Không sợ mua “hớ” với mẹo đơn giản phân biệt da thật và da nhân tạo
Với công nghệ sản xuất hiện đại và tinh xảo, nhiều người khó mà phân biệt được da thật và da nhân tạo. (Ảnh: puhhha/ Shutterstock)
Chất liệu da rất thông dụng trong lĩnh vực thời trang như giày, thắt lưng, quần áo và túi xách, v.v. Nhưng với công nghệ sản xuất hiện đại và tinh xảo, nhiều người không thể phân biệt được da thật và da nhân tạo. Tuy nhiên khi biết được mẹo nhỏ này, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt.
Khi mua đồ da, nếu không biết chọn mà mua phải da giả với giá thành như da thật thì sẽ tổn thất khá nhiều. Vì vậy chúng ta hãy bỏ túi những mẹo sau đây, có như vậy bạn mới không bao giờ sợ bị “hớ” khi mua hàng.
Trước hết cùng tìm hiểu một chút về dòng da thật và da nhân tạo.
Da thật
Da thật còn có tên gọi khác là da thuộc hay da tự nhiên. Dòng da này được khai thác từ các phần da của động vật như da cá sấu, bò, cừu, trâu, ngựa, đà điểu hoặc dê… Sau khi thai khác, da sẽ được trải qua quá trình loại bỏ các tạp chất, mùi hôi để tạo nên bề mặt sáng bóng. Và bởi nguồn gốc tự nhiên, chất lượng và độ bền đẹp, nên nó được đánh giá là dòng da cao cấp nhất trên thị trường cho đến nay.
Tuy nhiên tùy thuộc vào động vật mà da có các đặc điểm khác nhau. Ví như da cá sấu thì bề mặt có cấu tạo không đồng nhất, cho nên tạo ra tính độc đáo, giá cả đắt đỏ.
Da nhân tạo
Da nhân tạo là chất liệu được tạo nên từ công nghệ nhân tạo, nó có tên khoa học là Poly Synthetic Leather. Đây chính là những loại nhựa mềm, nhựa dẻo, nhựa tổng hợp từ Simili và được phủ lên trên một lớp nhựa PU. Loại da này cũng được đánh giá cao với độ mềm chuẩn và gần giống với da tự nhiên nhất.
Mặc dù bề ngoài da PU khá giống với da thật nhưng bản chất của nó vẫn chỉ là một sản phẩm của chất liệu tổng hợp nhân tạo, cho nên không thể so sánh được với chất lượng của da thật.
Vậy chúng ta sẽ phân biệt da thật và da nhân tạo như thế nào?
1. Phương pháp giọt nước
Với phương pháp này, bạn chỉ cần nhỏ một giọt nước lên sản phẩm da và xoa xoa một chút là bạn có thể dễ dàng phân biệt được da thật với da nhân tạo. Hoặc bạn có thể dùng bình tưới phun một ít nước để phân biệt, cách làm cũng giống nhau và rất dễ làm.
Nếu là da thật, sau khi chúng ta nhỏ nước lên thì khả năng hút nước sẽ mạnh hơn, sau một thời gian nước có thể thẩm thấu vào bên trong. Điều này là do da của động vật có các lỗ chân lông, khi nhỏ nước lên, lỗ chân lông sẽ hấp thụ nước trên đó.
Còn nếu là da nhân tạo thì khả năng thấm hút sẽ tương đối kém, hoặc một số loại hoàn toàn không có khả năng thấm nước. Do đó chúng ta có thể sử dụng phương pháp nhỏ nước này để phân biệt giữa da thật và da nhân tạo.
2. Phương pháp khứu giác
Dùng mũi để ngửi mùi sản phẩm, nếu là da thật thì sẽ có mùi đặc trưng, một loại mùi ngai ngái của mỡ động vật. Nó hoàn toàn không thể khử hết cho dù dùng loại công nghệ nào. Còn da giả thì có mùi ni lông hoặc mùi chất hóa học như mùi sơn, xăng thơm và mùi nhựa.
3. Phương pháp cảm nhận bằng xúc giác
Chúng ta có thể chạm vào các sản phẩm để kiểm tra. Nếu là da thật thì khi sờ vào sẽ có cảm giác mềm hơn, các vân trên bề mặt cũng có kích thước khác nhau. Nó sẽ không giống như vân được xử lý bằng máy, bởi vì da nhân tạo được xử lý bằng máy, cho nên bề mặt kết cấu và sự phân bố các chi tiết gần như là giống nhau.
4. Phương pháp đốt nhiệt
Một số sản phẩm da thật sẽ được trang bị mẫu da thử cho khách hàng nào có nhu cầu kiểm tra, nên bạn có thể đốt mẫu đó. Nếu là da thật thì khi cháy sẽ có mùi khét như mùi tóc. Còn nếu là da nhân tạo và thường được xử lý bằng cách pha trộn một số nguyên liệu như PVC, PU thì sau khi đốt sẽ có mùi nhựa.
5. Phương pháp ấn vào sản phẩm
Với những sản phẩm da thật, khi ấn vào chúng thường xuất hiện vết lõm xung quanh ngón tay, trong khi những sản phẩm da giả sẽ không có được độ đàn hồi như thế.
Một số mẹo hữu ích để làm sạch đồ da
1. Làm sạch với sữa tươi
Thông thường nếu ở nhà bạn có sữa hết hạn hoặc sữa còn sót lại thì chúng ta có thể dùng sữa để làm sạch đồ da. Việc lau đồ da bằng sữa có thể chống nứt nẻ và giữ ẩm cho sản phẩm.
2. Sử dụng mỹ phẩm trong làm đẹp
Chúng ta có thể sử dụng kem dưỡng da tay hoặc da mặt, cả hai đều có chứa glycerin. Bạn có thể tận dụng kem dưỡng đã hết hạn sử dụng để làm sạch đồ da. Nó không chỉ sạch sẽ mà còn có thể đóng một vai trò bảo trì.
Tuy nhiên, sử dụng sản phẩm từ da nhân tạo cũng là một lựa chọn nhân đạo
Sản phẩm da thật có nhiều ưu điểm hơn so với da nhân tạo và do đó luôn được người sành tay ưa dùng. Tuy nhiên, trong khi bạn đang sở hữu những sản phẩm da thật cao cấp thì ở đâu đó có những con vật đang bị giết một cách dã man để lấy da. Trước khi bị biến thành thắt lưng và túi xách, nhiều loài động vật phải chịu đựng mọi nỗi kinh hoàng của công nghiệp chăn nuôi, bao gồm việc bị giam cầm nghiêm ngặt trong lồng hoặc chuồng bẩn thỉu, thiến mà không giảm đau, nhiễm trùng mãn tính, bệnh tật do đông đúc quá mức và những chuyến đi kinh hoàng đến lò mổ.
Theo website của Tổ chức Những người đối xử có đạo đức với động vật (PETA) của Vương Quốc Anh, hơn 1 tỷ động vật bị giết trên toàn thế giới để buôn bán da mỗi năm, từ bò và bê đến ngựa, cừu, dê và lợn – thậm chí cả chó và mèo. Không có cách nào dễ dàng để biết chắc sản phẩm bạn đang dùng là loại da nào.
Riêng ở Trung Quốc, ngoài bò, cừu và các động vật khác bị giết, thì ước tính có khoảng 2 triệu con chó và mèo cũng bị giết ở đó mỗi năm để lấy da. Điều tra viên của PETA Châu Á đã ghi nhận rằng da chó đã được biến thành găng tay công sở của phụ nữ, găng tay lao động của nam giới, giày dép, thắt lưng, viền cổ áo khoác và các sản phẩm khác được xuất khẩu trên toàn thế giới. Sẽ không có công ty nào quảng cáo rằng găng tay hoặc thắt lưng của họ được làm từ da chó.
Theo thống kê của Bộ Công nghiệp Chế biến Thực phẩm và Hội đồng Xuất khẩu Da, thì giá trị xuất khẩu da của Ấn Độ, một trong những nhà sản xuất da lớn nhất thế giới, lớn gấp 10 lần giá trị xuất khẩu thịt của nước này. Vì vậy, rõ ràng là bò và các gia súc khác đang phải chịu nỗi thống khổ và bị tàn sát dã man chỉ để phục vụ cho ngành công nghiệp da.
Có thể bạn chưa biết, cách đối xử với bò của Ấn Độ được coi là tàn ác nhất thế giới. Vì việc giết gia súc non hay khỏe mạnh ở Ấn Độ là bất hợp pháp nên chúng thường bị cố tình làm tàn tật, chân bị làm gãy, hoặc bị đầu độc để được hợp pháp giết mổ. Có vô vàn những con bê khỏe mạnh cũng như những con bò đã bị giết một cách dã man.
Ngoài bò, thì ngựa, cừu, cừu non, dê, cá sấu, lợn v.v cũng bị giết để lấy da. Nhiều loài động vật trong số này phải chịu đựng nỗi kinh hoàng của tình trạng đông đúc nghiêm trọng, cắt đuôi và cạo sừng. Các loài khác bao gồm ngựa vằn, bò rừng bizon, lợn lòi, nai, kangaroo, voi, lươn, cá mập, cá heo, hải cẩu, hải mã, ếch, cá sấu, thằn lằn cũng bị giết hại đặc biệt để lấy da.
Các con cá sấu còn được nuôi tại các nhà máy, họ có thể nuôi tới 600 con trong một tòa nhà nhỏ bốc mùi thịt ôi thiu, chất thải của cá sấu và nước tù đọng. Mặc dù cá sấu trong tự nhiên đôi khi sống đến 60 tuổi, nhưng tại các trang trại, chúng thường bị giết thịt trước 4 tuổi. Những con cá sấu đáng thương này thường bị đánh bằng búa và chúng sẽ chịu đau đớn đến vài giờ trước khi chết.
Do đó, thay vì sử dụng hàng da thật cao cấp, bạn cũng có thể lựa chọn những sản phẩm cao cấp tương tự khác. Chỉ với một hành động nhỏ của bạn hôm nay cũng có thể cứu sống một con vật đáng thương nào đó trên thế giới!
Trúc Nhi
Củ cải được ví là “nhân sâm mùa đông”, 3 mẹo chọn mua củ cải trắng Củ cải được mệnh danh là “nhân sâm mùa đông” bởi chúng sở hữu những thành phần dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể.