Khủng hoảng của tỷ phú Adani tồi tệ hơn 'bom nợ' China Evergrande
Quy mô nợ của Adani Group nhỏ hơn China Evergrande. Nhưng áp lực bán tháo đối với cổ phiếu và trái phiếu của tập đoàn Ấn Độ nghiêm trọng hơn nhiều.
Khủng hoảng của tỷ phú Adani tồi tệ hơn 'bom nợ' China Evergrande
Nhà báo Shuli Ren của Bloomberg chỉ ra một số điểm tương đồng giữa khủng hoảng của Adani Group và China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhiều nhất thế giới.
Chỉ 7 ngày giao dịch sau báo cáo của hãng bán khống Mỹ Hindenburg Research (có trụ sở ở New York), đế chế của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đã mất 112 tỷ USD , tương đương 50% giá trị vốn hóa thị trường của nhóm doanh nghiệp này.
Vị doanh nhân Ấn Độ bị cáo buộc nhúng tay vào "vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử". Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đã vào cuộc để xoa dịu căng thẳng.
Vòng xoáy khủng hoảng của Adani Group đang làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu.
Rắc rối của Adani Group khiến thị trường rúng động. Nhưng đây không phải lần đầu tiên các tập đoàn ở châu Á rơi vào tầm ngắm của các hãng bán khống vì năng lực quản trị yếu kém, định giá bị thổi phồng và nợ nần chồng chất.
Các công ty như China Evergrande vẫn tồn tại dù nhiều lần bị nhắm tới, cho đến khi Bắc Kinh vào cuộc chấn chỉnh ngành công nghiệp địa ốc.
Nhưng theo cây bút Shuli Ren, tình hình của Adani Group thậm chí còn tồi tệ hơn China Evergrande. Tập đoàn bất động sản Trung Quốc có lúc gánh khoản nợ ròng 100 tỷ USD , gấp 5 lần Adani Group.
Trong vài năm qua, tỷ phú Ấn Độ đã thu hút các nhà đầu tư chuyên về ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) hoặc những trái phiếu doanh nghiệp rủi ro thấp. Tuy nhiên, Adani Group dễ chịu tác động từ tâm lý thị trường hơn. Điều này đồng nghĩa với việc áp lực bán tháo cổ phiếu và trái phiếu sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trong nhiều năm, các nhà đầu tư của China Evergrande hiểu chính xác về tập đoàn. Đó là một đế chế sử dụng đòn bẩy thái quá với những khoản lời hấp dẫn.
Trái phiếu của China Evergrande được xếp hạng vào nhóm rủi ro cao. Do đó, người mua thường là các quỹ đầu tư hoặc khách hàng giàu có của những ngân hàng tư nhân.
Tình hình của Adani Group thậm chí còn tồi tệ hơn China Evergrande
Nhà báo Shuli Ren của Bloomberg
Họ chấp nhận rủi ro và có thể chịu đựng tốt hơn các quỹ quản lý tài sản truyền thống.
Adani Group thì khác. Adani Ports & Special Economic Zone - công ty phát hành trái phiếu bằng USD lớn nhất tập đoàn - vẫn được xếp vào cấp "đầu tư". Adani Electrical Mumbai và Adani Transmission cũng vậy.
Đối với những trái phiếu cấp "đầu tư", nhóm khách hàng giàu có của các ngân hàng tư nhân thường cầm cố để vay ký quỹ. Bởi lãi suất của chúng quá thấp để sinh lời.
Theo Bloomberg, ít nhất 2 ngân hàng châu Âu cung cấp khoản vay 75-80% giá trị trái phiếu Adani Ports được cầm cố.
Nhưng nếu các tổ chức tài chính dừng cung cấp dịch vụ này, giới siêu giàu không còn muốn nắm giữ trái phiếu của doanh nghiệp mang tên ông Adani. Họ sẽ bán ồ ạt.
Để so sánh, kịch bản này không xảy ra ở China Evergrande. Bởi trái phiếu rủi ro cao của các tập đoàn bất động sản không bao giờ có tỷ lệ khoản vay trên giá trị vượt 80%.
Và trong nhiều năm, chỉ riêng các khoản thanh toán trái phiếu hấp dẫn đã đủ để giới đầu tư nắm giữ trái phiếu đến lúc đáo hạn, bất chấp biến động trên thị trường.
Adani Group cũng chịu áp lực bán tháo từ các quỹ blue-chip, tức chuyên nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu của những công ty uy tín.
Nếu trái phiếu của Adani Group bị hạ hạng tín nhiệm, các nhà quản lý tài sản sẽ buộc phải bán, dù họ đánh giá công ty thế nào.
Hơn nữa, Adani Group đã thu hút các nhà đầu tư ESG trên toàn cầu nhờ tham vọng năng lượng xanh. Tập đoàn dễ dàng thu hút những khoản vay giá rẻ nhờ đó, nhưng cũng chịu áp lực bán tháo lớn nếu giới đầu tư nhận thấy điều bất thường.
Chẳng hạn, ngay sau báo cáo của Hindenburg, quỹ hưu trí lớn nhất Na Uy KLP đã bán toàn bộ cổ phần trong Adani Green Energy.
Quỹ này lo ngại rằng khoản đầu tư sạch của mình sẽ bị bòn rút cho những hoạt động kinh doanh khác, chẳng hạn khai thác than.
Thảo My
Zing.vn