Không ngủ trưa, nhân viên văn phòng Hà Nội chọn "làm cốc trà đá chém gió" thành thú vui vào giờ nghỉ, mọi "drama" hay cơn stress được xả hết từ đây?
Giữa cái nắng tận 38 độ C vào lúc 1h trưa ở các hàng trà đá vỉa hè dưới chân các tòa văn phòng, từng tốp nhân viên bắt đầu hòa vào từng câu chuyện riêng của mình bất chấp mọi chủ đề.
Nếu được hỏi hàng quán nào có mật độ nhiều nhất trên đường phố Hà Nội thì chắc chắn không phải suy nghĩ gì nhiều mà tôi sẽ điểm mặt chỉ tên nhanh chóng đó là hàng trà đá. Khắp các ngõ ngách đến những mặt đường lớn tại Hà Nội, vài cái ghế nhựa thêm một cái bàn hay đơn giản là cái thùng xốp là có thể thành quán trà đá.
Cũng chẳng ai biết rõ trà đá có từ bao giờ? Nguồn gốc bắt đầu từ đâu?... Nhưng có một điều chắc chắn rằng, thức uống lề đường này đã trở thành nét văn hóa của người Hà thành. Nếu để ý trong các chuyến thang máy, trong văn phòng, nhiều người thường gọi với nhau: "Xuống làm cốc trà đá không..." Và rồi tất nhiên làm gì có mấy ai "thoát" nổi lời mời đầy "cám dỗ" ấy?!
Trừ khi: "Bận thiệt, đi trước đi, rảnh thì xuống sau"...
BUỔI TRƯA THẢNH THƠI LÀ KHI ĐƯỢC LÀM CỐC TRÀ ĐÁ TRƯỚC CỔNG CÔNG TY
Đúng tầm trưa, dân công sở "lũ lượt" từ khắp các tòa nhà văn phòng xuống hàng quán vỉa hè dùng bữa. Cả một dọc đường lại được dịp xôn xao, náo nhiệt khi người này người kia rôm rả bàn tính "Trưa nay ăn gì". Với giờ chỉ vỏn vẹn " 1 Tiếng 30 Phút Nghỉ Trưa " nhưng trong lúc đó dân công sở tìm thú vui riêng cho mình và một trong số đó nhiều người có sở thích lân la trà đá vỉa hè. Những lúc như vậy, họ bàn công việc thì ít mà tám chuyện thì nhiều, cốt yếu là tìm thấy sự thoải mái, thư giãn một mình hoặc với đồng nghiệp thân thiết.
"Cho một ly trà đá chị ơi..."
"Uống nhiều thành quen, riết cứ ngày nào cũng phải làm cốc trà đá thì chiều mới tỉnh được. Cùng đó, xuống đây nói chuyện thoải mái, cấp trên hay cấp dưới gì thì cũng ngồi ghế nhựa, tám chuyện rồi vỗ đùi tanh tách, rồi cười phá lên"
"Cô thường mở bán từ buổi sáng tầm 9h đến tầm 3h-4h chiều là dọn về. Khách hầu hết là dân công sở nên giờ họ rảnh rang trò chuyện thì cô làm".
"TRÀ ĐÁ CHÉM GIÓ" LÀ CHÍNH NÊN MỌI "DRAMA" HAY CÁC CƠN STRESS ĐỀU ĐƯỢC "XẢ" HẾT TỪ ĐÂY!
"Chị thấy bình thường mặc váy, quần là áo lượt ngồi trà đá thì chẳng làm sao cả. Lúc này ai cũng như ai, uống trà đá ngồi tám chuyện với đồng nghiệp vừa vui vừa giảm stress",
Tuy nhiên, những câu chuyện của dân văn phòng tại đây đều có một "luật bất thành văn" rằng đã là tám chuyện thì cái gì cũng có thể nói, từ bàn về các thói quen xấu của sếp, ức chế với khách hàng hay vì công việc quá căng thẳng,... cốt là để xả hết cơn tức giận, uất ức trong công việc mà ra. Đôi lúc cũng vì "tám" quá đà mà có không ít trận "drama" được nhen nhóm từ các hàng trà đá mà ra...
"Đi làm không thể tránh khỏi các vấn đề tiêu cực hay drama, nhất là những hôm gặp khách khó chiều mà không thể bật lại nên cứ ôm cục tức trong người. Ăn trưa xong chỉ chờ tụ họp mấy anh chị em trong team ra ngồi trút cho hả giận".
"Nhiều lúc cũng nhờ ngồi chém gió mà hóng không biết bao nhiêu drama trong công ty..."
"Nói xong là thôi, trút xong là khỏe. Đừng có mang mấy cái chuyện từ hàng trà đá ra mang lên văn phòng rồi chì chiết hay đá xéo, làm căng thẳng hơn thì chẳng nên chút nào!"
KHÔNG PHÂN BIỆT SẾP HAY NHÂN VIÊN, ĐÂY LÀ LÚC CẢI THIỆN HAY XÍCH GẦN HƠN VỚI NHAU
"Thường sau khi cơm trưa xong, mấy người sẽ rủ nhau đi uống trà đá thì lúc đầu cũng chỉ là nói chuyện phiếm như mọi người thôi nhưng không hiểu sao về nó lại thành ra các ý tưởng mới để làm việc. Tại quán trà đá thì thoải mái nói chuyện với nhau hơn, ngồi với sếp thì cũng như kiểu anh em không nề hà gì"
Với cốc trà đá 3.000 đồng mà chúng ta có nhiều thứ hơn vài ba câu chuyện trò. Còn loại thứ hai là dân văn phòng xuống trà đá để giải tỏa áp lực, bộn bề của cuộc sống. Quán trà đá dường như chứa đựng nhiều hỉ nộ ái ố của dân công sở nhất. Nhưng đa phần ai cũng thừa nhận một điều rằng "văn hóa trà đá" vào giờ nghỉ trưa của dân văn phòng mang đến lợi ích gì ngoài việc để "thỏa cái miệng" là còn phụ thuộc vào mục đích của mỗi người...
"Hồi trước nhóm tụi mình chỉ đi với các đồng nghiệp ngang chức với nhau thôi. Tự nhiên một hôm sếp ăn trưa xong đi ngang qua thấy cả nhóm ngồi rồi muốn hòa vào nhập cuộc. Từ đợt đó cả nhóm mình mới có dịp nghe sếp tâm sự đủ chuyện, hiểu hơn về các ý định của công ty, của sếp vì chỉ có ra khỏi công ty, mọi người mới có tâm lý thoải mái chia sẻ những gì mình nghĩ. Và cũng từ đó hầu như một tuần sếp sẽ đi cùng nhóm tụi mình ít nhất 2 - 3 lần. Thấy cũng vui đó chứ!"
Không chỉ có những anh đàn ông mới đi trà đá mà hội chị em cũng gia nhập một cách độc đáo vào thú vui buổi trưa này. Đây là lúc họ hỏi ý kiến nhau tối nay ăn gì, cuối tuần mua quần áo ở đâu hay mua quà gì tặng mẹ chồng. Bao nhiêu chuyện từ vụn vặt đến "quốc gia đại sự" như thế đều được đưa ra bàn tán sôi nổi bên bàn trà đá.
"Chị em uống giải khát là phụ, tâm sự là chính. Tiếng cười giòn giã lắm những khi kể đúng chuyện của nhau, khi người này "gia sư" đúng chuyện cho người kia. Ti tỉ chuyện, thậm chí kể chuyện bốc phốt nói xấu nhau cũng tại quán trà đá, nhờ trà đá mà mình biết hơn nhiều drama hơn, thấy thú vị lắm. Cứ dần dà sống chậm lại tí, 2h chiều rồi hãy lên văn phòng làm việc sau"
Dân công sở hàng ngày "gánh" trên vai nhiều áp lực, nào deadline, nào công việc, nào tiền lương,... nhưng lắm khi giây phút bên trà đá họ cười nhiều lắm. Dường như khi đó, chỉ có anh em và cốc trà thôi, những chuyện ồn ào khác không đáng để bận tâm.
Dù có thể với nhiều người thì giờ nghỉ trưa làm nhiều thứ khác nhau, dù có nhiều thú vui gia nhập nhưng trà đá vỉa hè với dân công sở vẫn là một thứ tao nhã, bình dị đến mức thân quen. Với dân văn phòng họ thường coi đây là văn hóa công sở không thể thiếu. Nhất là với những công ty nào không có các hoạt động tập thể lành mạnh hoặc tạo điều kiện để mọi người hiểu nhau hơn thì họ hoàn toàn có quyền chọn cho mình một nơi để giải tỏa hoặc xích lại gần nhau hơn như cách... ngồi trà đá và "chém gió".