Không phải mức tăng lãi suất, đây mới là điều các nhà đầu tư ngóng đợi nhất trong cuộc họp của FED
Thị trường gần như chẳng còn nhiều tranh cãi về việc FED sẽ tăng lãi suất 75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách đang diễn ra. Tuy nhiên, dự báo của FED về tương lai mới là điều khiến tất cả mọi người đều chú ý.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày kể từ 20/9. Các nhà kinh tế đều đồng thuận rằng FED sẽ tuyên bố tăng lãi suất ở mức 0,75% lần thứ 3 liên tiếp sau cuộc họp này.
“Chúng ta đang thực sự đi trên con đường mà đã không có ai đi kể từ đầu những năm 1980”, một nhà kinh tế cho biết về các động thái tăng lãi suất gần đây của FED.
Dẫu vậy, việc FED tăng lãi suất bao nhiêu trong kỳ họp này không phải vấn đề mà thị trường quan tâm. Điều họ đổ dồn mọi sự chú ý chính là FED sẽ làm gì trong tương lai.
Sự chú ý của nhà đầu tư với FED lên “tầm cao mới”
Trong quá khứ, những dự báo của FED về thị trường luôn rất quan trọng và được các nhà đầu tư chú ý. Tuy nhiên, trong lần này, dự báo này còn quan trọng hơn nữa khi các nhà đầu tư đang phải cố đoán xem FED sẽ tăng lãi suất đến mức nào cũng như nhà chức trách Mỹ đánh giá hành động của họ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế ra sao.
Theo kế hoạch, Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ phát biểu lúc 14h30 ngày 21/9 (giờ địa phương tức rạng sáng ngày 22/9 theo giờ Việt Nam). Người ta dự báo ông Powell có khả năng khẳng định rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ làm những gì cần thiết để chống lại lạm phát và không có khả năng sớm đảo ngược đà tăng lãi suất hiện tại.
Rick Rieder, lãnh đạo cấp cao của BlackRock, cho biết: “Tôi nghĩ ông Powell phải luôn duy trì khẩu hiệu ‘Lạm phát phải đi xuống’. Tôi nghĩ ông ấy sẽ nói về những khó khăn”.
Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất của FED đã ở mức cao mà việc tăng lãi suất sẽ cần phải hạn chế hơn bởi nó có thể gây ra tác động nghiêm trọng với nền kinh tế.
“Điều đáng quan tâm không phải những gì FED làm mà là những điều FED nói. Đây chính là lộ trình thắt chặt lãi suất thực tế đầu tiên của chúng ta”, Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG, cho biết.
FED đã nâng lãi suất trong 7 tháng nay và bây giờ, mức lãi suất mục tiêu của FED đã vượt qua mức lãi suất được coi là trung lập khi lạm phát ở mức thấp. FED coi lãi suất 2,5% là trung lập và mới mức tăng 0,75% của đợt này, lãi suất của FED sẽ nằm trong khoảng từ 3-3,25%.
“Điều này đồng nghĩa với việc chính sách tiền tệ của Mỹ đã bước vào vùng hạn chế. Nước Mỹ thực sự không thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát kể từ đầu những năm 1980 đến nay. Mục tiêu của họ là giảm tốc kéo dài để làm giảm lạm phát từ từ và tăng dần tỷ lệ thất nghiệp. Liệu họ có đạt được mục tiêu đó hay không lại là vấn đề khác”, Swonk nói.
FED có thể hành động ra sao?
Sau khi dữ liệu CPI tháng 8 bất ngờ vẫn tăng dù giá xăng, dầu giảm, người ta ngày càng tin rằng FED sẽ tiếp tục thắt chặt lãi suất. Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, cho biết: “Số liệu CPI tăng hồi tuần trước đã gây nhiều ảnh hưởng tới việc tái định giá thị trường. Cổ phiếu đã bị bán tháo và lợi suất trái phiếu tăng cao hơn”.
Hồi tháng 6, FED tin rằng mức lãi cao nhất có thể là 3,8% vào năm 2023. Tuy nhiên, các nhà kinh tế hiện cho rằng FED có thể nâng dự báo lãi suất cuối kỳ lên trên 4%. Thậm chí, Citigroup còn nêu ra kịch bản mà lãi suất có thể tăng lên hơn 5% khi FED cần quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lạm phát của mình.
Trong một báo cáo, các nhà kinh tế của Goldman Sachs tin rằng lãi suất của FED sẽ ở mức 4 tới 4,25% vào cuối năm và có thể tăng lên 4,25 tới 4,5% trong năm 2023. Họ cũng tin rằng quá trình tăng lãi suất của FED sẽ kết thúc bằng đợt giảm lãi suất năm 2024 và 2 lần khác trong năm 2025.
Swonk hy vọng những nỗi đau đó có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 5% vào cuối năm tới. Vào tháng 6, FED dự báo tỷ lệ thất nghiệp là 3,7% trong năm nay, bằng với mức của tháng 8. Họ cũng dự kiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 3,9% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.
“Tôi nghĩ rằng họ sẽ xem nhẹ tỷ lệ thất nghiệp. Tôi hiểu họ cần phải thực sự tăng tỷ lệ thất nghiệp để có thể đạt được tiến bộ với lạm phát”, Jim Caron, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô của Morgan Stanley Investment Management, cho biết.
Cũng theo Caron, việc gia tăng rủi ro suy thoái có thểm làm giảm rủi ro lạm phát bởi tất cả đều nhằm giảm nhu cầu trong nền kinh tế. Tuy nhiên, cái giá phải trả là tăng trưởng chậm hơn trong tương lai.
Có một số nhà đầu tư đặt cược FED sẽ tăng lãi suất 1% nhưng hầu hết các nhà kinh tế đều nghiêng về phía 75 điểm cơ bản. Dẫu vậy, những điều FED tuyên bố sẽ làm trong thời gian tới mới có tác động đến tâm lý các nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng tới diễn biến thị trường.
Gần đây, ông Powell đã có giọng điệu diều hâu hơn. Trong Hội nghị chuyên đề Jackson Hole hàng năm của Fed vào cuối tháng 8, lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Mỹ cảnh báo nền kinh tế có thể chịu ảnh hưởng bởi sự thắt chặt chính sách tiền tệ của FED. Ông cũng nhấn mạnh cơ quan này sử dụng dữ liệu kinh tế để định hướng chính sách và cũng muốn nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ giữ mức lãi suất cao cho đến khi lạm phát giảm bớt.
Michael Gapen, người phụ trách mảng Kinh tế Mỹ của Bank of America, cho biết: “Tôi nghĩ thông điệp sau cuộc họp này sẽ giống với ở Jackson Hole”.
Tham khảo: CNBC