Không thể mãi luẩn quẩn... trốn thuế!
Nhiều hồ sơ mua bán nhà đất khi kê khai thuế đã bị trả ra yêu cầu phải khai lại đúng giá giao dịch. Chuyện này diễn ra ở nhiều địa phương cho thấy chuyện khai giá thấp để trốn thuế là rất phổ biến. Vậy có cần yêu cầu khai lại giá trị giao dịch?
Trước tình trạng này, đã có ý kiến cho rằng cần cập nhật khung giá đất sát giá thị trường. Thế nhưng cách làm này chưa tạo ra sự tự giác khai đúng, khai đủ giá trị giao dịch nhà đất trên hồ sơ khi tính thuế. Vì sao cứ phải giấu giá trị giao dịch thật?
Ví dụ mua bán nhà trị giá 1 tỉ lại khai 300 triệu, rồi cơ quan thuế phải liên tục sửa khung giá đất cho sát với thị trường và áp vào để tính thuế? Như vậy, cứ tạo ra vòng luẩn quẩn, khai thấp - né thuế, cập nhật khung giá đất - ấn định thuế...
Cũng có hướng xử lý là khi nhận hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế, cơ quan thuế mạnh dạn làm đúng quy định pháp luật: đủ mức xử lý hình sự thì chuyển sang cơ quan điều tra; hồ sơ có dấu hiệu vi phạm sẽ thanh tra để có căn cứ xử phạt.
Cần tăng mức xử phạt hành vi trốn thuế gấp 5-7 lần khoản thuế đã trốn. Như vậy, người trốn thuế sẽ cân nhắc giữa cái lợi và cái hại khi khai giá thấp.
Một hướng khác thuyết phục hơn, đó là cần mở ra để người dân tự giác khai đúng. Và việc này trở thành "quán tính" khi mua bán nhà đất, thay cho "quán tính" khai giấu, khai giảm để rồi cơ quan thuế phải bắt khai lại hoặc ấn định thuế qua khung giá đất tối thiểu như bao năm qua.
Muốn vậy, phải đa dạng cách tính thuế thay vì chỉ có phương pháp tính "trọn gói" 2% như hiện nay. Nhà nước cần khôi phục cách đánh thuế trên chênh lệch "đầu vào" và "đầu ra" (giá mua gồm cả chi phí hợp lý, hợp lệ và giá bán) với thuế suất 25% trên thu nhập có được trong giao dịch bất động sản.
Thu thuế trên chênh lệch sẽ khuyến khích người dân khai đúng giá. Các thông tin này được lưu giữ, đó là dữ liệu phản ánh đầy đủ bức tranh thật của thị trường bất động sản và là cơ sở tính ra khoản chênh lệch mà chủ bất động sản được hưởng khi bán để tính thuế.
Như vậy, người mua/bán sẽ tự động ghi đúng giá giao dịch thực để bảo vệ quyền lợi cho họ về sau. Với cách tính này, thậm chí phải chấp nhận có trường hợp không có chênh lệch để tính thuế do chi phí vay quá lớn.
Tất nhiên, cơ quan thuế phải thu thập thông tin để tìm ra những hồ sơ khai gian, phạt nặng hoặc xử lý hình sự. Khi những vụ việc trốn thuế bị xử lý được truyền thông đúng sẽ có tác dụng răn đe những người có ý định trốn thuế.
Hiện giao dịch nhà đất đang sôi động, có thể áp dụng cách tính thuế trên chênh lệch, trừ những bất động sản đã giao dịch nhiều năm trước thì chấp nhận đánh thuế thu nhập cá nhân 2% trên giá bán hiện tại. Với những nhà đất tặng cho, khi đăng bộ sẽ tính giá trị theo bảng giá nhà nước...
Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân khai đúng giá, cần có thêm những giải pháp như buộc phải thanh toán qua ngân hàng những giao dịch bất động sản và chứng từ thanh toán qua ngân hàng được kèm theo hồ sơ để kê khai nộp thuế.
Chỉ có làm đồng bộ như thế mới sửa được quán tính khai thấp giá mua bán nhà đất để trốn thuế, phí và chấm dứt vòng luẩn quẩn sửa khung giá, ấn định thuế...
Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Chi cục Thuế Vũng Tàu - Côn Đảo đã phong tỏa tài khoản đối với Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise vì nợ hơn 800 tỉ đồng tiền thuê đất và các khoản thuế.