Không phải chuyện chia sẻ tài khoản mà do nội dung ngày càng nhiều nhưng lại dở mới là thứ khiến Netflix khốn đốn như hiện nay
Đặt số lượng lên trên chất lượng, Netflix đang phải chịu hậu quả do chính chiến lược lâu năm của mình gây ra.
3 tháng đầu năm năm 2022 thực sự là 1 thảm họa đối với Netflix, khi họ mất đi hơn 200.000 thuê bao trả phí, qua đó khiến cho giá cổ phiếu trượt dốc thảm hại. Nhiều người cho rằng kế hoạch tăng giá dịch vụ, thu thêm phụ phí những người dùng ké tài khoản của người khác là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Netflix vốn đã gặp bất ổn từ vài năm trước, khi họ quyết định đặt số lượng lên trên chất lượng và sản xuất tràn lan đủ thể loại nội dung trên nền tảng của mình.
Netflix được điều hành bởi những người thông minh, những con người đã từng nhiều năm lăn lộn trên thương trường với kinh nghiệm dày dạn và vốn sống phong phú. Họ thừa hiểu rằng những bộ phim của các studio khác phát sóng trên nền tảng của họ chỉ là tạm thời. Và tất cả sẽ biến mất sau khi giấy phép hết hạn, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều dịch vụ streaming ra đời.
Thế nhưng, Netflix nắm trong tay 1 lợi thế rất lớn, lợi thế mà chỉ những người tiên phong trong 1 lĩnh vực nào đó mới có được: Đó chính là thời gian. Họ có đủ thời gian để nghiên cứu, để thử nghiệm, để xây dựng tên tuổi bằng những sản phẩm “của nhà trồng được”, trong khi cả Hollywood vẫn đang loay hoay tìm hiểu khái niệm streaming.
Đó là lý do vì sao kể từ năm 2013, với những tác phẩm đầu tiên như Orange is the New Black hay House of Cards, Netflix bắt đầu đẩy mạnh quá trình sản xuất hàng loạt phim gốc của riêng mình. Bằng cách này, khi những “gã khổng lồ” khác như Paramount, Comcast, hay Warner Bros. rút lại các bộ phim của họ, Netflix vẫn có đầy đủ những gì cần thiết để tiếp tục cạnh tranh trong thị trường điện ảnh và truyền hình.
Thời gian cho thấy, họ đã đúng. Nhưng cũng chính thời gian lại chỉ ra, họ đã sai.
Tina Mulqueen, CEO tại Kindred PR & Founder of Et al. Media, cho biết: “Tôi cho rằng việc mượn các tác phẩm nổi tiếng sẽ không còn là phương án tốt trong bối cảnh thị trường streaming đang có độ cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt giữa các studio chính là chất lượng và tính hợp thời của các nội dung gốc”.
Nền tảng của Netflix là công nghệ, chứ không phải sáng tạo nội dung. Thay vì tiếp cận vấn đề 1 cách có chiến lược như HBO hay NBC (Peacock), triết lý của Netflix đơn giản chỉ là thuê/mua càng nhiều nội dung càng tốt, thuộc càng nhiều thể loại càng hay. Hay nói 1 cách đơn giản hơn, họ coi trọng số lượng hơn chất lượng.
Chiến lược này bắt đầu gây ra tác dụng ngược khi họ thử nghiệm với những thể loại “ngon ăn” như chương trình thực tế, phim tài liệu, hay những tác phẩm không kịch bản càng rẻ tiền càng tốt. Phương án này giúp Netflix luôn đảm bảo kho phim của mình đa dạng để khán giả có thể tha hồ lựa chọn. Nhưng, giữa 1 rừng nội dung như vậy, có bao nhiêu bộ phim của Netflix là thực sự đáng xem?
Netflix đang sản xuất quá nhiều nội dung
Vài năm trước, chương trình hài “Saturday Night Live” đã chế nhạo phong cách làm việc kiểu “ăn xổi” của Netflix bằng 1 tình huống kịch đầy châm biếm: Mikey Day, trong vai 1 giám đốc của Netflix, sẵn sàng vung tiền ra cho bất cứ ý tưởng nào mà mình nhận được, kể cả có xàm xí hay chưa hoàn thiện thế nào đi chăng nữa.
Hiện tại, Mikey đang là người dẫn chương trình “Is It Cake” trên Netflix - 1 show mà khách mời sẽ phải đoán xem các đồ vật xung quanh có phải bánh hay không. Đây có thể coi là 1 trong những ý tưởng kỳ lạ nhất mà họ từng triển khai, và cũng chẳng ai hiểu vì sao nó lại có thể tồn tại trên 1 nền tảng lớn như Netflix. Ấy vậy mà vẫn có người hứng thú với ý tưởng đó, trong đó bao gồm ít nhất là 1 (hoặc nhiều) giám đốc của Netflix.
Và hệ quả là gì? Những bộ phim thực sự tốt của Netflix đang bị chính những nội dung tạp nham này lấn lướt, khiến khán giả ngày càng khó tìm ra những tác phẩm chất lượng để thưởng thức. Chúng ta sẽ không bàn đến những hit toàn cầu như Stranger Things hay The Witcher. Nhưng rất nhiều cái tên được đánh giá cao như series hoạt hình Bojack Horseman, hay mùa mới nhất của Russian Doll, đang không nhận được sự chú ý xứng đáng với chất lượng của mình. Biển nội dung quá phong phú đến mức thừa mứa của Netflix đang nhấn chìm những tác phẩm như vậy.
Jason Cieslak, Chủ tịch của công ty Siegel+Gale, cho biết: “Ban đầu, Netflix đã tiếp cận khái niệm streaming 1 cách rất hợp lý và tiện lợi. Họ tập trung vào cách thức sử dụng đơn giản và tính cá nhân hóa cho mỗi khách hàng. Đó thực sự là 1 cuộc cách mạng vĩ đại của 1 công ty có xuất thân là nhà phân phối DVD thông qua U.S.Mail”.
“Nhưng dần dần, Netflix đã bỏ quên việc nâng cao chất lượng sản xuất, xây dựng các franchise lớn, xây dựng thương hiệu của mình, điều mà các “ông lớn” Hollywood vẫn luôn làm trong nhiều năm qua”.
“Theo thời gian, 3 yếu tố này bắt đầu phơi bày những vấn đề của Netflix và khiến họ trở nên dễ bị tổn thương hơn. Đúng là họ đã giải quyết nhanh chóng những yếu tố đó, nhưng ngành công nghiệp streaming đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây, chúng ta có Disney+, HBO Max, Apple TV hay Amazon, đều là những cái tên đáng gờm. Câu chuyện không còn là Netflix và phần còn lại nữa mất rồi”.
Netflix cần phải làm gì tiếp theo?
Disney+ đang nắm trong tay rất nhiều lợi thế khi sở hữu nhiều franchise ăn khách nhất thế giới hiện nay, nhưng họ cũng rất biết cách kiên nhẫn với các tác phẩm của mình. Đó là lý do vì sao họ ra mắt “nhỏ giọt” các tập phim mới theo từng tuần, giúp cho ngay cả 1 hit tầm trung như The Book of Boba Fett cũng không bị lu mờ giữa 1 rừng nội dung rộng lớn. Apple cũng áp dụng chiến thuật tương tự.
Netflix thì ngược lại. Họ sản xuất tràn lan, và luôn đăng tải cùng lúc tất cả các tập trong 1 mùa phim mới. Phương án này cũng tốt thôi, nhưng sau đó thì thế nào? Họ lạnh lùng hủy bỏ hàng loạt dự án ăn khách như Altered Carbon, American Vandal hay bản làm lại của One Day at a Time - đều là những cái tên mà họ đã hết lòng đầu tư, hết lòng hỗ trợ trong những ngày đầu.
Điều này khiến người dùng dần dần hình thành tâm lý nghi ngờ trước mỗi dự án mới của Netflix, bởi vì dường như cứ khi nào series đến đoạn cao trào là họ sẽ hủy bỏ ngay lập tức. Tina Mulqueen cho biết: “Ban đầu, tôi phải công nhận Netflix đã rất giỏi khi nắm bắt cơ hội với những nội dung mà các đối thủ khác vẫn đang dè chừng chưa dám khai thác. Điều đó đã dẫn đến những thành công như Stranger Things - tác phẩm vốn đã bị rất nhiều nền tảng khác từ chối”.
“Tuy nhiên, việc bật đèn xanh cho quá nhiều dự án khiến họ gặp rắc rối về chất lượng, và cả thực trạng liên tục hủy bỏ dự án cũng đang ảnh hưởng xấu đến Netflix. Họ đang đẩy mạnh các chương trình thực tế, không kịch bản, nhưng điều này hoàn toàn có thể cản trở chiến lược nội dung tổng thể của họ, đặc biệt là trong 1 môi trường cạnh tranh cao như hiện nay”.
“Netflix cần phải cân bằng giữa việc thu hút khán giả và chất lượng nội dung của mình. Khi mà giai đoạn giãn cách đã đi qua, những dự án không kịch bản khó lòng có thể tiếp tục trở thành hiện tượng của nền văn hóa đại chúng. Mài giũa lại chiến lược về nội dung và không ngừng đổi mới mới là yếu tố quan trọng giúp Netflix có thể duy trì khả năng cạnh tranh của mình”.
(Theo Pháp luật và Bạn đọc, TheStreet)