Không phải vua của tôi, thượng nghị sĩ Úc hét với Vua Charles - BBC News Tiếng Việt

Chia sẻ Facebook
27/10/2024 08:24:43

Bà Lidia Thorpe đã làm gián đoạn buổi lễ ở thủ đô Canberra khi hét lớn trong khoảng một phút trước khi bị lực lượng an ninh áp giải ra ngoài.

'Không phải vua của tôi', thượng nghị sĩ Úc nói với Vua Charles


Nguồn hình ảnh, EPA
Chụp lại hình ảnh, Vua Charles III tới Úc lần đầu tiên kể từ khi trở thành nguyên thủ quốc gia vào tháng 9/2022

21 tháng 10 2024

Một thượng nghị sĩ độc lập của Úc đã hét lên với Vua Charles III rằng “ông không phải vua của tôi” ngay sau khi ông kết thúc bài phát biểu tại Nhà Quốc hội Úc trong ngày làm việc chính thức thứ hai ở quốc gia này.

Vua Charles vừa mới rời khỏi bục phát biểu để quay lại chỗ ngồi bên cạnh Vương hậu Camilla trên sân khấu thì bà Thorpe bắt đầu hét lớn và từ cuối hội trường tiến gần về phía sân khấu.

Sau khi bà Thorpe đưa ra những cáo buộc về tội ác diệt chủng đối với “người dân của chúng tôi”, có thể nghe thấy tiếng bà hét: “Đây không phải lãnh thổ của ông, ông không phải vua của tôi.”

Buổi lễ tiếp diễn và sau đó kết thúc mà không có lời nào đề cập đến vụ việc. Cặp đôi hoàng gia tiếp tục gặp gỡ công chúng đang đứng đợi ở bên ngoài để chào đón hai người.


Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Bà Thorpe gây gián đoạn buổi lễ và sau đó đã bị lực lượng an ninh áp giải ra ngoài

Dưới ánh nắng chói chang của Canberra, những người này đứng xếp hàng cả buổi sáng bên ngoài Nhà Quốc hội, tay vẫy những lá cờ Úc nhỏ.

Jamie Karpas, 20 tuổi, nói rằng anh không hề biết cặp đôi hoàng gia sẽ tới vào thứ Hai, và nói thêm: “Là một người từng nhìn thấy Harry và Meghan khi họ tới đây lần trước, tôi rất háo hức. Tôi nghĩ Hoàng gia là một phần của văn hóa Úc. Họ có chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi.”

Trong khi đó, CJ Adams, một học sinh người Úc từ Đại học Quốc gia Úc, nói: “Ông ấy là người đứng đầu nhà nước của Đế chế Anh, đúng không – phải [nhân dịp này] trải nghiệm hết sức có thể khi đang ở Canberra.”

Một nhóm nhỏ những người phản đối cũng đã tập trung trên bãi cỏ trước Tòa nhà Quốc hội.

Máy bay chở Vua Charles và Vương hậu Camila đã hạ cánh xuống Canberra trước đó trong ngày và hai người đã được tiếp đón bởi các chính trị gia, học sinh và cụ bà Aunty Serena Williams - đại diện của người bản địa Úc.

Úc là một quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung, nơi Vua Charles được coi là người đứng đầu nhà nước.

Bà Thorpe, một thượng nghị sĩ độc lập từ bang Victoria và là một phụ nữ người bản địa Úc, từ lâu đã vận động cho một hiệp ước giữa chính phủ Úc và những cư dân đầu tiên của lục địa này.


Nguồn hình ảnh, PA Media

Chụp lại hình ảnh, Vua và Vương hậu trồng cây ở Nhà Quốc hội Úc

Úc là thuộc địa cũ của Anh duy nhất không có hiệp ước nào như vậy. Nhiều người dân bản địa Úc và người dân quần đảo trên Eo biển Torres nhấn mạnh rằng họ chưa bao giờ nhượng bộ chủ quyền hoặc đất đai của mình cho Vương triều.

Trong nhiều thập kỷ, đã có những cuộc tranh luận ở Úc về việc có chấm dứt chế độ quân chủ và chuyển sang chế độ cộng hòa hay không.

Vào năm 1999, vấn đề này được đưa ra để công chúng thảo luận trong một cuộc trưng cầu dân ý - đây là cách duy nhất để sửa đổi hiến pháp ở Úc - nhưng nó đã bị bác bỏ một cách mạnh mẽ.

Các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ cho phong trào này đã gia tăng kể từ đó, và Thủ tướng Úc Anthony Albanese, người đã bắt tay Vua Charles III ngay trước khi bà Thorpe hét lên, là một người ủng hộ chế độ cộng hòa lâu năm.

Tuy nhiên, chính phủ của ông Albanese đã loại bỏ khả năng tổ chức một cuộc bỏ phiếu thứ hai về vấn đề này trong tương lai gần, sau khi cuộc trưng cầu dân ý vào năm ngoái về việc công nhận người bản địa Úc không thành công.

Chuyến thăm của Vua Charles - trong thời điểm ông đang điều trị ung thư - là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Úc sau khi kế vị mẹ mình là Nữ hoàng Elizabeth II.

Vì lý do sức khỏe, chuyến thăm này ngắn hơn so với những chuyến thăm hoàng gia trước đó.

Một khoảnh khắc vui vẻ hơn đã diễn ra vào buổi sáng khi Vua Charles vuốt ve một con lạc đà alpaca đang đội một chiếc vương miện nhỏ, lúc ông dừng lại để trò chuyện với công chúng sau khi thăm đài tưởng niệm chiến tranh ở Canberra.

Chia sẻ Facebook