Khổng Tử nói về ích lợi của việc làm thơ

Chia sẻ Facebook
28/03/2023 07:22:41

Thơ vừa là văn học lại vừa là triết học, đồng thời cũng bao gồm cả những phương diện văn hoá, nghệ thuật khác, cho nên học thơ có thể đồng thời bồi đắp tố chất, hàm dưỡng về nhiều phương diện. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử khuyên người trẻ tuổi học thơ, bởi nó có rất nhiều lợi ích.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận

(Tranh: Thời Thanh, Public Domain)


Khổng Tử nói: “Tiểu tử hà mạc học phu thi? Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán.” (Dương hoá đệ thập thất – Luận Ngữ). Câu này nghĩa là gì? Những người trẻ tuổi chi bằng học thơ nhiều hơn một chút, học thơ có nhiều lợi ích. Có thể “Hứng” , có thể “Quan” , có thể “Quần” , có thể “Oán”.


Thứ nhất có thể “Hứng” . “Hứng” là biểu đạt tâm tình, nguyện vọng, bày tỏ tâm ý, tình cảm trước cảnh vật.


Hai là có thể “Quan” (Quan sát). Thơ là lời văn biểu đạt tâm tình, chí hướng, thông qua những vần thơ có thể trải nghiệm và quan sát được tâm cảnh của thi nhân, quan sát xã hội lúc bấy giờ. Cho nên đọc thơ có thể nhận được sự gợi mở và minh bạch rất nhiều cách đối nhân xử thế.


Ba là có thể “Quần” (Chung sống với người khác). Học thơ, tâm tính sẽ được tu dưỡng tốt hơn. Khi tố chất tự thân được đề cao rồi, con người sẽ biết cách chung sống hài hoà với người khác.


Thứ tư có thể “Oán”. Học thơ có thể than phiền, trách móc. Bởi lẽ có thể dùng thơ mà biểu đạt sự bất bình trong tâm, từ đó khơi thông và dẫn dắt nó, giải hay tỏ nỗi lòng.


Trong “Thi Kinh” có không ít vần thơ bày tỏ sự u uất, ai oán như bài “Phạt Đàn”, “Thạc Thử” . Những vần thơ ai oán của hậu thế còn nhiều hơn. Như khi Nhạc Phi, một danh tướng thời Nam Tống, bị gian thần bài xích, chẳng thể thi triển chí báo quốc, đã dùng thơ để xoa dịu nỗi phẫn uất, cảm khái trong tâm:


Tiểu trùng sơn


Tạc dạ hàn cung bất trú minh.
Kinh hồi thiên lý mộng,
Dĩ tam canh.
Khởi lai độc tự nhiễu giai hành,
Nhân tiễu tiễu,
Liêm ngoại nguyệt lung minh.


Bạch thủ vị công danh.
Cựu sơn tùng trúc lão,
Trở quy trình.
Dục tương tâm sự phó dao tranh.
Tri âm thiểu,
Huyền đoạn hữu thuỳ thinh.

Tạm dịch:


Tiểu Trùng Sơn


Dế lạnh vỉ van suốt đêm thâu
Chợt tỉnh ngàn dặm cơn mộng sâu
Canh ba đã vẳng
Bên thềm một bóng quẩn quanh bước
Dáng người trầm mặc
Ngoài mành trăng treo ánh vằng vặc.


Công danh đánh vật bạc đầu râu
Thông tre cằn cỗi núi xưa sầu
Gian nan nẻo về
Nỗi lòng mong gửi cung đàn xa
Tri âm mấy kẻ!
Tơ huyền đứt đoạn có ai nghe?

(Bản dịch của Lâm An)


Nói xong về bốn lợi ích của thơ rồi, Khổng Tử lại tiếp lời: “Nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân; Đa thức ư điểu, thú, thảo, mộc chi danh.” (Dương hoá đệ thập thất – Luận Ngữ)


“Nhĩ chi sự phụ” , nói gần thì là việc phụng dưỡng cha mẹ. Bởi lẽ có sự hàm dưỡng của nghệ thuật, có thái độ lạc quan, nên càng hiểu cách làm thế nào để phụng dưỡng song thân, bởi Nho gia coi trọng đạo Hiếu. “Viễn chi sự quân” , nói xa thì có thể cống hiến cho quốc gia, xã tắc, vì hiểu được học vấn “trị quốc bình thiên hạ”. Cho nên sau khi có được những tố chất, hàm dưỡng cơ bản của một cá nhân này, thì dẫu làm gì cũng đều không hướng về phía bất lợi.


“Đa thức ư điểu, thú, thảo, mộc chi danh” nghĩa là biết tới tên của các loài chim muông, cầm thú, cỏ cây, hoa lá. “Thi Kinh” bao hàm một tri thức vô cùng rộng. Những loài chim bay, thú chạy, cỏ cây, hoa lá được nhắc tới rất nhiều. Trong quá trình tìm hiểu ý thơ cũng có thể học được những tri thức về động vật học, thực vật học và cả những tri thức về thiên văn, địa lý. Bởi lẽ “Thi Kinh” đều đề cập tới những phương diện này.


Lục Cơ Trữ, một học giả thời Nguỵ Tấn có bài “Mao thi thảo mộc trùng ngư sơ” , là một trước tác giải thích về các loài động thực vật được nhắc tới trong “Thi Kinh” , tổng cộng ghi chép lại 175 loài động vật. Ông không chỉ ghi lại tên những loài sinh vật, mà còn miêu tả hình dáng, môi trường sinh thái và giá trị sử dụng của nó.


Trên đây là những lợi ích khi học thơ mà Khổng Tử nhắc tới. Đương nhiên để thực sự sản sinh được tác dụng này, cần bản thân người học thơ đổ tâm đổ sức. Học thơ nhất định phải như thân nằm trong cảnh, đồng thời kết hợp với cuộc sống của bản thân, mà suy ngẫm về cuộc đời của mình, lâu dần ắt sẽ có được niềm vui “thần giao cổ nhân” – linh cảm kết nối với cổ nhân.


Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” nghĩa là gì? (P1)


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook