Không uống rượu bia vẫn gan nhiễm mỡ: Bác sĩ chỉ ra 'thủ phạm' rất nhiều dân văn phòng mắc
Một số thói quen xấu trong cuộc sống hằng ngày khiến nhiều người dễ mắc gan nhiễm mỡ kể cả khi họ không uống bia rượu.
Bất ngờ vì gan nhiễm mỡ
Anh Lê Văn Q., 33 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM đến khám tại Cơ sở 3 – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM với kết quả siêu âm Gan nhiễm mỡ độ 2. Anh nhận kết quả siêu âm sau lần khám sức khoẻ tổng quát tại công ty.
Anh hoang mang vì còn rất trẻ đã bị gan nhiễm mỡ. Bản thân anh Q. cũng ít uống bia rượu. Bác sĩ cho rằng do thói quen làm việc ngồi nhiều, lại không tập luyện dẫn tới gan nhiễm mỡ.
Chị Đào Thu H., 40 tuổi, trú tại TP.HCM, cũng hốt hoảng vì khi đi kiểm tra sức khoẻ tổng quát, bác sĩ phát hiện men gan tăng cao. Bác sĩ yêu cầu siêu âm ổ bụng. Kết quả cho thấy chị bị bệnh gan nhiễm mỡ.
Không riêng gì chị H., nhiều đồng nghiệp ở tuổi chị và trung niên đều bị gan nhiễm mỡ từ độ 1 tới độ 2, độ 3. Chị H. tưởng chỉ cánh mày râu nhậu nhẹt bia rượu mới bị gan nhiễm mỡ, còn nữ giới như chị và đồng nghiệp khác bị gan nhiễm mỡ thực sự là điều khó hiểu. Thậm chí, ở 1 đồng nghiệp nữ khác của chị H., bác sĩ còn cho biết gan vàng óng do thoái hoá mỡ.
Bác sĩ giải thích cho chị H. rằng tính chất làm công việc văn phòng, ngồi bàn giấy mỗi ngày tám tiếng, ít vận động đã dẫn tới hậu quả như trên. Bên cạnh đó, các chị đều ở độ tuổi trên 40, sự chuyển hóa của cơ thể cũng theo thời gian mà kém đi nên rất dễ bị tăng cân và cuối cùng dẫn tới gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ.
BS Trần Thị Ngọc Châu - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3 cho biết có rất nhiều người trẻ tới kiểm tra sức khoẻ và được chẩn đoán gan nhiễm mỡ. Những bệnh nhân này đều bất ngờ vì họ vốn không uống rượu, bia.
Thực tế, bác sĩ Châu cho biết gan nhiễm mỡ là một tình trạng khá thường gặp khi lượng mỡ trong gan lớn hơn 5% khối lượng gan. Về mặt mô học, các tế bào gan của người bị gan nhiễm mỡ chứa đầy các hạt mỡ.
Gan nhiễm mỡ do nhiều nguyên nhân gây ra như thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng, độc chất, nhiễm virus viêm gan, rượu bia… Gan nhiễm mỡ được chia làm hai nhóm: gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu.
Gan nhiễm mỡ nguy hiểm như thế nào?
Gan nhiễm mỡ do rượu nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm gan hoặc xơ gan.
Gan nhiễm mỡ không do rượu thường lành tính nhưng có thể dẫn đến tình trạng viêm gan thoái hóa mỡ không do rượu và đôi khi là xơ gan nếu không được điều trị.
Những đối tượng có nhiều nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ là người cao tuổi, thừa cân béo phì, ít vận động, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá, hội chứng buồng trứng đa nang, người uống nhiều bia rượu, người sử dụng các thuốc về gan, thường xuyên tiếp xúc hoá chất hoặc độc chất. Ở giới văn phòng, tình trạng ngồi nhiều, ít vận động dẫn tới thừa cân, béo phì cũng làm gia tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.
BS Châu cho biết hầu hết bệnh nhân gan nhiễm mỡ không có biểu hiện lâm sàng gì đặc trưng, họ được phát hiện đi khám sức khoẻ định kỳ. Một số người có thể có biểu hiện chán ăn, ngán dầu mỡ, đầy bụng khó tiêu, cảm giác người mệt mỏi,… Nếu có tình trạng tổn thương gan nặng hơn như viêm gan, xơ gan, người bệnh có thể xuất hiện báng bụng, vàng da vàng mắt, phù chân…
Hiện chưa có thuốc đặc hiệu dành cho gan nhiễm mỡ mà các bác sĩ chỉ tập trung loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, người bệnh cần kết hợp chế độ ăn uống khoa học, duy trì cân nặng hợp lý và dùng thuốc hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh.
BS Châu khuyến cáo người bệnh gan nhiễm mỡ nên hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, rượu bia; ăn nhiều rau xanh, trái cây ít ngọt, ăn cá thay cho thịt, ăn dầu thực vật thay cho mỡ động vật…. Thêm vào đó, duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường luyện tập thể dục thể thao là bắt buộc để điều trị gan nhiễm mỡ.
Theo Ngọc Anh
Pháp Luật và Bạn đọc