng hoảng ngân hàng vì CDS của Deutsche thấp hơn nhiều so với mức 1.000 điểm do vụ việc của Credit Suisse tạo ra vào tuần trước. Tuy nhiên, đó là một lời nhắc nhở rằng lãi suất tăng có ý nghĩa thực sự đối với các ngân hàng .


Minh Đức (Theo CNBC, Euronews, EFinancialCareers)

Chia sẻ Facebook