Không phải sân chơi của tất cả

Chia sẻ Facebook
07/11/2022 14:57:41

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Việt Nam phát triển rất nhanh trong thời gian qua. Đây là một xu hướng tích cực của một thị trường vốn ngày càng hoàn thiện và phát triển. Tuy vậy, những lỏng lẻo trong việc quản lý đã khiến thị trường bị chao đảo bởi một lượng lớn trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Không phải sân chơi của tất cả

Thị trường cần được chấn chỉnh nhưng không vì thế mà kìm hãm một công cụ tài chính thiết yếu. Quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân cần được bảo vệ chặt chẽ hơn nhưng bản thân họ cũng cần nhận thức được rằng đây là một sản phẩm không dành cho tất cả mọi người.

Một công cụ tài chính thiết yếu

Huy động vốn để mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh là một nhu cầu tự nhiên của doanh nghiệp và việc huy động có thể thông qua hình thức cổ phần (equity) hay nợ (debt) hay kết hợp cả hai (hybrid). Đối với mỗi doanh nghiệp, từng hình thức đều có cái được và cái mất nên bài toán cấu trúc vốn tối ưu luôn là một bài toán khó đối với lãnh đạo doanh nghiệp.

Khi nói đến vốn vay, nhiều người hay nghĩ đến ngân hàng vì đây là một kênh truyền thống và phổ biến. Nhưng trên thị trường tài chính còn có các công cụ nợ khác, cả ngắn hạn và dài hạn. TPDN là một công cụ nợ dài hạn và chủ yếu phát hành theo đồng tiền của quốc gia nơi doanh nghiệp hoạt động. Và khác với cổ phiếu, một doanh nghiệp có thể phát hành nhiều đợt, nhiều loại trái phiếu khác nhau.

Thị trường cần được chấn chỉnh nhưng không vì thế mà kìm hãm một công cụ tài chính thiết yếu. Quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân cần được bảo vệ chặt chẽ hơn nhưng bản thân họ cũng cần nhận thức được rằng đây là một sản phẩm không dành cho tất cả mọi người.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chứng Khoán và Thị trường tài chính (SIFMA) số tháng 7-2022, tỷ lệ sử dụng công cụ tài chính nợ không phải vay từ ngân hàng trong tổng số nợ vay của các định chế phi tài chính là rất đáng kể ở một số nền kinh tế lớn trên thế giới. Tỷ lệ này ở Mỹ là 77,5%, khu vực đồng euro là 23,7%, Anh quốc là 26,8%, Nhật Bản là 21,8% và Trung Quốc là 29,6%.

TPDN có thể phát hành đại chúng hay phát hành riêng lẻ, và được xếp vào nhóm có thể đầu tư (investment-grade bond) hay không. Chẳng hạn theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thì phải từ Baa trở lên, và với S&P và Fitch là từ BBB trở lên thì TPDN mới được coi là có thể đầu tư.

Với những TPDN không được xếp hạng có thể đầu tư thì rủi ro là rất cao, đối với ngay cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bởi vì việc xác định mức độ tín nhiệm, khả năng chi trả lãi và vốn gốc của doanh nghiệp phát hành là rất phức tạp, cần nhiều nguồn lực. Đó là chưa kể trong hợp đồng mua bán trái phiếu, các thuật ngữ, các điều khoản đòi hỏi bên mua phải có nhiều kiến thức và kinh nghiệm.

Tăng tốc và giảm đột ngột

Quy mô của thị trường TPDN ở Việt Nam bắt đầu tăng nhanh từ năm 2017, đến cuối năm 2021 theo số liệu của Bộ Tài chính thì gần gấp 3 lần tính theo tỷ lệ GDP: từ khoảng 6% tăng lên gần 18%.

Tuy nhiên tốc độ tăng của năm 2021 đã chậm đi đáng kể so với các năm trước. Xét về số tuyệt đối, năm 2017 phát hành 113.209 tỉ đồng thì đến năm 2020 là 462.575 tỉ đồng và năm 2021 là 659.323 tỉ đồng.

Lượng TPDN phát hành riêng lẻ vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo khi chiếm 96% tổng giá trị phát hành trong chín tháng đầu năm 2022 với giá trị là 233.692 tỉ đồng. Và phân theo nhóm ngành thì ngân hàng và bất động sản là hai ngành chiếm đa số, với lần lượt là 55,24% và 20,36%.

Sau vụ việc trái phiếu Tân Hoàng Minh, thị trường TPDN như diều đứt dây. Trong chín tháng đầu năm 2022, có 411 đợt phát hành với tổng giá trị phát hành là 244.191 tỉ đồng, giảm 67,78% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 9, tổng giá trị phát hành chỉ có 16.100 tỉ đồng, giảm 18% so với tháng trước và 76% so với cùng kỳ năm trước.

Có một điểm cần lưu ý là kỳ hạn của TPDN phần lớn là ngắn, có thời gian đáo hạn từ 1-3 năm nên áp lực trả lãi gốc của các doanh nghiệp cũng rất đáng quan ngại. Theo ước tính của một công ty chứng khoán, lượng TPDN sẽ đáo hạn trong quí 4-2022 sẽ vào khoảng 85.000 tỉ đồng.

Lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỉ đồng, chiếm gần 50% lượng TPDN đang lưu hành. Trong bối cảnh thị trường bị giảm tốc đột ngột, các doanh nghiệp có lượng trái phiếu đang lưu hành lớn đang bị một sức ép rất nguy hiểm.

Việc cơ quan quản lý nhà nước có những chấn chỉnh lại thị trường TPDN là rất cần thiết nhưng cũng dấy lên một quan ngại là chặn đột ngột kênh dẫn vốn từ trái phiếu, khiến cho những doanh nghiệp có nhu cầu và khả năng phát hành thực sự bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó là những nhà đầu tư có nhu cầu cũng bị hạn chế sự lựa chọn của mình trên thị trường.

Nhưng thị trường TPDN không phải là sân chơi của tất cả các nhà đầu tư, và nhất là các nhà đầu tư cá nhân. Sự phức tạp của hợp đồng và bất cân xứng thông tin sẽ đặt nhà đầu tư cá nhân vào bên gánh chịu nhiều rủi ro hơn.

Chính vì vậy mà ở nhiều nền kinh tế khác, TPDN chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp như các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư, các công ty đầu tư tài chính. Có điều, muốn thu hút các nhà đầu tư như thế này thì kỳ hạn trái phiếu phải dài hơn, và các trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức uy tín. Còn nếu cá nhân có đầu tư vào TPDN thì chỉ nên đầu tư qua chứng chỉ quỹ hay ETF mà thôi.

PGS.TS. Võ Đình Trí


TBKTSG

Chia sẻ Facebook