Không nên ép trẻ học hè

Chia sẻ Facebook
27/06/2022 23:58:57

Năm nay, học sinh sẽ có 3 tháng nghỉ hè trọn vẹn trước khi bước vào khai giảng năm học mới. Thế nhưng, nhiều phụ huynh vẫn bắt con ở bậc tiểu học “chạy sô” học thêm và thi cử trong hè.

Nhiều em dịp hè được bố mẹ cho vui chơi, trải nghiệm các hoạt động thực tế


Chị Đặng Thị Trà My, có con năm nay học lớp 4, Trường tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho biết, tuy nghỉ hè nhưng con vẫn đi học thêm đều đặn tuần 6 buổi gồm 3 buổi ngoại ngữ ở trung tâm, 1 buổi Tiếng Việt, 2 buổi Toán ở nhà cô giáo. “Con không thích nhưng bố mẹ đi làm cả ngày, ở nhà với ông bà sẽ chỉ chúi mũi vào tivi và truyện tranh. Do đó, con đi học vừa đỡ quên kiến thức vừa bớt thời gian xem tivi”, chị Trà My nói.

Trên các nhóm lớp phụ huynh rủ nhau nhóm 5-7 học sinh thành lớp rồi nhờ giáo viên “dạy bồi dưỡng”. Nhất là học sinh được cha mẹ định hướng sẽ thi vào các trường chất lượng cao, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam… đi học ôn từ lớp 4-5 và không có cả thời gian nghỉ trong dịp hè.

Một phụ huynh vừa cho con tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 6, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam cho biết, trước đó con đã dự kỳ thi tuyển lớp 6 của 2 trường nữa gồm: THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, THCS Cầu Giấy. Các trường con dự thi đều có tỉ lệ chọi rất cao, căng thẳng, do đó dù kết thúc năm học từ cuối tháng 5, con vẫn phải miệt mài đi ôn tập ở các lò luyện cũng như học thêm ở nhà.

"Trong khi trẻ con là đối tượng yếu thế, dù không muốn, dù mệt mỏi sẽ vẫn phải nghe lời, thực hiện theo kế hoạch của bố mẹ. Nhiều trẻ bị tận dụng mọi thời gian để đưa đến các lớp học thêm mà phụ huynh không hiểu rằng, sức khỏe tâm thần rất quan trọng. Có thể ban đầu các em vẫn chịu đựng nhưng quá trình học tập kéo dài, áp lực lớn sẽ khiến các em bị stress, mất hứng thú với học tập".

TS Trần Thành Nam cảnh báo


Ðừng “ăn bớt” thời gian nghỉ ngơi của con

Trong khi đó, một số phụ huynh lại mong con có kỳ nghỉ hè nghỉ ngơi đúng nghĩa “không sách vở”. Thay vào đó, trẻ được tham gia các hoạt động vui chơi, rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm thực tế…

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, có 2 con ở bậc tiểu học và THCS tại Hà Nội chia sẻ, kết thúc năm học, con được mẹ mua thẻ bơi 3 tháng; đăng ký đá bóng ở CLB và tham gia 1 khoá Học kỳ quân đội để có trải nghiệm. “Tôi muốn con có kỳ nghỉ hè thật sự thoải mái, không áp lực để bước vào năm học mới, do đó không ép con học thêm bất cứ lớp nào, thay vào đó, con được giao lưu, rèn luyện thể lực”, chị Hạnh nói.

Bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, một số phụ huynh không yên tâm nên cho con đi học hè, học trước kiến thức, nhất là tiền lớp 1. Điều này không cần thiết vì trong năm học, chương trình thiết kế đảm bảo trẻ đạt mục tiêu. Chưa kể, dạy cho trẻ “biết tuốt” tất cả các bài học trước chương trình, khi vào lớp một số em có tình trạng không hứng thú bài học nữa.

TS Trần Thành Nam, Trưởng Khoa Các khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) nói rằng, sau 3 năm COVID-19 liên tiếp, nhiều học sinh chịu tổn thương sức khỏe tâm thần. Kỳ nghỉ hè là dịp tốt để các con được nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động bù đắp việc rèn kỹ năng sống, kỹ năng xã hội nhiều hơn là tiếp tục bổ sung kiến thức.

Ngay cả chương trình giáo dục phổ thông mới hiện cũng đã chuyển đổi phương thức giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực, làm sao giúp trẻ khoẻ mạnh, có hứng thú để tự đọc, tự học và biết cách thực hành. “Ngay cả trong gia đình, nhiều em được giao nhiệm vụ học tập và miễn tất cả việc nhà. Điều này không hợp lý vì muốn con biết làm gì đều phải “thả” con vào trải nghiệm thực tế từ đó mới biết cách làm, cách ứng xử”, ông nói.


Theo Hà Linh

Tiền Phong

Chia sẻ Facebook