Không như phương Tây kỳ vọng, Nga đang trên đà lấy lại phong độ

Chia sẻ Facebook
18/11/2023 04:24:43

Giới hạn của các biện pháp trừng phạt được Mỹ và châu Âu thiết kế, nhằm làm suy sụp một nửa nền kinh tế Nga và biến đồng Rúp thành “đống đổ nát”, đã bộc lộ rõ.


Kể từ khi Điện Kremlin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Mỹ và châu Âu đã áp đặt vô số các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ lên nền kinh tế Nga .


Đã 21 tháng kể từ đó, và các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga, từ ngân hàng đến sản xuất ô tô và hàng không, chẳng những đã thích ứng với “thực tế mới”, mà trong một số trường hợp còn phục hồi hoàn toàn và “ăn nên làm ra”.


Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong quý III/2023 đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt kỳ vọng của thị trường về mức tăng 4,8%, và vượt trội so với mức tăng trưởng 4,9% trong quý II/2023, theo ước tính sơ bộ của hãng tư vấn Trading Economics dựa trên dữ liệu do Cơ quan Thống kê Liên bang Nga công bố cuối ngày 15/11.


Đây là tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất của Nga kể từ quý II/2021, được hỗ trợ bởi mức giá tiêu chuẩn cao hơn đối với các mặt hàng quan trọng của Nga và sự phục hồi chuỗi cung ứng theo sau việc phương Tây loại Nga khỏi các thị trường tài chính quan trọng và một năm tăng trưởng thấp vì các lệnh trừng phạt quốc tế, công ty tư vấn có trụ sở tại New York cho biết.


Hãng tin Bloomberg thì nhận định, 5,5% là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Nga trong hơn một thập kỷ qua, ngoại trừ mức tăng đột biến khi nước này kết thúc các đợt phong tỏa vì Covid-19. Và mức này đã vượt quá mong đợi của tất cả các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát.


Sự phục hồi này là minh họa sống động cho giới hạn của các biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng được thiết kế nhằm làm suy sụp một nửa nền kinh tế Nga và biến đồng Rúp thành “đống đổ nát” (turn the ruble into “rubble”) như một hình phạt vì Moscow đưa quân vào Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ 3 ở Bắc Kinh, ngày 17/10/2023. Ảnh: Sputnik


Như một phản ứng tất yếu đối với các vòng trừng phạt liên tiếp của Liên minh châu Âu (EU) và sự lao dốc của liên kết thương mại giữa Moscow và khối 27 quốc gia này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “hướng Đông” bằng cách tăng cường quan hệ với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.


Đồng Rúp (RUB) chạm mức thấp kỷ lục ngay sau khi chiến sự ở Ukraine bắt đầu, nhưng đã nhanh chóng phục hồi. Tháng trước, Chính phủ Nga đã tái áp đặt một số biện pháp kiểm soát tiền tệ sau khi đồng Rúp lại trượt giá xuống mức 100 RUB đổi 1 USD, tạo ra một bước chuyển biến khiến đồng tiền này trở thành đồng tiền quốc gia hoạt động tốt nhất trong số các đồng nội tệ của các thị trường mới nổi trong tháng qua.


Có điều chắc chắn rằng, theo Bloomberg, mặc dù cho đến nay quốc gia ở phía Bắc lục địa Á-Âu đã thoát khỏi tình trạng sụp đổ kinh tế, nhưng Chính phủ Nga đang cạn kiệt nguồn lực để duy trì chi tiêu nhà nước, trong khi làn sóng “di cư” của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa ngừng lại và các doanh nghiệp trong nước ngày càng khó theo kịp sự thay đổi công nghệ trong bối cảnh bị cô lập quốc tế.


Ví dụ rõ ràng nhất


Lĩnh vực ngân hàng là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về cách nền kinh tế Nga vượt “bão” trừng phạt.


Ngân hàng thương mại lớn nhất của Nga, Sberbank PJSC thuộc sở hữu nhà nước, cùng với tất cả các ngân hàng lớn trên thị trường nước này đã bị Mỹ và EU đưa vào “danh sách đen” và loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT – đang trên đà thu được lợi nhuận kỷ lục bằng đồng Rúp trong năm nay.


“Rất có thể, năm nay thực sự sẽ là năm thành công nhất trong lịch sử đối với chúng tôi”, CEO Sberbank Herman Gref, người bị Mỹ, EU và Anh trừng phạt, cho biết.

Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên các tổ chức và cá nhân của Nga, bao gồm ngân hàng thương mại lớn nhất nước này là Sberbank, vì chiến dịch quân sự của Điện Kremlin ở Ukraine. Ảnh: NY Times


Sberbank không phải là trường hợp ngoại lệ. Tổng lợi nhuận của ngành ngân hàng Nga trong 9 tháng đầu năm 2023 đã vượt mức kỷ lục hàng năm được thiết lập trước đó vào năm 2021 – tức là trước thời điểm chiến sự bùng nổ.


Sau khi “chạm đáy” trong năm đầu tiên của cuộc chiến, lợi nhuận của ngành ngân hàng Nga có thể đạt hơn 3.000 tỷ Rúp  (33 tỷ USD) vào năm 2023, ông Valery Piven, Giám đốc Điều hành ACRA, cơ quan xếp hạng tín dụng được ủy quyền lớn nhất của Nga, cho biết.


Con số này cao gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) trong năm nay, do sự bùng nổ tín dụng và đồng Rúp yếu. Cơ quan quản lý cho biết hôm 15/11 rằng họ sẽ không gia hạn một loạt các biện pháp hỗ trợ cho các ngân hàng sau cuối năm nay vì ngành này đã đủ ổn định và có lãi.


Năm tới cũng được dự đoán sẽ “khá thành công” đối với ngành ngân hàng của Nga, ACRA cho biết.


Thách thức vẫn ở phía trước


Sau 2 quý tăng trưởng liên tiếp, nền kinh tế Nga gần như đã “lấy lại phong độ” và trở lại mức trước xung đột, hoàn toàn đảo ngược được các đòn trừng phạt.


Kích thích tài chính – vốn giúp thúc đẩy sự đảo ngược này – sẽ tiếp tục được thực hiện, một phần nhờ khả năng của Nga trong việc chuyển hướng nguồn cung dầu sang các nước khác và bán dầu thô ở mức giá trên mức trần 60 USD/thùng do G7 và EU áp đặt.


Doanh số bán năng lượng đã bảo toàn một nguồn doanh thu quan trọng cho Chính phủ Nga, khiến ngân sách ở trạng thái tốt hơn dự báo của các quan chức bất chấp chi phí ngày càng tăng cao cho chiến dịch ở Ukraine.


Chi tiêu của chính phủ sẽ tiếp tục kích thích nền kinh tế, theo một tài liệu của Bộ Tài chính Nga về các chính sách ngân sách chính cho giai đoạn 2024-2026. Và điều này “không chỉ giúp ổn định tình hình mà còn giúp thích ứng thành công và nhanh chóng với các điều kiện mới”.


Theo ông Alex Iskov, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics, nền kinh tế Nga có thể đạt mức trước xung đột vào đầu quý IV/2023, đánh bại những dự đoán ban đầu.

Tàu chở dầu NS Power neo đậu tại cảng xăng dầu ở Vladivostok, Nga, tháng 12/2022. Ảnh: The Guardian


Động lực của sự phục hồi này là giá năng lượng cao, mang lại cho Moscow một nguồn doanh thu ổn định từ dầu khí, xung lực tài chính quy mô thời Covid-19 mà Chính phủ Nga thực hiện thông qua việc tăng chi tiêu quân sự và các điều kiện tín dụng nới lỏng dẫn đến mức tăng 20% của ngành bán lẻ và các danh mục cho vay doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước, ông Iskov cho biết.


Nhưng những thách thức vẫn còn ở phía trước. Lạm phát đã tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà CBR đặt ra do hạn chế về nguồn cung, chi tiêu công, tăng trưởng tín dụng và thị trường lao động thắt chặt trở nên trầm trọng hơn do nhân lực đổ vào quân đội và các ngành công nghiệp quốc phòng.


“Sau đỉnh là đáy”, ông Iskov nói. Với lãi suất cơ bản do CBR ấn định ở mức 15% hiện nay, “dự kiến tín dụng sẽ giảm nhanh chóng trong những quý tới, điều này từ đó sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng và có thể dẫn đến thị trường lao động yếu hơn”, vị chuyên gia của Bloomberg Economics cho biết.


Nền kinh tế Nga có thể sẽ quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng khoảng 1% GDP, đây “sẽ là một kịch bản khá tốt trong môi trường hiện tại”, ông Marcel Salikhov, Chủ tịch Viện nghiên cứu Năng lượng và Tài chính có trụ sở tại Moscow, cho biết.


Khả năng thay thế


Một yếu tố khác cho sự phục hồi gần đây của Nga, theo ông Stanislav Murashov, chuyên gia kinh tế tại Raiffeisenbank ở Moscow, có thể là nhờ khả năng Moscow tìm được nguồn nhập khẩu mới hoặc trong một số trường hợp có thể thay thế chúng hoàn toàn.


“Doanh nghiệp Nga đang cố gắng áp dụng các giải pháp rất phi tiêu chuẩn”, ông  Murashov nói. “Chúng tôi chưa thấy bất kỳ thâm hụt nghiêm trọng nào”.


Thị trường ô tô Nga là minh chứng cho điều này. Tưởng như đã “chết” sau làn sóng “di cư” ồ ạt của các thương hiệu phương Tây, doanh số bán ô tô ở Nga đã trở lại mức trước xung đột chỉ sau hơn một năm.


Trong khi khối lượng phục hồi, cấu trúc thị trường đã thay đổi hoàn toàn. Trung Quốc hiện chiếm khoảng 80% lượng ô tô nhập khẩu mới và các thương hiệu Trung Quốc đã chiếm hơn một nửa toàn bộ thị trường ô tô Nga trong vòng chưa đầy 2 năm, theo cơ quan phân tích Autostat.


Hãng Avtovaz của Nga kiểm soát một phần khác của thị trường và báo cáo sản lượng tăng 59% trong 7 tháng đầu năm nay, cũng như doanh số bán hàng tốt nhất trong một thập kỷ bất chấp những hạn chế về nguồn cung linh kiện cho nước này. Mỹ đã bổ sung Avtovaz vào danh sách trừng phạt từ hồi tháng 9.


Cái giá phải trả


Ở lĩnh vực hàng không dân dụng, sau khi bị loại khỏi nhiều đường bay quốc tế, các hãng bay của Nga chuyển sang phát triển các đường bay nội địa mới tại quốc gia có diện tích đất liền lớn nhất thế giới. Dữ liệu chính thức cho thấy họ hiện đã đạt được mục tiêu 50% tuyến đường vòng qua Moscow do Tổng thống Putin đặt ra vào năm 2018. Thành tựu này đã đến sớm hơn so với kế hoạch ban đầu đặt ra là năm 2024.


Sự gia tăng du lịch hàng không nội địa, ngay cả khi chính quyền đóng cửa các sân bay ở các thành phố du lịch ở miền nam nước Nga như một phần của cuộc chiến với Ukraine, phần lớn là nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải Nga cho biết khi phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg.


Theo Bộ này, bất chấp áp lực trừng phạt, du lịch hàng không quốc tế vẫn “phát triển mạnh mẽ”, với lưu lượng hành khách tăng gần 30% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Nga có liên kết hàng không với 37 quốc gia và 59 hãng hàng không nước ngoài cung cấp dịch vụ.


Tuy nhiên, ngành này vẫn phụ thuộc nhiều vào máy bay Boeing và Airbus và buộc phải tìm những cách khác để bảo trì và bảo dưỡng tàu bay của mình trong nước hoặc nước ngoài. Gã khổng lồ hàng không Aeroflot của Nga năm nay đã gửi chiếc máy bay phản lực đầu tiên tới Iran để bảo dưỡng.


Nhưng theo bà Olga Belenkaya, chuyên gia kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính Finam có trụ sở tại Moscow, ngay cả khi một số lĩnh vực đã thích nghi với các hạn chế, hoạt động dưới các lệnh trừng phạt vẫn khiến nền kinh tế Nga phải trả giá.


“Nga đã tìm ra cách giải quyết cho hầu hết các lệnh trừng phạt, nhưng vẫn phải chịu tổn thất do chi phí hậu cần tăng cao, khả năng tiếp cận thiết bị và công nghệ bị hạn chế cũng như chất lượng của các giải pháp công nghệ ngày càng suy giảm”, bà nói .


Minh Đức (Theo Bloomberg, Trading Economics)

Chia sẻ Facebook