Không uống rượu, hút thuốc vẫn mắc ung thư gan vì thói quen này

Chia sẻ Facebook
24/05/2023 08:48:46

Không chỉ hút thuốc, uống rượu mà thói quen ăn uống kém lành mạnh, đặc biệt là tiêu thụ loại thực phẩm này, cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư gan.


Gan là cơ quan rất quan trọng của cơ thể. Nó là trung tâm điều hòa và chuyển hóa các chất. Thậm chí gan còn đảm nhiệm nhiều chức năng mà không một cơ quan nào có thể làm thay được. Trong cơ thể, nó thực hiện các công việc như: chuyển hóa, khử độc, bài tiết và dự trữ. Nếu gan của một người bị hỏng hoàn toàn, người đó có thể tử vong trong vòng 24h do hạ đường huyết.

Nhiều người cho rằng hút thuốc và uống rượu là nhân tố quan trọng gây hại cho gan, điều này không sai, nhưng có một số những thói quen ăn uống khác thậm chí còn độc hại, gây ảnh hưởng tiêu cực hơn thế.

Anh Trần năm nay 32 tuổi, là một công nhân bình thường ở Trung Quốc. Anh không hút thuốc hay uống rượu và rất tốt tính nên mọi người đều thích trò chuyện với anh.

Cách đây khoảng nửa năm, anh Trần đột nhiên xuất hiện những cơn đau bụng rõ rệt. Nghĩ rằng do công việc quá bận rộn và chế độ ăn uống không điều độ nên anh chỉ uống một ít thuốc giảm đau. Tuy nhiên, về sau các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng buộc anh phải đến bệnh viện để kiểm tra.

Lúc đầu, anh Trần chỉ đến khoa tiêu hóa thăm khám nhưng bác sĩ khám bệnh sau đó đã đề nghị anh nên đi khám sàng lọc gan.


Sau một loạt các cuộc kiểm tra, anh Trần được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Điều này khiến anh không thể tin nổi, làm sao anh có thể mắc bệnh ung thư gan dù không đụng đến rượu và thuốc lá?

Bác sĩ cũng rất tò mò vì những người không hút thuốc và uống rượu có khả năng mắc ung thư gan tương đối thấp, vì vậy họ đã tìm hiểu về chế độ ăn uống hàng ngày của anh Trần. Hóa ra để tích góp tiền mua xe và nhà, anh Trần thường rất tiết kiệm, thậm chí chỉ mua rau củ quả sắp hỏng rẻ tiền để ăn.

Anh thường vứt bỏ những phần đã thối hỏng và tiếp tục nấu, ăn những phần còn lại. Bác sĩ chỉ ra rằng chính thói quen này đã tạo điều kiện cho chất "kịch độc" aflatoxin xâm nhập vào cơ thể.

Các chuyên gia cho biết, aflatoxin là chất gây ung thư mạnh nhất, tiếp xúc lâu dài với aflatoxin nồng độ cao là nguyên nhân chính gây ung thư gan. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế phân loại đây là chất gây ung thư loại 1.

Theo nghiên cứu, aflatoxin có độc tính gấp 68 lần asen và 10 lần so với kali xyanua. Chỉ 20 mg có thể gây tử vong ngay lập tức.

Aflatoxin thường xuất hiện trong các thực phẩm bị nấm mốc.


Aflatoxin thường có trong các thực phẩm mốc, là loại độc tố vi nấm được sản sinh tự nhiên do một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc). Aflatoxin hoạt động rất bền bỉ với nhiệt, chúng gây hại cho sức khỏe cả khi thực phẩm đã được nấu chín trong nhiệt độ cao.

Do đó, nếu chúng ta ăn phải thực phẩm bị nấm mốc, loại chất trên gây ra tình trạng ngộ độc nếu nhẹ, người nhiễm độc lâu ngày có thể bị xơ gan, ung thư gan.

Aflatoxin được tìm thấy trong đất, thực vật và động vật, các loại hạt khác nhau, đặc biệt là đậu phộng (lạc) và quả óc chó bị hư hỏng. Aflatoxin cũng thường được tìm thấy trong ngô, mì ống, sữa gia vị, các sản phẩm từ sữa, dầu ăn và các sản phẩm khác khi chúng bị nấm mốc.

Vì vậy, nếu không hút thuốc, không uống rượu bạn vẫn có khả năng mắc ung thư gan nếu duy trì thói quen ăn uống không lành mạnh. Khi bạn không vứt bỏ những thực phẩm hỏng mốc, ôi thiu mà ăn vào người thì tất yếu sẽ gây ra nhiều bệnh tật.

Để tránh xa siêu chất gây ung thư aflatoxin, bạn nên làm những việc sau:

-Rửa tay thường xuyên: Ngoài thực phẩm, nhiều đồ vật có thể bị nhiễm aflatoxin. Rửa tay thường xuyên là cách cơ bản nhất để tránh xa độc tố.

- Không tích trữ thực phẩm: Cách hiệu quả nhất để tránh aflatoxin là ngăn chặn tình trạng đồ ăn bị nấm mốc. Khi lựa chọn thực phẩm, nếu thấy tình trạng của chúng không tốt, bạn không nên mua. Bạn cũng nên hạn chế tích trữ một lượng quá nhiều đồ ăn trong nhà.

- Không ăn những đồ bị mốc: Những thực phẩm bị mốc có thể không chứa các chất gây ung thư. Thế nhưng hầu hết nấm mốc có thể gây hại cho cơ thể, vì vậy bạn nên kiên quyết vứt bỏ, không rửa sạch bằng nước hoặc chỉ loại bỏ phần mốc. Phần thực phẩm có chứa chất độc hại nhiều lúc không dễ nhận ra bằng mắt thường.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook