Khu công nghệ cao thu hút 12 tỷ USD, năng suất lao động gấp 17 lần cả nước

Chia sẻ Facebook
24/11/2022 09:13:06

Năm 2021, khu công nghệ cao TP.HCM đã tạo ra giá trị sản xuất lên đến 20,9 tỷ USD, cao hơn tổng thu ngân sách của thành phố (khoảng 17 tỷ USD).

Đi vào hoạt động từ năm 2002, từ vùng đất sơ khai của huyện Thủ Đức (nay là thành phố Thủ Đức) nằm bên Xa lộ Hà Nội, Saigon Hi-tech Park là khu công nghệ cao thu hút nhiều vốn đầu tư nhất trong 3 khu công nghệ cao của cả nước.

Sau 20 năm, khu công nghệ cao hiện có 160 dự án với tổng vốn đầu tư tương đương 12 tỷ USD. Trong đó, có 51 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 10,1 tỷ USD và 111 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD.

Giá trị sản xuất của toàn khu tính đến nay đạt 120 tỷ USD, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM) và với những kết quả khả quan cho đến nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của khu đạt 23 tỷ USD trong năm nay.

Nơi đây thu hút được các tập đoàn sản xuất hàng đầu thế giới như Intel (Mỹ), Nidec (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc) và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Trong ảnh là nhà máy Samsung. Với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, đây là dự án lớn nhất khu công nghệ cao. Nhà máy có diện tích gần 1 km2, chủ yếu sản xuất tivi và một số thiết bị điện tử khác. Năng suất trung bình là 1,1 triệu sản phẩm/tháng.

Khu công nghệ cao cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam. Trong ảnh là trụ sở toà nhà công ty Thế giới Di Động, quy mô 13 tầng, đảm bảo chỗ làm việc cho 2.000 cán bộ nhân viên.

Tính đến ngày 30/06/2022, tổng số lao động của khu công nghệ cao là 51.910 người, trong đó có 51.340 lao động trong nước và 570 lao động nước ngoài. Năng suất lao động bình quân của khu này cao gấp 17 lần bình quân cả nước.

Vườn ươm khu công nghệ cao (SHTP-IC) tổ chức huấn luyện và hỗ trợ nhiều startup tiềm năng. Tòa nhà Vườn ươm với kinh phí 72 tỷ đồng, khởi công năm 2017 với mục tiêu đạt công suất ươm tạo 50 dự án ươm tạo/năm và khoảng 100 dự án khởi nghiệp/năm.

Khu công nghệ cao có nhiều cơ hội và yêu cầu phát triển mới để trở thành trung tâm kinh tế tri thức. Nhiều cơ sở đào tạo, trường đại học nổi tiếng được đặt tại đây như Trường Đại học Ngoại ngữ HUFLIT, trường đại học Nguyễn Tất Thành,... Trong ảnh là Học viện Hàng không Vietjet (tiền thân là trung tâm đào tạo của Vietjet Air) (VJAA) với diện tích 7,5 ha. VJAA vẫn đảm bảo tổ chức các lớp đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho số chuyến bay tăng cao sau dịch.

Nơi đây còn bao gồm cả những dịch vụ tiện ích công cộng khu căn hộ cao cấp và trường học quốc tế, khu nhà ở cho công nhân... Trong ảnh là tòa nhà FPT Campus do FPT Software xây dựng với quy mô thiết kế xây dựng 69.000 m2 cho 7.000 sinh viên sinh hoạt và học tập.

Cầu vượt giao lộ D1 - Lê Văn Việt nằm trên trục đường chính của khu công nghệ cao, là công trình trọng điểm với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Với con đường 2 chiều 6 làn xe, các phương tiện dễ dàng lưu thông và hiếm khi xảy ra tắc đường.

Khu công nghệ cao nằm gần nút giao các xa lộ lớn, có vị trí đắc địa khi cách trung tâm thành phố 15 km, Đại học Quốc gia gần 3 km, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 18 km và cảng Cát Lái gần 15km. Trong hình là cầu Phú Hữu, nối khu công nghệ cao với đường Võ Chí Công.

Đầu năm 2022, ga metro ở phía bắc khu công nghệ cao để kết nối vào tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã được khởi công xây dựng. Sau khi hoàn thành, việc di chuyển từ quận 1 đến khu công nghệ cao dự tính chỉ mất 10 phút.

Theo quy hoạch, khu công nghệ cao nằm trong Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố với quy mô dân số 1 triệu người, trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thành phố.

Chia sẻ Facebook