Không được lạm dụng khám hậu COVID-19

Chia sẻ Facebook
30/03/2022 01:27:34

Nhu cầu khám hậu COVID-19 với một số bệnh nhân là có, song Bộ Y tế cho rằng không thành lập thêm bệnh viện hoặc các khoa điều trị hậu COVID-19 để tránh tốn kém, lãng phí.

Bác sĩ Nguyễn Hải Công - chủ nhiệm khoa lao và bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 - thăm khám cho bệnh nhân điều trị hậu COVID-19 tại bệnh viện - Ảnh: DUYÊN PHAN


Trước thực trạng có một số nơi tư vấn theo kiểu hù dọa người bệnh sau khi mắc COVID-19 để lôi kéo khám bệnh trọn gói, các chuyên gia y tế lưu ý người dân cần bình tĩnh để chọn đúng nơi khám bệnh khi có nhu cầu thật sự.


Đừng "chui đầu" vào những chỗ hay vẽ vời

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM - cho rằng việc ổn định tâm lý sau khi khỏi COVID-19 vẫn cực kỳ quan trọng. Thời gian qua nhiều người nghe một số quảng cáo mô tả triệu chứng, rồi đồn đại đã "lên ruột" vì lo lắng. "Cứ nghe thông tin liên quan đến phổi là người ta rất hoảng loạn. Vì vậy khi muốn đi khám hậu COVID-19, chúng ta nên chọn mặt gửi vàng, tìm những cơ sở thăm khám uy tín chứ đừng chui đầu vào những chỗ hay vẽ vời để rồi tiền mất tật mang" - ông Khanh nói.


Tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) mỗi ngày có khoảng 70 bệnh nhân hô hấp đến khám ngoại trú, trong đó bệnh nhân hậu COVID-19 chiếm khoảng 40-50%. "Bệnh nhân khi đến khám hậu COVID-19 có thể lựa chọn khám thông thường tại phòng khám ngoại trú như tất cả bệnh nhân khám bệnh hô hấp khác, hoặc lựa chọn khám tại phòng khám hô hấp theo yêu cầu. Mọi xét nghiệm và dịch vụ kỹ thuật khám hậu COVID-19 đều được xây dựng theo quy định của Bộ Y tế" - bác sĩ Nguyễn Hải Công, chủ nhiệm khoa hô hấp của bệnh viện, thông tin.

Bệnh nhân nghe tư vấn và điều trị hậu COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, một nhân viên y tế ở đây cho hay bệnh viện có hai hình thức khám hậu COVID-19: nếu khám BHYT bệnh nhân sẽ đóng trước 39.000 đồng/lần đăng ký khám, còn dịch vụ sẽ là 150.000 đồng/lần. Sau đó các bác sĩ sẽ tư vấn, thăm khám và làm các xét nghiệm chỉ định cần thiết mới biết chính xác chi phí cụ thể.

Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho hay mỗi ngày phòng khám hậu COVID-19 của đơn vị tiếp nhận vài chục bệnh nhân, phần lớn gặp nhiều di chứng cùng lúc nhưng ở mức độ nhẹ. So với những tháng trước, số lượng người đến khám hậu COVID-19 không tăng.

Ngoài các bệnh viện công nêu trên, tại một số bệnh viện tư cũng đã triển khai các gói khám hậu COVID-19 cả dịch vụ và BHYT. Qua tư vấn nhân viên của Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức cho biết bệnh nhân có thể đến khám hậu COVID-19 bằng BHYT hoặc chọn các gói khám có giá 2,8 - 7,3 triệu đồng, mỗi gói khám sẽ có các chỉ định khác nhau, trong đó có bao gồm cả khám tổng quát. Còn đối với bệnh nhân sử dụng BHYT, tiền khám sẽ phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám.


Vì sao không cần thiết lập khoa hậu COVID-19?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia dịch tễ cũng như lãnh đạo các bệnh viện đều cho rằng hướng dẫn không thành lập khoa hậu COVID-19 của Bộ Y tế là hoàn toàn phù hợp.

TS Nguyễn Như Vinh - trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) - cho rằng không nên thành lập khoa hậu COVID-19 bởi khi thành lập khoa, chuyên khoa này phải tốn thêm nhân sự được đào tạo chuyên sâu về hậu COVID-19. Trong khi đó các di chứng hậu COVID-19 chỉ cần bác sĩ đa khoa, trường hợp bệnh nhân gặp di chứng nào nặng có thể tiếp tục điều trị ở chuyên khoa phù hợp.

"Nếu thành lập chuyên khoa thì đội ngũ nhân viên y tế phải được đào tạo hệ thống như một chuyên khoa khác, trong khi khám hậu COVID-19 cũng giống như khám tổng quát, thông thường. Người bệnh có thể khám tại phòng khám nội khoa, đa khoa; bệnh nhân gặp triệu chứng hậu COVID-19 nào nặng thì gặp bác sĩ chuyên khoa đó" - ông Vinh chia sẻ.

Bệnh nhân điều trị hậu COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) - Ảnh: D.PHAN

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng cho rằng không nên thành lập khoa hậu COVID-19 bởi khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm COVID-19 kèm theo bệnh nền (thiếu máu cơ tim, tiểu đường...) hoặc bệnh mới mắc (tai nạn, ruột thừa...) thì vẫn có thể nằm điều trị ở chuyên khoa phù hợp. "Dịch đã chuyển qua tình hình mới, bệnh nhân COVID-19 nên điều trị ở các chuyên khoa phù hợp tùy theo tình trạng bệnh lý của mình" - ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng nếu bệnh nhân gặp phải các di chứng hậu COVID-19 ở đâu thì điều trị ở chuyên khoa đó. "Còn khi COVID-19 trở thành bệnh lưu hành có thể giao về khoa nhiễm, khoa hô hấp thành một khu vực hoặc bộ phận. Việc lập thêm các khoa này sẽ phải cần đến nhân lực, phân chia mất nhiều thời gian" - ông Khanh nói.


Trước việc thời gian qua có tình trạng loạn giá khám hậu COVID-19, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi đến giám đốc các đơn vị trực thuộc, yêu cầu các đơn vị không được tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, kể cả dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Các đơn vị không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khỏe cho người bệnh hậu COVID-19 trong trường hợp không cần thiết, không hạn chế quyền lợi của người bệnh khi đến khám chữa bệnh đối với các bệnh liên quan hậu COVID-19 bằng việc gợi ý, ép buộc người bệnh tham gia các gói dịch vụ khám sức khỏe hậu COVID-19 với giá khám theo yêu cầu.


Lo quá cũng thành bệnh

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hậu COVID-19 là tình trạng bao gồm một loạt triệu chứng (cả về thể chất và tinh thần) xảy ra trong hoặc sau khi nhiễm COVID-19 (thường trong vòng 3 tháng), tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng và không giải thích được bằng các chẩn đoán thay thế.

Qua thực tế thăm khám, bác sĩ Đinh Quang Thanh - trưởng khoa phục hồi chức năng, vật lý trị liệu Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM - nhận thấy có nhiều bệnh nhân chỉ gặp các di chứng hậu COVID-19 rất nhẹ hoặc thoáng qua cũng gặp bác sĩ. Ở nhóm bệnh nhân này thường hay bị ảnh hưởng về tâm thần kinh là chủ yếu, ít khi có tổn thương thực thể trên hệ hô hấp.

Tuy nhiên khi bệnh nhân nghe quá nhiều về hậu COVID-19, bắt đầu lo lắng, kích thích hệ thần kinh tự động, làm tức ngực, đau tim, tác động lên dạ dày - thực quản gây đau bụng, buồn nôn, cảm giác khó thở. Khi tác động lên não, làm giãn mạch gây nhức đầu hoặc co mạch gây chóng mặt, ngủ không sâu, không tập trung...

Bác sĩ Thanh cho biết thêm các tổn thương thực thể trên hệ hô hấp như tình trạng đông đặc phổi, xơ phổi thường gặp hơn ở các bệnh nhân nhiễm COVID-19 mức độ nặng, mức độ nguy kịch, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân phải thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy không xâm nhập, thở máy xâm nhập, hoặc được điều trị bằng phương pháp tim phổi nhân tạo (ECMO).

Ngáo ộp 'hậu COVID-19'... Cho đến nay, đại dịch COVID-19 có vẻ như dần hạ nhiệt, nhưng hậu COVID-19 lại đang là đề tài nóng hổi trong đời sống xã hội.

Chia sẻ Facebook