Không khí chán nản bao trùm thị trường, những cổ phiếu nào mang lại nụ cười cho nhà đầu tư?
Nhà đầu tư nắm giữ 3 cái tên tỷ trọng lớn nhất VNDiamond, nhóm Bán lẻ, Viettel, Thủy sản, Dệt may, Bảo hiểm, Nước có thể “thảnh thơi” ngắm danh mục xanh tím giữa thị trường đỏ lửa.
Khởi đầu tháng 4 đầy hưng phấn và hừng hực khí thế vượt đỉnh, hẳn ít nhà đầu tư thời điểm đó có thể ngờ rằng thị trường lại sớm đẩy họ vào hoàn cảnh "như ngồi trên đống lửa" khi phải nhìn tài khoản "bốc hơi" mỗi ngày như hiện nay.
Làn sóng bán tháo xuất phát từ nhóm đầu cơ dần lan rộng đến cả những Bluechips đầu ngành. Các công thần từng giúp thị trường thăng hoa trong năm ngoái như bộ 3 "Bank - Chứng - Thép" hay nhóm Bất động sản cũng đều bị cơn bão quét qua. VN-Index từ vị thế rất gần đỉnh cũ bỗng quay đầu giảm chóng vánh hơn 92 điểm, vốn hóa của HoSE cũng theo đó bị "thổi bay" 357.000 tỷ đồng (~15,5 tỷ USD).
Đa phần nhà đầu tư đã rơi vào thua lỗ khiến tâm lý bi quan, chán nản bao trùm khắp các diễn đàn, mạng xã hội về chứng khoán. Nhưng đừng vội rời bỏ thị trường bởi thực tế vẫn có những nơi trú ẩn an toàn giúp nhà đầu tư bảo toàn được danh mục, thậm chí kiếm bội tiền ngay trong thời điểm giông bão nhất.
3 viên kim cương sáng nhất rổ VNDiamond
Giữa làn sóng bán tháo lan rộng, MWG và FPT vẫn vững vàng vùng đỉnh dù đà tăng cũng bị hạn chế phần nào do ảnh hưởng của thị trường chung. Trước đó, nhịp tăng mạnh (khoảng 20 - 30%) từ giữa tháng 3 đã giúp bộ đôi này lần lượt dắt tay nhau vào câu lạc bộ vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng ngay trước khi sóng gió xảy ra. Giữ vững thành quả sau 2 tuần khốc liệt vừa qua là một thành công đáng ghi nhận của 2 Bluechips này.
Ấn tượng hơn, PNJ thậm chí còn liên tục ngược dòng bứt phá và ghi nhận mức tăng 10% trong tuần"đen tối" của thị trường qua đó leo lên lập đỉnh lịch sử mới. Trong kỳ cơ cấu tới đây, DCVFM VNDiamond ETF có thể mua thêm 3,1 triệu cổ phiếu PNJ qua đó nâng tỷ trọng cổ phiếu này trong danh mục lên ngang với bộ đôi dẫn đầu MWG và FPT.
Các chủ lực đều "sống khỏe" giữa giông bão, không bất ngờ khi chứng chỉ quỹ FUEVFVND chỉ điều chỉnh nhẹ sau khi đạt đỉnh bất chấp phần lớn các thành phần còn lại trong danh mục đều nằm trong vòng xoáy bán tháo vừa qua. Trước đó trong quý 1/2022 khi thị trường kém thuận lợi khiến nhiều quỹ lớn tăng trưởng âm, Diamond ETF cũng vượt trội so với phần còn lại.
Cổ phiếu Bán lẻ chưa thấy đỉnh
Ngoài MWG, PNJ, các cổ phiếu Bán lẻ khác như DGW, FRT, PET cũng gần như miễn nhiễm trước những biến động của thị trường chung. VN-Index mất hơn 90 điểm sau 2 tuần không ngăn được DGW lập đỉnh mới trong khi FRT và PET cũng đang nhăm nhe vượt đỉnh cũ bất cứ lúc nào.
Trong báo cáo triển vọng ngành Bán lẻ, SSI Research cho rằng nhu cầu về điện thoại di động và máy tính xách tay vẫn tăng trưởng trong năm 2022, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với mức tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2021. Với sự thiếu chip có thể sẽ kéo dài đến đầu năm 2023, các thương hiệu điện thoại di động cao cấp có thể vượt trội hơn do các công ty lớn có khả năng đàm phán tốt hơn để đảm bảo đủ chip trong sản xuất.
Thủy sản, Dệt may thăng hoa nhờ xuất khẩu
Làn sóng bán tháo lan rộng cũng có thời điểm khiến đà tăng của các cổ phiếu Thủy sản có phần bị chậm lại trong một vài phiên. Tuy nhiên, phần lớn các cổ phiếu như VHC, ANV, ACL, CMX, IDI,... đã bứt phá trở lại và đều đã vượt đỉnh lịch sử.
Sóng thủy sản được hỗ trợ tích cực đến từ số liệu xuất khẩu những tháng đầu năm. Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP dự phóng xuất khẩu cá tra trong quý 2/2022 có thể tăng trên 50% so với cùng kỳ đồng thời cũng cho rằng giá cá tra sẽ tăng tiếp trong thời gian tới do việc thiếu hụt nguyên liệu có thể kéo dài.
Tương tự, các cổ phiếu dệt may cũng bắt đầu nổi từ cuối tháng 1 với nhiều mã ghi nhận mức tăng hai chữ số. Nhịp giảm sốc của thị trường chung không thể ngăn cản TNG, GIL, STK, MSH tiếp tục leo lên lập đỉnh mới.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong quý 1/2022 giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tăng 23% so với cùng kỳ đạt 8,8 tỷ USD. Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau khi đóng cửa ở nhiều nước phát triển và sự phục hồi của hoạt động sản xuất trong nước sau khi ngừng hoạt động vào quý 3/2021.
Nhóm Viettel nổi sóng
Cú rơi vừa qua của thị trường là cơn ác mộng với phần lớn cổ phiếu trên sàn nhưng gần như không thành vấn đề đối với nhóm Viettel. CTR chỉ điều chỉnh nhẹ trong vài phiên trước khi tiếp tục bứt phá mạnh lập đỉnh mới và vẫn đang giao dịch tại vùng giá cao nhất lịch sử.
Trong khi đó, VGI chỉ mất 1 phiên rũ hàng trong nhịp tăng bất chấp thị trường vừa qua. Cổ phiếu này hiện cũng đang dừng ở mức giá cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Vốn hóa theo đó tăng gần 29.000 tỷ đồng sau khoảng 3 tuần giao dịch.
"Yếu" nhất nhóm trong 2 tuần trở lại đây là VTP gần như không đánh mất thành quả trước đó. Ngay trước khi làn sóng bán tháo quét qua thị trường, VTP đã có nhịp tăng gần 30% qua đó leo lên mức cao nhất từ đầu năm 2022 vào phiên 4/4.
Cổ phiếu phòng thủ lên ngôi
Cổ phiếu Bảo hiểm, Nước vốn được biết đến với vai trò phòng thủ danh mục và thường ít được nhà đầu tư chú ý đến trong giai đoạn thị trường bùng nổ. Tuy nhiên, khi rủi ro dần xuất hiện nhiều hơn, nhóm ngành này bắt đầu nổi lên như một lựa chọn khó có thể bỏ qua, đặc biệt trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng.
Từ cuối tháng 1 đến nay, hầu hết các cổ phiếu Bảo hiểm như MIG, BVH, VNR, BIC, BMI, PVI, PRE đều có mức tăng hàng chục % và nhiều cái tên đang giao dịch quanh vùng đỉnh. Nhóm Bảo hiểm được kỳ vọng vẫn còn sóng với nhiều câu chuyện đáng chờ đợi như thoái vốn Nhà nước, xu hướng tăng lãi suất, các chính sách thuận lợi và triển vọng phục hồi hậu Covid.
Bộ đôi ngành Nước (BWE, TDM) cũng dậy sóng bất chấp thị trường không thuận lợi. Cả 2 cổ phiếu này đều liên tục bứt phá để tìm đỉnh mới với kỳ vọng được hưởng lợi từ làn sóng FDI không ngừng chảy vào Bình Dương dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu nước trong tương lai. Ngoài ra, cơ cấu cổ đông khá cô đặc cũng giúp các cổ phiếu này ít chịu tác động bởi thị trường chung.
Theo Hà Linh
Trí Thức Trẻ