Không được làm cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Dẫn vụ việc trang bán hàng tại Nhật Bản đăng tải bán một sản phẩm thảm chân mô phỏng theo hình dáng Quốc kỳ Việt Nam, ĐBQH bày tỏ sự bức xúc và cho rằng cần có thêm quy định về hành vi, chế tài, bản quyền.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để thảo luận 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Sáng nay (28/3) các đại biểu thảo luận dự án luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tại báo cáo số 87 của Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng. Với mục đích nhằm vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định: “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được làm ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.
Qua nghiên cứu, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với sự cần thiết bổ sung quy định này.
Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy quy định “Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật” là nguyên tắc chung trong áp dụng pháp luật, hơn nữa cũng không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ nên đề nghị không bổ sung vào Điều 7.
Do đó, Ủy ban Pháp luật ghi nhận một phần ý kiến của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 như sau: “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.
Thảo luận thêm về việc này, ĐB Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên-Huế), ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) tán thành về việc sửa đổi nêu trên.
Theo bà Sửu, Hiến pháp là sự hiến định cao nhất còn ở đây chỉ bổ sung những hạn định để thực hiện tốt theo luật về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐB Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu một phần trong khoản 2 điều 7 của dự thảo, tuy nhiên, ông bày tỏ sự băn khoăn phương án xử lý, quy định này có giải quyết được không.
Ông dẫn chứng: "Vừa rồi qua sự kiện thể thao, chúng ta không được nghe Quốc ca nên đặt ra rất nhiều vấn đề. Quá trình rà soát lại cho thấy lỗ hổng khá lớn. Đó là, cho đến bây giờ chưa có văn bản nào quy định, hướng dẫn việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca ngoài văn bản quy định từ năm 1957. Đây là lỗ hổng chưa hoàn thiện cơ chế pháp lý".
ĐB đề xuất, đối với thẩm quyền hướng dẫn, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nên giao cho Chính phủ và cân nhắc quy định ở khoản 2 Điều 7.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, ĐB Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) cho hay, trong hệ thống pháp luật hiện nay đã có văn bản quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nhưng chủ yếu quy định xử lý hành vi vi phạm, hướng dẫn sử dụng còn trong Luật Sở hữu trí tuệ có thể áp dụng quy định chung.
Tuy nhiên, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, biểu tượng quốc gia được quy định trong Hiến pháp nên cần có quy định riêng, đối xử phải đặc biệt hơn so với các tác phẩm văn học, nghệ thuật khác.
Ông nói, nhiều nước có luật quy định riêng hay quy định về quyền tác giả liên quan Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Xuất phát từ thực tiễn, có một số vụ việc, đặc biệt liên quan đến Quốc ca trên không gian mạng do Youtube ngắt tiếng gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến việc nhân dân tiếp cận Quốc ca cũng như thể diện, hình ảnh quốc gia.
Về Quốc kỳ, mới đây, trên một trang bán hàng tại Nhật Bản đã đăng tải bán một sản phẩm thảm chân mô phỏng theo hình dáng Quốc kỳ Việt Nam. Thậm chí, trong phần mô tả cụ thể về dùng ở nhà, ngoài cửa, ngoài trời, thảm... ĐB bày tỏ sự bức xúc "Hành vi xúc phạm trên không thể chấp nhận được và Luật Hình sự đã có quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Do đó, những việc này cần phải xử lý".
Về sở hữu trí tuệ, ông Nam nói, nếu không có quy định cụ thể về quyền tác giả, các quyền có liên quan thì có thể xảy ra việc nhân danh sáng tạo nghệ thuật có hành vi ngăn chặn, cản trở, việc phổ biến hay xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca...
Do đó, việc có thêm quy định về hành vi, chế tài, bản quyền đối với nội dung có tính chất pháp lý quan trọng cần thiết nhằm vừa giữ gìn tính pháp lý, trang nghiêm, tôn nghiêm vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến cho nhân dân, quốc tế, thực tiễn như đề nghị của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật là cần thiết.
Trần Thường