Không để người dẫn đường lạc lối
Thứ Năm tuần này, hai hôm trước Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, báo chí đưa tin người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, đã có buổi gặp gỡ 400 nhà giáo tiêu biểu khắp nơi tề tựu về Hà Nội.
Không để người dẫn đường lạc lối
Có thể nói 400 gương mặt nhà giáo đại diện cho những tấm gương trong ngành giáo dục từ mầm non đến đại học, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục thường xuyên, từ các thầy cô trẻ tuổi nghề đến các giáo sư khả kính có thể soi tuổi nghề trên mái tóc muối tiêu. Có thầy cô dạy ở vùng sâu, vùng xa. Và không chỉ các thầy cô từ các cơ sở giáo dục nhà nước, có người là giáo viên tại trường tư thục.
Mỗi người một vẻ, tuy không “mười phân vẹn mười”, họ có một điểm chung: ai cũng có quyền tự hào về những chuyện mình đã làm cho học sinh. Có thể nói mỗi người không những truyền cảm hứng cho các học trò thân yêu mà còn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp gần xa.
Tại buổi gặp mặt này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng trong giai đoạn khó khăn do đại dịch gây ra, các thầy cô giáo cũng như cán bộ ngành giáo dục đã nỗ lực thay đổi để thích ứng [với các điều kiện mới], báo Tuổi trẻ dẫn lời bộ trưởng Sơn. Ông nhấn mạnh chính sự hy sinh, tận tâm và trách nhiệm của các thầy cô giáo đã góp phần giúp hoàn thành “nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành”.
Có lẽ các nhà giáo cũng tán đồng với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi ông đề cập đến vai trò của người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và tạo nên các giá trị cốt lõi cho thế hệ tương lại của đất nước. Bên cạnh kiến thức, ông nói, người thầy còn phải dạy cho học trò “có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội”.
Vị bộ trưởng không quên nhắc nhở các nhà giáo về trọng trách vinh quang của họ nhằm “nhận thức rõ, chính các nhà giáo là những người sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình”.
Quả thật, những gì Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu một lần nữa nêu lên trọng trách vinh quang của nhà giáo trong việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Đồng thời, có lẽ không ai không công nhận rằng để thực hiện trọng trách vinh quang đó đòi hỏi những nỗ lực to lớn không kém phần nặng nề của các thầy cô.
Nhà giáo có sứ mệnh cao cả đối với xã hội. Ai cũng nói nghề giáo là một nghề vinh quang, nhưng nghiệp giáo cũng không kém phần “bạc bẽo” theo nghĩa để thực hiện nhiệm vụ vinh quang đó, nhà giáo phải hy sinh bản thân mình rất nhiều. Ngày trước, khi nói đến nghề giáo, có người cho đó là “nghề bán cháo phổi”. Tuy đó chỉ là lời mỉa mai, nó không hoàn toàn sai. “Bán cháo phổi” chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho các thiệt thòi nhà giáo phải gánh chịu: thu nhập thấp, công việc mất nhiều thời gian, thiếu cơ hội thăng tiến, v.v…
Xã hội đòi hỏi rất nhiều từ nhà giáo, ai cũng muốn các thầy cô dạy dỗ con em mình theo cách tốt nhất, lý tưởng nhất. Nhưng thử hỏi, xã hội đã đãi ngộ nhà giáo những gì để các thầy cô làm tròn bổn phận, chức nghiệp của mình?
Gần đây nổi lên vấn đề công chức, viên chức nhà nước nghỉ việc hàng loạt, trong đó số lớn nhất từ ngành giáo dục và y tế. Theo thông tin từ cuộc họp thường kỳ của Chính phủ mấy tháng trước, trong hai năm, từ tháng 6-2020 đến tháng 6-2022, đã có gần 40.000 trường hợp công, viên chức nghỉ việc hay chuyển việc, chiếm gần 2% tổng biên chế được giao. Con số lớn nhất là từ ngành giáo dục với hơn 16.000 người, tiếp theo là ngành y với hơn 12.000 người. Lý do chính không ngoài áp lực công việc cao trong khi thu nhập lại quá thấp so với nhiều ngành nghề khác.
Đến nay, Ngày Nhà giáo Việt Nam đã tròn 40 tuổi, trải qua nhiều đời bộ trưởng giáo dục. Rất nhiều lời hứa đã được đưa ra, nhiều chuơng trình đã được thực hiện để cải thiện chất lượng làm việc và đời sống của thầy cô. Tuy nhiên, những vấn đề cần giải quyết gần như vẫn còn y nguyên. Lớn nhất vẫn là thu nhập. Mặc cho quyết tâm thực hiện các biện pháp nhằm giúp thầy cô sống được bằng đồng lương từ công việc chính của mình, rất nhiều nhà giáo vẫn phải sống bằng các công việc phụ. Đó cũng là điều nghịch lý bởi lẽ làm sao thầy cô có thể làm tròn trách nhiệm của mình ở trường lớp chính nếu các công việc phụ ngoài nhà trường, kể cả dạy thêm, đã vắt kiệt sức họ!
Trở lại với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ông cho rằng nhà giáo phải là người dẫn đường và đó là “trọng trách lớn, là sứ mệnh của nhà giáo trong việc tạo dựng con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại” (5) .
Ông nói đúng. Nhưng làm không phải dễ. Xin nhắc lại, nhà giáo được đòi hỏi phải dạy cho học sinh “có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội”. Thử hỏi làm sao một người có thể dạy cho người khác có trái tim rung động khi trái tim của chính mình còn khó rung động khi đã bị phân tâm bởi biết bao nhiêu vấn đề khó khăn bủa vây xung quanh? Thật khó dạy cho học sinh có tâm hồn thanh cao, rộng lượng khi tâm hồn của chính mình đã quá mệt mỏi với việc mưu sinh ngoài cổng trường.
Vâng! Nhà giáo phải là người dẫn đường. Vì thế, không thể để người dẫn đường này lạc lối vì bao chuyện cơm áo gạo tiền. Dĩ nhiên, một mình bộ trưởng và ngành giáo dục không thể giải quyết rốt ráo vấn đề này. Nhưng cũng hy vọng rằng, với cương vị của mình, bộ trưởng sẽ làm nhiều hơn nữa để các thầy cô có thể làm tròn nhiệm vụ dẫn đường đó.
Quỳnh Thư
TBKTSG