Không phải luộc, rau muống chế biến theo cách này mới là “ngon số 1”

Chia sẻ Facebook
16/03/2023 02:13:49

Không chỉ xanh non, giòn sần sật, rau muống có vị chua-cay-mặn-ngọt mới tạo nên cảm giác thanh mát, hấp dẫn người ăn.  


Có thể nói, nộm rau muống là món gỏi trộn quen thuộc, dân dã và thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn gia đình Việt. Với các nguyên liệu phong phú dễ tìm cộng thêm đó là vị giòn ngon khó cưỡng sau khi thưởng thức.


Các bước làm món nộm rau muống


Bước 1 : Rau muống nhặt phần lá ở cuống, để lại ít lá non, cắt khúc hoặc để nguyên tùy chọn.


Bước 2: Lạc rang thơm, xát vỏ, giã dập. Tỏi một phần chiên vàng để rắc thành phẩm, một phần để làm nước trộn. Pha nước trộn nộm gồm 2 thìa canh nước mắm (30-40 độ đạm), 1 thìa canh đường, 1 thìa canh nước lọc, 1 thìa canh nước cốt chanh cùng tỏi, ớt băm nhỏ, khuấy đều cho tan. Hoặc bạn điều chỉnh vị chua - cay - mặn - ngọt theo khẩu vị cá nhân. Các loại rau thơm rửa sạch, vẩy ráo, thái rối.


Bước 3: Đun nước sôi bùng lên, thêm chút muối hạt và cho rau muống vào luộc chín tới trên lửa lớn. Nhanh tay vớt rau ra hãm nhiệt bằng nước đá để giúp rau xanh và giòn. Sau đó, vớt ra rổ, ép cho ráo nước.


Bước 4: Cho rau muống vào âu/tô lớn, thêm nước sốt nộm đã pha, đeo găng tay trộn đều cho ngấm. Sau 8-10 phút thì chắt bớt nước, thêm rau thơm trộn đều. Lấy nộm ra đĩa, rắc lạc rang giã dập, tỏi phi (tùy chọn), trang trí thêm ớt và thưởng thức.

Không phải luộc, rau muống nộm mới là món ăn thanh mát, đưa cơm ngày hè (Ảnh minh họa)


Bí quyết chọn rau muống ngon, giòn

Không nên mua những bó rau có cọng to hơn bình thường. Những mớ rau ngọn nhỏ, nhìn hơi cứng khi ăn sẽ giòn, ngon và an toàn hơn. Khi ngắt cuống rau thấy có vết nhựa loãng là rau vẫn còn tươi.

Không nên chọn những loại rau khi bẻ thấy quá giòn, lá màu xanh sẫm, nhìn từ xa trên mặt của lá rất bóng và mướt. Rau như vậy có thể đã được bón nhiều đạm hoặc phân bón lá. Khi luộc, nước rau sẽ có màu xanh nhạt nhưng để nguội chuyển thành màu xanh đen và có kết tủa đen.

Không nên mua những bó rau có cọng to hơn bình thường (Ảnh: MXH)

Trước khi nấu, nên rửa rau nhiều lần bằng nước sạch để loại bỏ các hoá chất còn sót lại trên rau. Trong quá trình rửa rau nếu thấy nổi bong bóng quá nhiều, rửa mãi không hết thì đó là rau có nguy cơ bị nhiễm hóa chất. Tốt nhất, bạn không nên sử dụng loại rau như vậy.

Sau khi chế biến, rau có vị chát, không ngọt, mùi hơi hắc thì bạn cũng không nên sử dụng. Rau muống sạch thường sẽ có vị ngọt mát, dễ ăn.

Rau bị nhiễm chì thường để lâu không bị héo còn rau muống sạch chỉ để thời gian ngắn, kể cả để trong tủ lạnh cũng bị xuống nước, héo lá.


Thêm một vài gợi ý

Chỉ luộc rau muống vừa chín tới, vì nếu luộc lâu quá rau bị nhũn, mất đi độ giòn của nộm. Cho thêm tép đồng rang, vài lát khế chua, hành phi làm cho món nộm trở nên hấp dẫn.

Tùy theo khẩu vị, một số vùng thay nước mắm bằng mắm tôm trong nước trộn nộm, giúp dậy mùi thơm mộc của hương đồng gió nội.


Tiểu Phi (T/h theo Vnexpress , Khỏe& Đẹp)

Chia sẻ Facebook