Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc làm giảm sản lượng xi măng toàn cầu

Chia sẻ Facebook
06/10/2022 08:37:37

Sản lượng xi măng Trung Quốc giảm mạnh nhất trong ít nhất hai thập niên đã kéo sản lượng xi măng toàn cầu giảm theo. Điều này cho thấy cơn khủng hoảng bất động sản ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tác động  đến các ngành công nghiệp dựa vào lĩnh vực này để tăng trưởng.

Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc làm giảm sản lượng xi măng toàn cầu

Trong sáu tháng đầu năm 2022, sản lượng xi măng của Trung Quốc giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 977 triệu tấn, mức giảm mạnh nhất trong 20 năm. Ảnh: Bloomberg

Theo số liệu do Hiệp hội Xi măng thế giới (WCA) cung cấp, trong sáu tháng đầu năm nay, sản lượng xi măng toàn cầu giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1,9 tỉ tấn.

WCA giải thích sự sụt giảm này là do khối lượng xi măng sản xuất tại Trung Quốc giảm 15% xuống còn 977 triệu tấn trong cùng kỳ. Ian Riley, Giám đốc điều hành WCA, cho biết mức sụt giảm sản lượng xi măng ở Trung Quốc là lớn nhất trong hơn 20 năm.

Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc, bắt đầu với việc lỡ hạn trả nợ trái phiếu của nhà phát triển bất động sản Evergrande một năm trước và kể từ đó lan rộng ra lĩnh vực bất động sản của nước này, gây sức ép lên các hoạt động kinh tế liên quan.

Dữ liệu về sản lượng xi măng là một dấu hiệu cho thấy tác động lan tỏa ngày càng tăng của khủng hoảng bất động sản đối với các ngành công nghiệp khác được hưởng lợi từ cơn bùng nổ xây dựng trước đó. Dữ liệu chính thức cho thấy các dự án xây dựng mới ở Trung Quốc đã giảm hơn 40% mỗi tháng kể từ tháng 4.

Không có dấu hiệu nào cho thấy sự sụt giảm doanh số bán nhà ở Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, sẽ sớm dừng lại. Trong tháng 7, doanh số bán nhà ở Trung Quốc đạt gần 900 tỉ nhân dân tệ (126 tỉ đô la Mỹ), thấp hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán nhà giảm với tốc độ tương tự trong các tuần của tháng 8 và dữ liệu sơ bộ cho thấy xu hướng giảm vẫn tiếp tục trong tháng 9. Có khoảng 660 triệu mét vuông nhà ở đã được bán trong 7 tháng đầu năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Cuộc khảo sát của China Index Academy, một trong những công ty nghiên cứu thị trường bất động sản độc lập lớn nhất Trung Quốc, cho thấy giá nhà mới ở Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 9, sau khi đã giảm trong hai tháng trước đó. Giá nhà mới giảm trong bối cảnh khách hàng tiềm năng chùn tay do nền kinh tế tăng trưởng chậm và làn sóng tẩy chay thanh toán khoản vay chế chấp mua nhà ở các dự án bị đình trệ.

“Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến cơn bùng nổ xây dựng ở Trung Quốc. Các công ty xi măng nghĩ rằng họ có thể  bán xi măng cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Nhưng sau đó, sự kết hợp của cuộc khủng hoảng bất động sản và chính sách ‘zero Covid’ của Trung Quốc đã thực sự bắt đầu gây tổn thương đến hoạt động kinh doanh của ngành xi măng”, Riley nói.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất xi măng lớn của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng. Anhui Conch Cement và China Resources Cement, hai trong số những công ty sản xuất xi măng lớn nhất đã chứng kiến cổ phiếu niêm yết của họ tại Hồng Kông giảm giá hơn 1/3 trong năm nay. Với 32 nhà máy, Anhui Conch Cement sản xuất khoảng 288 triệu tấn xi măng mỗi năm, đưa công ty này trở thành nhà sản xuất xi măng lớn thứ hai thế giới.

Trong nửa đầu năm 2022, Anhui Conch Cement ghi nhận mức lợi nhuận ròng 10 tỉ nhân dân tệ, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do chi phí vận hành cao hơn và nhu cầu trong nước yếu.

Các mặt hàng khác như quặng sắt, nguyên liệu sản xuất thép, cũng bị ảnh hưởng bởi đà suy thoái của lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc. Trong tuần này, Maike Metals International, nhà nhập khẩu đồng tinh chế lớn của Trung Quốc, cho biết đang bán tài sản để sống sót qua cuộc khủng hoảng thanh khoản đang trầm trọng hơn vì các khó khăn trên thị trường bất động sản.

Trong những tháng gần đây, giới chức trách Trung Quốc đã công bố một loạt các hành động nhằm thúc đẩy nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản, bao gồm các biện pháp kích thích trị giá hàng chục tỉ đô la Mỹ.

Riley nói các nhà sản xuất xi măng Trung Quốc hy vọng rằng sau Đại hội đại biểu toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 trong tháng 10 này, tình hình kinh doanh sẽ cải thiện. Giới kinh doanh sẽ theo dõi chặt chẽ đại hội này để nắm bắt kịp bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường chính sách của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Riley cảnh báo không nên quá lạc quan rằng sẽ có nhiều sự cải thiện sắp tới trên thị trường xi măng Trung Quốc.

Khánh Lan


TBKTSG

Chia sẻ Facebook