Không quân Ukraine nói khác Tư lệnh Lục quân về máy bay chiến đấu của Mỹ
Không quân Ukraine ngày 13/1 đã có phản ứng trước thông tin Lục quân muốn Washington cung cấp cường kích A-10 – mẫu máy bay có khả năng yểm trợ mạnh mẽ cho bộ binh ở tiền tuyến.
Ông Yurii Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraine.
"Cường kích A-10 là một trong những vũ khí mà chúng tôi rất muốn được Mỹ chuyển giao. Đây không phải là mẫu máy bay mới nhưng đã chứng minh độ tin cậy qua chiến đấu. Nó được trang nhiều loại vũ khí để tiêu diệt mục tiêu mặt đất và hỗ trợ bộ binh", Tư lệnh Lục quân Ukraine, đại tướng Oleksandr Syrskyi nói hôm 12/1.
Mỹ hiện có khoảng vài trăm cường kích A-10. Các máy bay này thuộc biên chế của lực lượng không quân Mỹ. Không quân Mỹ rất muốn loại biên cường kích A-10 nhưng chưa có giải pháp thay thế hiệu quả.
Phát biểu hôm 13/1, Yurii Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraine, khẳng định ưu tiên hàng đầu của quân đội vẫn là chiến đấu cơ F-16 chứ không phải cường kích A-10.
Theo ông Ihnat, Ukraine cần giành lại ưu thế trên bầu trời trước khi tính đến khả năng huy động cường kích, trực thăng tấn công yểm trợ bộ binh.
“Quan điểm của chúng tôi không thay đổi, Ukraine cần các máy bay chiến đấu F-16. Đây là mẫu máy bay đa năng, có thể mang theo nhiều loại vũ khí để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Các phi công của chúng tôi hiện chỉ học lái F-16”, ông Ihnat nói.
Cường kích "Thần sấm" A-10 của Mỹ
Ông Ihnat cũng lưu ý, cường kích A-10 chỉ có một vai trò duy nhất là yểm trợ bộ binh. Ngoài ra, chi phí vận hành, bảo trì cường kích A-10 cũng lớn hơn so với F-16.
“Vận hành cường kích A-10 sẽ tạo thêm gánh nặng cho không quân Ukraine. Chúng tôi không có nguồn lực và nhân lực để sử dụng loại máy bay này”, ông Ihnat nói.
Không quân Ukraine vẫn còn cường kích Su-25 cùng các trực thăng Mi-24, Mi-8 có thể yểm trợ bộ binh. “Yểm trợ trên không rất quan trọng đối với Lục quân. Nhưng vai trò này đang được cường kích Su-25 và trực thăng đảm nhận”, ông Ihnat giải thích.
Theo phát ngôn viên không quân Ukraine, cường kích A-10 không phù hợp vì Nga có mạng lưới phòng không dày đặc, cũng như luôn có khả năng bị chiến đấu cơ Su-35 của đối phương xuất kích đánh chặn. Ông Ihnat lưu ý, cả Nga và Ukraine hiện nay đều tránh thực hiện các cuộc tập kích tầm gần vì rủi ro rất lớn.
Phát ngôn viên không quân Ukraine gợi ý, Lục quân nếu muốn có thêm phương tiện yểm trợ trên không có thể cân nhắc các trực thăng tấn công như Apache và Black Hawk của Mỹ.
“Tất nhiên, đại tướng Oleksandr Syrskyi với tư cách là Tư lệnh Lục quân, muốn được yểm trợ trên không nhiều hơn. Nhưng cường kích A-10 không phải là ưu tiên của chúng tôi. Ưu tiên số 1 vẫn là chiến đấu cơ F-16”, ông Ihnat kết luận.
Nhật Minh - RT