Không sản xuất, chỉ phụ thuộc vào nhập khẩu, một quốc gia sắp trở thành 'Sri Lanka thứ 2'?

Chia sẻ Facebook
19/04/2022 14:21:02

Hoạt động nhập khẩu đang được siết chặt để cứu trữ lượng ngoại hối đang ở mức thấp kỷ lục.


Theo Reuters, Nepal đang thắt chặt hoạt động nhập khẩu ô tô, vàng và mỹ phẩm do dự trữ ngoại hối đang ở mức thấp kỷ lục. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do đà phục hồi yếu kém của du lịch Nepal sau thời kỳ bùng phát dịch bệnh.


Tình cảnh tựa đất nước vỡ nợ Sri Lanka


Cụ thể, tổng dự trữ ngoại hối của quốc gia Himalaya này chỉ còn 9,75 tỷ USD vào giữa tháng 2, tức lao dốc 17% so với giữa tháng 7 năm ngoái và trữ lượng hiện tại chỉ đủ để hỗ trợ nhập khẩu trong vòng 6 tháng tới.


“Ngân hàng Rastra của Nepal biết dự trữ ngoại hối của đất nước đang chịu áp lực lớn. Họ biết mình phải làm gì đó để hạn chế nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu sao cho nguồn cung không bị ảnh hưởng”, phát ngôn viên NRB Narayan Prasad Pokharel chia sẻ với tờ Reuters.


Hồi tháng 10 năm ngoái, chính phủ Nepal cũng tạm thời phải cấm nhập khẩu trầu cau, đậu, hạt tiêu và chà là khô để bảo vệ dự trữ ngoại tệ. Trong thông báo ngày 3/10/2021, Ngân hàng trung ương Nepal xác nhận lệnh cấm trên do Bộ Cung ứng thương mại và Bảo vệ người tiêu dùng ban hành, đồng thời tuyên bố quốc gia Nam Á này sẽ không cung cấp các phương tiện thu đổi ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng nói trên.

Nepal


“Chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các điểm hải quan biên giới về các thỏa thuận nhập khẩu mới’’, ông Narayan Prasad nói.


Liệu Nepal có phải một 'Sri Lanka' thứ hai?


Theo Reuters, khủng hoảng tài chính tại Nepal diễn ra vào đúng thời điểm Sri Lanka đang trải qua cơn bĩ cực kinh tế và buộc phải thông báo vỡ nợ do không thể thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD. Sri Lanka nhấn mạnh đây là bước đi cuối cùng trong bối cảnh giới chức không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Thông báo cũng nêu rõ biện pháp khẩn cấp này là phương án cuối cùng để ngăn rủi ro tài chính xấu đi và đảm bảo công bằng cho mọi chủ nợ.


Chính vì vậy, những khó khăn mà kinh tế Nepal đang phải gánh chịu đã được đem lên bàn cân với Sri Lanka. Các chuyên gia lo sợ rằng Nepal cũng đi theo vết xe đổ của quốc gia Nam Á nọ và sự thiếu hụt trong trữ lượng ngoại hối có thể khiến đất nước này sụp đổ.

Dự trữ ngoại hối của Nepal đang ở mức thấp


Thực tế, Nepal chỉ dựa vào nhập khẩu để đáp ứng các nhu cầu nhiên liệu. Đà tăng phi mã của giá dầu thô khiến Tập đoàn Dầu khí Nepal, công ty độc quyền về dầu mỏ thuộc sở hữu nhà nước, buộc phải tăng giá các sản phẩm.


Cuộc sống của nhiều người dân Nepal theo đó rơi vào cảnh khốn khăn nghiêm trọng trong bối cảnh lạm phát tăng nóng 7,1% hồi giữa tháng 3, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, theo tờ DW.


“Các vấn đề hiện tại là kết quả tích lũy của việc Nepal không có khả năng đầu tư vào việc tạo ra của cải. Kể từ khi cải cách kinh tế vào đầu thập niên 1990, chính phủ đã không làm điều này, thay vào đó chỉ dựa vào dòng kiều hối dễ dàng và thuế nhập khẩu để quản lý nền kinh tế", Govind Raj Pokharel, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Quốc gia cho biết.


Dẫu vậy, Cựu đại sứ Nepal tại Sri Lanka Pyakurel vẫn lạc quan, rằng dù kinh tế bất ổn, Nepal cũng sẽ không đi theo con đường giống Sri Lanka.


"Tình hình vẫn có thể kiểm soát được nếu chúng ta nhận được kiều hối nhiều hơn một chút và đón thêm khách du lịch nước ngoài. Việc chúng ta có thể tăng xuất khẩu và sản xuất địa phương cũng sẽ giúp ích phần nào’’, ông Pyakyrel nhấn mạnh.

Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ


Được biết, tại Nepal, lượng kiều hối từ lao động nước ngoài vốn đóng góp gần ¼ cho nền kinh tế đã giảm 3% xuống còn 5,3 tỷ USD từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 3 năm nay.


Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Tài chính Janardan Sharma, nếu 100.000 công dân sống tại nước ngoài mỗi người gửi 10.000 USD vào các ngân hàng Nepal, quốc gia này sẽ có thể vượt qua những hạn chế về thanh khoản.


Mới đây nhất, Nepal cũng chấp nhận gói viện trợ trị giá 659 triệu USD từ Mỹ và khoảng 150 triệu USD vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới để dần vực dậy nền kinh tế.


Theo: DW, Reuters


Vũ Anh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook