Không tham gia World Cup, Trung Quốc cử 2 "quốc bảo" đến Qatar thay thế, trở thành một phần trong "lịch sử ngoại giao gấu trúc"
Chiến lược sử dụng gấu trúc của Trung Quốc làm công cụ ngoại giao đã được biết đến rộng rãi. Phương thức “ngoại giao gấu trúc” đã thành công vang dội, giúp mang lại bộ mặt thân thiện cho Trung Quốc tại các vườn thú trên khắp thế giới trong hơn 70 năm qua.
Mặc dù không tham gia World Cup 2022 ở Qatar, Trung Quốc cũng không hoàn toàn “vắng mặt”, vì có 2 đại diện đã hạ cánh ở quốc gia Trung Đông vào cuối tháng trước. Đến đúng thời điểm diễn ra World Cup, Tứ Hải (Sihai) và Kinh Kinh (Jingjing) là 2 chú gấu trúc đầu tiên được Trung Quốc cho một quốc gia Trung Đông mượn. Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng sẽ đại diện cho Trung Quốc sinh sống ở Qatar trong 15 năm tới.
Gấu trúc trở thành "đại sứ ngoại giao"
Sự xuất hiện được dàn dựng công phu của Tứ Hải và Kinh Kinh ở Qatar là một minh chứng rõ ràng nhất. Trong những năm đầu tiên, chính sách ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc thường bị phản ứng thái quá, thậm chí là tùy tiện. Các quan chức đã phải vật lộn để xác định cách tốt nhất để phân bổ “quốc bảo” - một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm nhất của Trung Quốc.
Sự yêu thích của thế giới dành cho gấu trúc bắt đầu từ năm 1936, khi một chú gấu trúc con tên là Su-lin đến Hoa Kỳ. 5 năm sau, Đệ nhất phu nhân Trung Hoa Dân Quốc Tống Mỹ Linh đã tặng thêm một món quà là 2 chú gấu trúc tên Pan-Dee và Pan-Dah cho sở thú Bronx để vinh danh sự trợ giúp của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai.
Động thái của bà Tống Mỹ Linh đã đánh dấu lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc chính thức trao gấu trúc cho nước ngoài như một món quà, tạo nên thành công vang dội: Những chú gấu trúc được công chúng Mỹ mê mẩn chào đón và mang lại nhiều bước tiến mới trong công tác ngoại giao.
Tuy nhiên, chính sách ngoại giao gấu trúc đã có một bước ngoặt đột ngột sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Chính sách ngoại giao gấu trúc trở thành đối tượng của sự đoàn kết xã hội chủ nghĩa. Năm 1957, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, Bành Chân đề nghị gửi một con gấu trúc đến Moscow như một món quà cho người dân Liên Xô.
Một vấn đề phát sinh: Sự thiếu hụt trầm trọng gấu trúc nuôi nhốt
Bắt gấu trúc trong môi trường tự nhiên chưa bao giờ dễ dàng. Các nhóm chuyên gia về động vật và dân làng địa phương có thể mất vài tháng rình mò qua các dãy núi dựng đứng của phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên vẫn không có kết quả. Năm 1957, sở thú Bắc Kinh chỉ có 3 con gấu trúc con, tất cả đều được bắt ở Tứ Xuyên vào năm trước đó. Sau chuyến thăm hỏi của nguyên thủ quốc gia Liên Xô - Kliment Voroshilov tới Trung Quốc năm 1957, Bình Bình (Pingping) và Thất Thất (Qiqi) trở thành món quà giao hữu giữa hai nước.
Một năm sau (1958), Liên Xô trở lại Trung Quốc với một yêu cầu bất ngờ. Liên Xô nói rằng cả hai con gấu trúc được tặng đều là con đực, do đó yêu cầu Trung Quốc thay thế một trong số chúng bằng một con gấu trúc cái với hy vọng chúng sẽ giao phối và sinh ra thế hệ tiếp theo.
Vào thời điểm đó, ngay cả các chuyên gia đầu ngành cũng không hiểu về giải phẫu gấu trúc. Thế là Trung Quốc đã đáp ứng yêu cầu của Liên Xô. Năm 1958, Liên Xô gửi Thất Thất trở lại và được tặng một con gấu trúc khác tên An An. Song cuộc thay thế này có gì đó không rõ ràng. Khi kiểm tra kỹ hơn, hóa ra An An là con đực, trong khi Thất Thất được phát hiện là giống cái.
Ngoài Liên Xô, quốc gia duy nhất khác được chính phủ Trung Quốc tặng gấu trúc trong những năm 1950 và 60 là Triều Tiên. Quốc gia này đã nhận 5 con gấu trúc từ năm 1965 đến 1980. Đáng buồn thay, cả 5 con đều chết yểu hoặc đã mất tích do phương pháp nuôi dưỡng không hợp lý.
Trong khi đó, các nước phương Tây hầu như không thể chạm tay vào gấu trúc. Sau năm 1949, Anh, Hoa Kỳ và Tây Đức đều viết thư cho Trung Quốc với hy vọng có được một “quốc bảo”, với đủ cách như mua, trao đổi. Hầu hết các đề xuất này đều bị từ chối vì lý do chính trị. Nguyên nhân khác là Trung Quốc không có đủ gấu trúc để tặng. Tuy nhiên, “cơn sốt” gấu trúc của các nước phương Tây khiến họ tiếp tục tìm cách lách các rào cản ngoại giao của Trung Quốc.
Nỗ lực thành công nhất của các nước phương Tây được đền đáp vào năm 1958, khi sở thú Brookfield ở Chicago ủy quyền cho Heini Demmer, một thương gia người Áo, thay mặt họ mua hoặc trao đổi gấu trúc từ Trung Quốc. Sau khi đàm phán với sở thú Bắc Kinh, Demmer đã môi giới cuộc mua bán: 1 con gấu trúc lấy 3 con hươu cao cổ, 2 con tê giác, 2 con hà mã và 2 con ngựa vằn. Con gấu trúc mà ông nhận lại là Thất Thất, vừa được Liên Xô trả về Trung Quốc.
Sau khi được xác nhận là giống cái, sở thú Bắc Kinh đã đổi tên Thất Thất thành Cơ Cơ (Chi-Chi) trước khi bán nó đi. Nhưng kế hoạch đến Mỹ của Cơ Cơ đã đổ bể gần như ngay lập tức. Do luật điều tiết xuất khẩu do Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành, việc nhập cảnh của gấu trúc vào Hoa Kỳ đã bị từ chối. Demmer đưa Cơ Cơ đi tham quan châu Âu cho đến khi sở thú London đồng ý nhận nuôi với giá 12.000 bảng Anh (khoảng 390.000 đô la ngày nay).
Cả nước Anh ngay lập tức bị mê hoặc bởi sự xuất hiện của Cơ Cơ. Người hâm mộ dõi theo với niềm phấn khích và tò mò, nhưng người trực tiếp chăm sóc Cơ Cơ lại đau đầu với vấn đề: Làm thế nào để tìm cho nó người bạn đời phù hợp?
Ngoài Trung Quốc và Triều Tiên, chỉ còn một quốc gia khác trên thế giới mà họ có thể hướng đến: Liên Xô.
Bình Bình đã chết vì bệnh vào năm 1961, nhưng An An vẫn sống khỏe mạnh ở Moscow. Sau một năm rưỡi đàm phán, Anh và Liên Xô cuối cùng đã đồng ý cho hai con gấu trúc giao phối. Tháng 3/1966, Cơ Cơ lên máy bay riêng đến thủ đô Liên Xô. Máy bay đáp, Cơ Cơ được bao quanh bởi các bác sĩ thú y và quan chức từ cả hai sở thú ở London và Moscow dưới sự giám sát của các máy quay truyền hình được điều khiển từ xa. Cơ Cơ, 9 tuổi, đã gặp "vị hôn phu" của mình là An An.
Song, “thay vì yêu nhau điên cuồng, cặp đôi gấu trúc này lao vào cắn xé lẫn nhau”. 2 năm sau đó, 2 con gấu trúc được chuyển đến London để đổi mới môi trường sống, nhưng 9 tháng trôi qua không hề có tiến triển.
Hy vọng sinh con đẻ cái của Cơ Cơ ngày càng mong manh, phương Tây rơi vào trạng thái lo lắng. Ngay khi mọi người bắt đầu mất hy vọng, sự cứu rỗi đã xuất hiện bằng cách khó xảy ra nhất: tổng thống Mỹ - Richard Nixon. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 2/1972, Nixon bày tỏ mong muốn rằng Trung Quốc tặng một cặp gấu trúc cho người dân Mỹ. Trên tinh thần “làm ấm” quan hệ giữa hai nước, thủ tướng Trung Quốc - Chu Ân Lai đã đồng ý.
Vài tháng sau, hai “quốc bảo” Linh Linh (Ling-Ling) và Hưng Hưng (Hsing-Hsing) đến Mỹ bằng máy bay riêng. Là những con gấu trúc đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ kể từ năm 1953, hơn 8.000 người dân đã bất chấp mưa gió chào đón chúng tại công viên Động vật học Quốc gia Smithsonian ở Washington, D.C. Trong tháng đầu tiên sau khi ở sở thú, cặp gấu trúc đã thu hút hơn 1 triệu du khách đến thăm.
Cơn sốt "ngoại giao gấu trúc" trên toàn cầu
Sự kiện Linh Linh và Hưng Hưng đến Mỹ đã mở ra một thời kỳ bùng nổ cho chính sách ngoại giao gấu trúc. Cuối năm đó, hai chú gấu trúc khác, Khang Khang (Kang-Kang) và Lan Lan (Lan-Lan) được tặng cho sở thú Ueno ở Nhật Bản để đánh dấu sự khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Cặp đôi gấu trúc này đã thu hút hàng triệu du khách tò mò trong suốt những năm 1970. Lan-Lan qua đời vào năm 1979 trong khi đang mang thai, hàng nghìn người Nhật đã đến khu vực lân cận để bày tỏ sự tiếc thương.
Từ năm 1972 đến năm 1982, Trung Quốc đã tặng 20 con gấu trúc cho các quốc gia trên thế giới, giúp cải thiện đáng kể hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Nhưng những nhược điểm của chính sách ngoại giao gấu trúc này ngày càng không thể xem nhẹ.
Các nhà phê bình quốc tế lập luận rằng chiến lược này đi ngược lại Công ước năm 1975 về buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Phản ứng dữ dội tiếp tục gia tăng sau loạt phim tháng 11/1979 do Đài Phát thanh Nhân dân Trung Quốc sản xuất đã làm sáng tỏ cách Trung Quốc bắt những con gấu trúc trong tự nhiên.
Đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng tăng, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố vào năm 1982 rằng sẽ ngừng tặng gấu trúc cho nước ngoài. Kể từ năm 1984, những con gấu trúc mà bạn nhìn thấy trong các sở thú trên khắp thế giới hầu hết được cho thuê. Một phần trong phí giao dịch này được chi vào nghiên cứu và bảo tồn gấu trúc. Ngày nay, việc xác định giới tính của gấu trúc không còn là vấn đề khó khăn và hầu hết những khó khăn liên quan đến việc thúc đẩy chúng giao phối trong môi trường nhân tạo về cơ bản đã được khắc phục.
Nhờ đó, gấu trúc không còn khan hiếm như trước đây. Tháng 9/2016, tổ chức bảo tồn IUCN đã hạ cấp loài gấu trúc từ “có nguy cơ tuyệt chủng” xuống “dễ bị tổn thương”. Tuy nhiên, sự hiếm có của loài động vật này ở nước khác vẫn khiến chúng là món quà quý giá đối với bất kỳ sở thú nào.
Để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Tứ Hải và Tinh Tinh, chính phủ Qatar đã xây dựng môi trường sống có điều hòa không khí xa hoa, với kế hoạch mở cửa kịp thời cho lượng du khách được thu hút bởi World Cup 2022. Không còn nghi ngờ gì nữa, gấu trúc là “nhà ngoại giao” tài tình và có “1-0-2” mà ai cũng yêu thích.
Nguồn: Sixthtone