Không thể "vỗ tay bằng một bàn tay" nếu muốn phát triển tín dụng xanh
Một trong những khó khăn đối với tín dụng xanh là chưa có quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế.
Dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng
Chia sẻ tại Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” sáng 4/12, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, việc triển khai các giải pháp từ ngành Ngân hàng sẽ định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường. Từ đó góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Thời gian qua, NHNN đã xây dựng các giải pháp, chương trình trong hoạt động tín dụng và ngân hàng, góp phần hỗ trợ nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư số 17 hướng dẫn tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng thể hiện trách nhiệm của ngành Ngân hàng thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tăng cường khả năng quản trị rủi ro của TCTD trước rủi ro về môi trường của các dự án đầu tư thuộc nhóm có tác động xấu tới môi trường, nâng cao chất lượng tín dụng, an toàn và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng; tiệm cận dần với thông lệ quốc tế.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, thời gian qua, nhận thức của hệ thống ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để thực hiện mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh.
Kết quả đạt được, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng xanh bình quân đạt gần 23%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Đến 30/9/2023, có 45 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh, đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 4,4% dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).
Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ hơn 2,6 triệu tỷ đồng. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường xã hội tăng gấp 10 lần so với thời điểm bắt đầu thực hiện chỉ thị số 03/CT-NHNN năm 2015.
Không thể “vỗ tay bằng một bàn tay”
Tuy nhiên, theo bà Tùng, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn.
Thứ hai, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng.
Thứ ba, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn. Trong khi đó, nguồn vốn dài hạn từ thị trường vốn, nhất là kênh trái phiếu xanh chưa thực sự phát triển.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy tín dụng xanh phát triển, bà Tùng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
Cụ thể, NHNN sẽ hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh đối với Danh mục phân loại xanh quốc gia sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Danh mục phân loại dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh;
Theo dõi, hướng dẫn các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình TCTD xây dựng quy định nội bộ;
Tích cực triển khai công tác đào tạo nâng cao năng lực cho các TCTD trong triển khai công cụ tài chính xanh hiệu quả; đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đồng quan điểm với bà Tùng, ông Nguyễn Bá Hùng – Kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh.
Xác định mục tiêu định lượng cụ thể phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam và tạo động lực phát triển tài chính xanh. Chủ động tiếp cận nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Chính phủ có thể có những bước đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh.
Còn theo bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), việc thúc đẩy tín dụng xanh phát triển cần sự chung tay giữa các bên.
“Để triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững cần có sự tham gia đồng bộ của tất cả các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương. Tôi hình dung nếu như chỉ một mình ngân hàng tham gia vào quá trình này, thì cũng không khác gì chúng ta chỉ “vỗ tay bằng một bàn tay”.
Một mình hệ thống ngân hàng không thể triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững. Mà cần sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, ban hành quy định cụ thể, sự đồng lòng của các đơn vị, doanh nghiệp liên quan vì tín dụng xanh đang là xu hướng toàn cầu”, bà Bình nói .
Thu Hương